Người Thái vun vén quyền lực trên thị trường bất động sản Việt
Sau những thương vụ thâu tóm doanh nghiệp ngành nhựa, Tập đoàn SCG của Thái Lan vừa công bố mua lại Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Việt Nam (VCM) với giá 156 triệu USD. Đây không phải là thương vụ đầu tiên của SCG trong ngành vật liệu xây dựng. Năm 2013, SCG cũng bỏ ra hơn 5.000 tỉ đồng mua lại Công ty Prime Group, vốn có thị phần lớn trong lĩnh vực gạch ngói xây dựng.
Không chỉ có SCG, trước đó, hãng xi măng lớn thứ 2 Thái Lan là Tập đoàn Siam City Cement (SCCC) đã chi gần 580 triệu USD để mua lại 65% cổ phần LafargeHolcim Việt Nam. Đây là một tập đoàn đa ngành của Thái Lan, tập trung vào 3 lĩnh vực chính là xi măng - vật liệu xây dựng, hóa dầu và bao bì. Gần đây nhất, Tập đoàn Amata (Thái Lan) đã đầu tư trên 600 triệu USD vào lĩnh vực bất động sản công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai.
Có thể thấy, người Thái thông qua những thương vụ mua bán sáp nhập để nhanh chóng thâu tóm thị trường tại Việt Nam. Sau lĩnh vực bán lẻ, người Thái càng cho thấy tham vọng trong lĩnh vực bất động sản. Thâm nhập thị trường vật liệu xây dựng - nguyên liệu chính của ngành địa ốc - SCG tính đến nước cờ chi phối thị trường bất động sản trong thời gian tới.
Theo thống kê của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến nay, các nhà đầu tư Thái Lan đã đầu tư vào 440 dự án với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 7,7 tỉ USD, đứng thứ 10/112 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư tại Việt Nam. Ngành xây dựng bất động sản chưa được nhắc đến nhiều trong các khoản đầu tư của các đại gia Thái Lan tại Việt Nam. Nhưng đến thời điểm này, các đại gia Thái đã bắt đầu lộ diện thông qua nhiều thương vụ lớn. Ngay như Tập đoàn Charoen Pokphand Group (CP Group), có ảnh hưởng lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, cũng đã đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam. Đầu năm ngoái, CP Group công bố sẽ đầu tư 3,6 tỉ USD vào Việt Nam trong 5 năm tới, trong đó một nửa khoản đầu tư sẽ rót vào bất động sản và một chuỗi cửa hàng bán lẻ.
Cách đây 15 năm, khi mới vào thị trường Việt Nam, CP Group đã đầu tư khoảng 350 triệu USD vào lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Hiện CP Group vẫn đang đầu tư ngành bán lẻ, thức ăn chăn nuôi, chế biến thủy sản và chuẩn bị nhen nhóm đầu tư bất động sản. Một ví dụ khác cho thấy người Thái đang nhòm ngó và đầu tư vào lĩnh vực bất động sản là cuộc gặp giữa Quỹ Đầu tư Probus Opportunities Mekong Fund (trụ sở tại Thái Lan) và Công ty Cổ phần Tư vấn Thương mại Địa ốc Hoàng Quân. Đây là một cuộc thăm dò để tìm hiểu về quy mô, hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản của công ty này cũng như tình hình tài chính.
Đầu năm 2016, Công ty Chứng khoán KT ZMICO của Thái Lan cũng đã làm việc với Hoàng Quân về các dự án nhà ở xã hội cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này. KT ZMICO là công ty chứng khoán có trụ sở chính tại Bangkok, Thái Lan, là thành viên thuộc Ngân hàng Krung Thai (KTB), ngân hàng lớn nhất của Thái Lan với tổng giá trị khoảng 4 tỉ USD.
Theo đánh giá của CBRE Việt Nam, thị trường bất động sản nhà ở và thương mại của Việt Nam đang dần hồi phục một cách rõ nét kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008. Đây là cơ hội để thu hút dòng vốn ngoại, trong đó có các nhà đầu tư tham vọng từ Thái Lan.
