Nghịch cảnh người chuyển sàn, kẻ bị hủy niêm yết trên thị trường chứng khoán
Nhiều doanh nghiệp bị hủy niêm yết trên cả 2 sàn kể từ đầu năm |
Lên sàn là một bước tiến của quan trọng của doanh nghiệp, khi được giới đầu tư trong và ngoài nước biết đến nhiều hơn. Lên sàn cũng đồng nghĩa với việc công khai, minh bạch thông tin tài chính, chịu sự giám sát chặt chẽ của cơ quan quản lý và sự “mổ xẻ” thường xuyên của nhà đầu tư... Nhưng đây cũng là cơ hội để quảng bá thương hiệu, nâng cao uy tín, tăng khả năng huy động vốn nhằm mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh…
Nhiều doanh nghiệp thời gian qua không giấu tham vọng vươn đến các sàn chứng khoán tầm cỡ khu vực và thế giới, dù trong nước họ cũng sẵn sàng chuyển sàn để tạo tính thanh khoản và cơ hội gia tăng giá trị cổ phiếu nhiều hơn.
Ngược lại, có những doanh nghiệp không thể "trụ lâu" trên sàn bởi kết quả kinh doanh bết bát, liên tục vi phạm quy định công bố thông tin…
Cổ phiếu chứng khoán đua nhau "chuyển nhà" sang HOSE
Đã có 3 công ty chứng khoán chuyển sàn từ HNX sang HOSE kể từ đầu năm gồm CTCK Ngân hàng Công Thương (Mã: CTS), CTCK Rồng Việt (Mã: VDS) và CTCK VNDirect (Mã: VND). Động thái nhằm nâng cao hình ảnh, uy tín của các công ty chứng khoán khi thị trường phái sinh tiềm năng đi vào hoạt động.
Các công ty chứng khoán "thi nhau" chuyển sàn sang HOSE kể từ đầu năm |
Cụ thể, thực hiện cam kết với cổ đông, hơn 90 triệu phần CTS chuyển niêm yết sang HOSE từ ngày 18/5. Ông Khổng Phan Đức – TGĐ VietinBankSc cho biết: “Giao dịch trên HOSE sẽ giúp cho thanh khoản cổ phiếu thuận lợi hơn. Ngoài ra, quy định công bố thông tin sẽ nghiêm ngặt hơn, chuẩn mực quản trị điều hành trên HOSE cũng cao hơn”.
Giữa tháng 7 vừa qua có 70 triệu cổ phiếu VDS chính thức được giao dịch trên HOSE với giá tham chiếu 11.700 đồng/cp. Năm 2017, Chứng khoán Rồng Việt dự kiến doanh thu 307 tỷ đồng, tăng trưởng 29%. Công ty đẩy mạnh hoạt động dịch vụ chứng khoán, tăng 48% và hoạt động ngân hàng đầu tư, tăng 52%. Trong khi đó, đầu tư tự doanh giảm 9% so với năm 2016.
Mới đây nhất, gần 155 triệu cổ phiếu VND giao dịch phiên đầu tiên trên HOSE vào 18/8 với giá 23.900 đồng/cp. Năm 2017, VNDirect đặt kế hoạch doanh thu 866 tỷ đồng, tăng 26% so với năm trước; lợi nhuận ròng ở mức 231 tỷ đồng, tăng 24%. VNDirect cho biết sẽ tập trung phát triển sản phẩm quỹ đại chúng, đặt mục tiêu cung cấp nền tảng giao dịch chứng khoán phái sinh cho nhà đầu tư trên website và trên di động.
Cổ phiếu chuyển sàn niêm yết trên HOSE kể từ đầu năm |
Mặt khác, có doanh nghiệp tuyên bố tham vọng niêm yết trên các sàn chứng khoán nước ngoài như VNG kế hoạch lên Nasdaq của Mỹ hay hồi cuối tháng 5, bà Nguyễn Thị Phương Thảo – CEO Vietjet Air cũng từng cho biết: “Chúng tôi tìm kiếm cơ hội ở sàn chứng khoán New York”…
Những doanh nghiệp "rơi rụng" khởi sàn chứng khoán
Từ đầu năm 2017 đến nay, có đến 11 doanh nghiệp bị hủy niêm yết (không kể những cổ phiếu hủy niêm yết do chuyển sàn). Trong đó có 6 cổ phiếu trên HNX và 5 cổ phiếu trên sàn HOSE. Đa số bị hủy niêm yết bắt buộc do lợi nhuận sau thuế sau kiểm toán âm trong 3 năm liên tiếp. Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu khác đang đứng trước nguy cơ phải rời sàn, chủ yếu do kinh doanh thua lỗ.
