|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Người Mã đổ bộ vào lĩnh vực ngân hàng Việt Nam

20:20 | 01/09/2016
Chia sẻ
Vốn điều lệ của CIMB Việt Nam là 3.203,2 tỷ đồng, thời hạn hoạt động là 99 năm. Cùng với Hong Leong và Public Bank Berhad, CIMB Bank Berhad là tổ chức thứ ba của Malaysia sở hữu ngân hàng 100% vốn tại Việt Nam.
nguoi ma quotdo boquot vao linh vuc ngan hang viet nam
Ảnh minh họa: Ndh.

Theo đó, Thống đốc NHNN cho phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài của Ngân hàng CIMB Bank Berhad tại Việt Nam. Ngân hàng có tên gọi Ngân hàng TNHH MTV CIMB Việt Nam (CIMB Bank (Vietnam) Limited) đặt trụ sở chính tại Tòa nhà Cornerstone, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội, Việt Nam.

Vốn điều lệ của CIMB Việt Nam là 3.203,2 tỷ đồng, thời hạn hoạt động là 99 năm.

Ngày 31/8/2016, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Giấy phép số 61/GP-NHNN về việc thành lập và hoạt động ngân hàng 100% vốn nước ngoài.

Cách đây hơn một năm, vào tháng 8/2015, Ngân hàng CIMB của Malaysia đã nhận được quyết định cấp phép về nguyên tắc mở ngân hàng100% vốn tại Việt Nam. Quyết định này được đưa ra ngay sau cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Najib Rajak tại Malaysia. Giấy phép hoạt động đến nay đã chính thức được NHNN cấp và có hiệu lực kể từ ngày 31/8/2016.

Đầu tháng 4/2016, Public Bank Berhad đã chính thức hoàn tất mua lại 50% vốn tại liên doanh VID Public Bank từ đối tác là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV). Liên doanh 50:50 giữa Ngân Hàng Đầu Tư và Phát Triển Việt Nam (BIDV) và Public Bank Berhad được thành lập vào năm 1992. Sau 24 năm, Public Bank Berhad đã chính thức sở hữu 100% vốn VID Public bank (nay đã đổi tên thành Public Bank VietNam). Nhờ thương vụ chuyển nhượng này, BIDV đã thu về khoản lãi lớn xấp xỉ 827 tỷ đồng trong quý II năm 2016.

Như vậy, chỉ trong hai quý giữa năm 2016, Malaysia đã có thêm hai Ngân hàng 100% vốn tại Việt Nam. Trước đó, Hong Leong Bank, thành viên của Tập đoàn Hong Leong Malaysia, là ngân hàng thương mại 100% vốn đầu tiên của Malaysia và Đông Nam Á được cấp phép thành lập tại Việt Nam (tháng 12/2008).

Với ba đại diện, ngân hàng Malaysia áp đảo về số lượng trong các ngân hàng ngoại tại Việt Nam. Hiện Việt Nam đang có 8 ngân hàng 100% vốn ngoại gồm HSBC (Hồng Kông), ANZ (Úc), Standard Chartered, Shinhan Vietnam (Hàn Quốc), Hong Leong Bank (Malaysia - thành viên của Tập đoàn Hong Leong Malaysia), CitiBank, CIMB (Malaysia), Public Bank Berhad (Malaysia). Tính đến cuối tháng 6/2016, vốn điều lệ của các NH Liên doanh, nước ngoài tại Việt Nam đạt 100.552 tỷ đồng, chiếm 21% tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống. Tổng tài sản có đạt 828.948 tỷ đồng, trong khi tổng tài sản có toàn hệ thống là 7.868.261 tỷ đồng.

Cũng phải nói thêm rằng, Malaysia là nước dẫn đầu lượng vốn FDI vào Việt Nam trong số các nước ASEAN trong năm 2015 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm gần 2,5 tỷ USD. Ghi nhận trong 8 tháng năm 2016, Malaysia đứng thứ ba trong các nước ASEAN về đàu tư trực tiếp vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 376,7 triệu USD, chiếm 13,6% tổng vốn đầu tư đăng ký của cả khu vực tại Việt Nam.

Theo giấy phép được NHNN cấp, Ngân hàng TNHH MTV CIMB Việt Nam được thực hiện các hoạt động của loại hình ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật và của NHNN, gồm các hoạt động sau: (i) Nhận tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các loại tiền gửi khác; (ii) Cấp tín dụng dưới các hình thức sau: Cho vay, chiết khấu, tái thiết khấu công cụ chuyển nhượng và giấy tờ có giá khác, bảo lãnh ngân hàng, phát hành thẻ tín dụng, bao thanh toán trong nước; (iii) Mở tài khoản thanh toán cho khách hàng; (iv) Cung ứng dịch vụ thanh toán trong nước: Cung ứng phương tiện thanh toán; Thực hiện dịch vụ thanh toán séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thư tín dụng, thẻ ngân hàng, dịch vụ thu hộ và chi hộ; (v) Mở tài khoản: Mở tài khoản tại NHNN, mở tài khoản tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác; (vi) Tổ chức thanh toán nội bộ, tham gia hệ thống thanh toán liên ngân hàng quốc gia; (vii) Dịch vụ quản lý tiền mặt, tư vấn ngân hàng, tài chính; các dịch vụ quản lý bảo quản tài sản, cho thuê tủ, két an toàn; (viii) Tư vấn tài chính doanh nghiệp, tư vấn mua, bán, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp và tư vấn đầu tư; (ix) Tham gia đấu thầu, mua, bán tín phiếu Kho bạc, công cụ chuyển nhượng, trái phiếu Chính phủ, tín phiếu NHNN và các giấy tờ có giá khác trên thị trường tiền tệ; (x) Mua, bán trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp; (xi) Dịch vụ môi giới tiền tệ; (xii) Phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu để huy động vốn theo quy định của Luật các TCTD, Luật Chứng khoán, quy định của Chính phủ và hướng dẫn của NHNN; (xiii) Vay vốn của NHNN dưới hình thức tái cấp vốn theo quy định của Luật NHNN và hướng dẫn của NHNN; (xiv) Vay, cho vay, gửi, nhận gửi vốn của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của NHNN; (xv) Góp vốn, mua cổ phần theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của NHNN; (xvi) Ủy thác, nhận ủy thác, đại lý trong lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của NHNN; (xvii) Kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối trên thị trường trong nước và trên thị trường quốc tế trong phạm vị do NHNN quy định.

Theo Thanh Thủy

Ndh

Quốc hội đề nghị làm rõ thu thuế sàn TMĐT, cơ sở thường trú 'ảo'  nước ngoài bằng cách nào?
Trước đề xuất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với sàn thương mại điện tử, cơ sở thường trú 'ảo' của doanh nghiệp nước ngoài, Cơ quan thẩm tra đề nghị làm rõ tính khả thi về phương thức thu thuế và những Hiệp định pháp lý có liên quan.