Thêm vào đó là tình hình khó khăn của ngành càng khiến các công ty xi măng tìm nhà đầu tư bán lại. Từ đầu năm 2016 đến nay, Việt Nam đã bổ sung thêm 3 dây chuyền mới đi vào hoạt động, nâng tổng công suất thiết kế lên 88 triệu tấn. Theo dự báo ngành, giai đoạn 5 năm 2017-2020, công suất ngành xi măng sẽ tiếp tục tăng khi có thêm những những dự án lớn đi vào vận hành. Quá nhiều dự án mới, ngành xi măng sẽ dư thừa nhưng phương án xuất khấu cũng không mấy sáng sủa. Sản lượng vượt nhu cầu tiêu thụ nội địa nhưng giải pháp xuất khẩu lại không thể thực hiện được bởi xi măng Việt Nam đang chịu bất lợi trong cuộc cạnh tranh về giá, khiến các nhà sản xuất trong nước loay hoay chưa tìm ra lối thoát.Trở lại câu chuyện kinh doanh của SCG. Khi ngành vật liệu xây dựng, nhất là xi măng trong nước đang gặp nhiều khó khăn thì đây đúng là cơ hội để SCG đàm phán mua lại. Thời gian gần đây, xi măng được liệt kê vào một trong ngành có tỉ lệ ô nhiễm môi trường lớn và ngày càng bị hạn chế. Hầu hết các nhà máy xi măng đang hoạt động đều gặp phải tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Nhà nước từng ra phương án sẽ đình chỉ hoạt động những nhà máy gây ô nhiễm. Chẳng hạn, Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Bình vừa ra quyết định đình chỉ hoạt động Nhà máy xi măng Vạn Ninh vì lý do nhà máy thải khói bụi chưa qua xử lý ra môi trường. Đó là lý do nhiều nhà máy xi măng tại Việt Nam đang được đưa vào diện cảnh báo.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, mặc dù Việt Nam có ngành công nghiệp xi măng lớn nhất Đông Nam Á với 58 nhà máy xi măng với tổng công suất gần 90 triệu tấn/năm nhưng lượng xuất khẩu so với Thái Lan lại thấp hơn rất nhiều. Mặc dù, Thái Lan hiện chỉ có khoảng 11 nhà máy xi măng với công suất 46,7 triệu tấn/năm, nhưng đáng chú ý, nhu cầu tiêu thụ nội địa của Thái Lan chỉ chiếm khoảng 1/4 tổng sản lượng, dành phục vụ xuất khẩu hằng năm.
Lợi thế của xi măng Thái Lan là nhờ đã thâm nhập vào thị trường quốc tế từ rất lâu trong khi Việt Nam mới xuất khẩu xi măng và clinker từ năm 2010. Thái Lan có truyền thống làm xi măng lâu đời và cạnh tranh chính là chất lượng và vận chuyển nhanh. Vì thế, doanh nghiệp Việt Nam khó lòng cạnh tranh được. Chưa kể, xi măng Việt Nam đang phải đối mặt với xi măng Trung Quốc, đặc biệt về giá. Nhiều doanh nghiệp cho biết, 2 năm gần đây, xuất khẩu xi măng và clinker Trung Quốc tăng về khối lượng và giá bán lại giảm nên doanh nghiệp xi măng Việt dù có giảm giá nhưng cũng không thể rẻ hơn.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung, ngoài cạnh tranh với các đối thủ láng giềng, trong thời gian tới, xuất khẩu xi măng sẽ tiếp tục gặp khó khăn khi chi phí xuất khẩu của các doanh nghiệp xi măng trong nước sẽ tăng cao hơn nữa do những quy định mới. Đó là lý do vì sao, người Thái đang dần xâm lấn và thâu tóm ngành xi măng Việt để dần chi phối và tạo quyền lực trong lĩnh vực bất động sản.