Người dân từ tỉnh khác ra vào TP HCM sau ngày 1/10 thế nào?
Theo dự thảo của Sở GTVT về phương án tổ chức giao thông cho một số đối tượng có nhu cầu lưu thông thường xuyên giữa TP HCM và các tỉnh, đối với người dân từ các tỉnh đến TP HCM để khám chữa bệnh (ngoại trừ trường hợp cấp cứu) phải có giấy chứng nhận kết quả thử nghiệm âm tính với COVID-19 còn hiệu lực.
Đồng thời, người dân cần đảm bảo các giấy tờ sau: Giấy chuyển viện từ bệnh viện địa phương tới bệnh viện tại TP HCM hoặc giấy hẹn tái khám của các Bệnh viện tại TP HCM; Xác nhận của chính quyền địa phương (cấp phường, xã) về việc cho phép chuyển đến TP HCM để khám chữa bệnh.
Về hoạt động đi, đến sân bay Tây Sơn Nhất thực hiện theo hướng dẫn của Bộ GTVT đã công bố trước đó.
Về hoạt động đưa đón công nhân, chuyên gia, dự thảo đề xuất công nhân, chuyên gia khi di chuyển phải đáp ứng điều kiện là đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi thứ nhất đủ 14 ngày sau khi tiêm hoặc khỏi bệnh COVID-19 có xác nhận của cơ quan y tế (hoặc theo hướng dẫn của Sở Y tế) đủ điều kiện tham gia hoạt động.
Ngoài ra, Sở cũng yêu cầu cần có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực (72h). Xe vận chuyển khách hàng đơn vị phải là ô tô từ 10 chỗ trở lên thuộc chủ sở hữu của đơn vị hoặc thuê đơn vị kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng tổ chức vận chuyển công nhân…
Song song với phương án tổ chức giao thông, đi lại sau 1/10, Sở GTVT đã trình UBND TP HCM phương án phối hợp đón người lao động tại các tỉnh, thành phố trở lại TP HCM.
Theo đó, đối tượng trong phương án vận chuyển là người lao động (thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên địa bàn TP bao gồm công nhân, chuyên gia) tại các tỉnh, thành phố cần trở lại TP HCM.
Để trở lại, người lao động phải đáp ứng các điều kiện như phải có kế hoạch làm việc được các doanh nghiệp, hợp tác xã có văn bản xác nhận hoặc gửi thông báo, đã được tiêm vắc xin mũi 1 đủ 14 ngày sau khi tiêm, hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 có xác nhận của cơ quan y tế hoặc có xét nghiệm âm tính còn hiệu lực.
Người lao động phải được UBND tỉnh/thành phố nơi cư trú cho phép di chuyển (đối với địa phương là vùng cam, vùng đỏ) để đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Sở GTVT TP HCM đề xuất ba phương thức di chuyển, theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 1/10 đến 31/10) áp dụng phương thức 1 và 2. Giai đoạn 2 (từ 1/11 về sau) áp dụng cả ba phương thức.
Phương thức 1: Đơn vị sử dụng lao động tự tổ chức bằng cách gửi phương án đến các cơ quan đầu mối (UBND TP Thủ Đức và các quận huyện, Ban quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TP, Ban quản lý Khu công nghệ cao...) để rà soát, tổng hợp gửi Sở GTVT TP xem xét triển khai.
Sở sẽ cấp giấy nhận diện có mã QR cho xe và thông báo đến các tỉnh, thành phố về kế hoạch. Xe sẽ trả khách tại bến xe Miền Đông, bến xe Miền Tây, sau đó người lao động từ bến xe về nơi cư trú bằng xe taxi đã được Sở GTVT TP cấp phép hoặc xe trung chuyển đã được doanh nghiệp đăng ký.
Phương thức 2: Ban quản lý Khu chế xuất, Ban quản lý Khu công nghệ cao... làm đầu mối tổng hợp nhu cầu của các đơn vị mà mình quản lý để phối hợp với CTCP Xe khách Phương Trang xây dựng kế hoạch vận chuyển. Khi được chấp thuận triển khai, xe chỉ được trả khách tại địa điểm đã đăng ký trong kế hoạch.
Phương thức 3: Sở GTVT TP sẽ tổ chức tuyến xe khách cố định đi từ bến xe khách ở các địa phương đến TPHCM. Tần suất hoạt động của xe khách chỉ tối đa 4 chuyến/ngày/tuyến.
Các đơn vị vận tải đảm nhận khai thác trên từng tuyến do Sở GTVT TP thống nhất với Sở GTVT tỉnh, thành phố liên quan cấp giấy nhận diện trước khi thực hiện. Giá vé sẽ được doanh nghiệp kê khai, niêm yết phù hợp quy định.
Đối với phương thức đón người dân bằng đường sắt và đường hàng không: thực hiện theo kế hoạch, phương án của Bộ GTVT đảm bảo yêu cầu an toàn phòng, chống dịch COVID-19 và phù hợp nhu cầu của các địa phương nơi đi và nơi đến.
Theo bản dự thảo của Sở GTVT, việc tổ chức giao thông được chia thành ba khu vực: Phong tỏa, nguy cơ và bình thường mới.
Khu vực phong tỏa chỉ cho một số loại xe lưu thông như: Xe công vụ, xe phục vụ phòng chống dịch, xe chở hàng hóa (lương thực, thực phẩm, gas, dược phẩm, tang lễ, xe xử lý sự cố hệ thống thông tin hạ tầng...); các xe chở đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế, người phục vụ phòng chống dịch; người kết thúc thời gian cách ly tại khu cách ly tập trung; người bệnh COVID-19 xuất viện trở về nơi cư trú.
Khu vực nguy cơ cho phép thêm các xe của shipper; xe vận chuyển hàng hóa, dịch vụ liên quan công chứng, luật sư, đăng kiểm, bưu chính; khám chữa bệnh; xe chở thiết bị, vật liệu xây dựng; taxi có mã QR; xe đưa người dân TP về quê và xe đón người dân trở lại TP theo kế hoạch; xe vận chuyển công nhân, chuyên gia được cấp phép hoạt động.
Trường hợp khu vực nguy cơ có những tuyến đường liên quận cắt ngang, bắt buộc có lộ trình cho tất cả loại xe quá cảnh.
Khu vực bình thường mới cho phép xe buýt (hoạt động theo từng tuyến cụ thể), xe khách, xe hợp đồng (có mã QR), bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, tuyến du lịch đường thủy... và các loại xe được phép lưu thông ở khu vực nguy cơ.