Trong năm 2016 cũng đã có 16 cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc, nguyên nhân chủ yếu do doanh nghiệp thua lỗ 3 năm liên tiếp (2013 - 2015), lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp vào thời điểm cuối năm 2015, vi phạm công bố thông tin nghiêm trọng. Số doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc trong giai đoạn 2013 - 2015 lần lượt là 37 mã, 34 mã, 35 mã.
Trên sàn HNX, VFR, VBH hủy niêm yết do lợi nhuận sau thuế 3 năm liên tiếp âm.
Danh sách cổ phiếu bị hủy niêm yết trên HNX từ đầu năm |
SDY hủy niêm yết do lỗ lũy kế vượt vốn điều lệ thực góp 4,6 tỷ đồng. Công ty cho biết, việc thua lỗ chủ yếu do công ty phân bổ chi phí không hợp lý và gánh nặng lãi vay.
Ngoài ra, 4 trường hợp bị hủy niêm yết trên HOSE từ nhiều nguyên nhân như G20, HDO, PVR và EFI.
HDO niêm yết vào năm 2010 với vốn điều lệ 84 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt công nợ kéo dài, sau 7 năm phải nhận kết cục hủy niêm yết. Điều đáng buồn hơn là những chỉ tiêu báo cáo tài chính năm 2016 của HDO bị kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến. Cụ thể, đơn vị kiểm toán không thể kiểm kê tiền mặt, hàng tồn kho và tài sản cố định khác tại thời điểm 31/12/2016.
Tương tự, PVR cũng bị kiểm toán từ chối đưa bình luận cho báo cáo tài chính 2016. Tính đến 30/6/2017, PVR lỗ lũy kế hơn 60 tỷ đồng.
Trên sàn HOSE, 5 cái tên bị hủy niêm yết lần lượt là ATA, VNH, VNA, CYC và mới nhất là trường hợp của BGM.
Danh sách cổ phiếu bị hủy niêm yết trên HOSE kể từ đầu năm |
Vận tải biển Vinaship bị hủy niêm yết trên HOSE từ ngày 21/4 do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2016 âm gần 206 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ thực góp là 200 tỷ đồng.
Vinaship là cái tên quen thuộc khi nhắc đến kinh doanh thua lỗ triền miên. Từ năm 2012 đến nay, ngoại trừ năm 2014 với lợi nhuận vỏn vẹn 1,5 tỷ đồng, còn lại công ty đều lỗ nặng, riêng 2016 lỗ gần 100 tỷ đồng. Tính đến thời điểm cuối năm 2016, tổng tài sản của VNA chỉ còn 948 tỷ đồng, trong đó nợ chiếm đến 92%, tương đương 871 tỷ đồng.
Một trường hợp khác đáng chú ý, HOSE sẽ hủy niêm yết hơn 45,75 triệu cổ phiếu từ ngày 10/8 là BGM, do vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin, thuộc chứng khoán bị hủy niêm yết theo quy định tại HOSE. Trước đó, HOSE cũng đã đưa BGM vào diện tạm ngừng giao dịch từ ngày 30/3.
Năm 2016, BGM liên tục bị HOSE nhắc nhở về công bố thông tin về báo cáo tài chính cũng như kết quả giao dịch cổ phiếu. Từ tháng 5 - 9/2016, BGM bị HOSE cảnh báo toàn thị trường, rồi đưa vào diện cảnh báo nhưng Công ty không hề khắc phục lỗi và tiếp tục bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.
Liệu các cổ phiếu "rơi rụng" xuống UPCoM có thể quay trở lại? |
Việc rơi vào tình cảnh bị hủy niêm yết bắt buộc là một “bước lùi” mà hầu hết doanh nghiệp và cổ đông đều không mong muốn. Tuy vậy, một số ý kiến cho rằng, đây là việc bình thường, thậm chí còn có ý nghĩa tích cực. Sự thanh lọc là cần thiết để hạn chế tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, cải thiện chất lượng cổ phiếu niêm yết, chất lượng thị trường, giảm rủi ro và tăng niềm tin cho nhà đầu tư, đồng thời là động lực thúc đẩy doanh nghiệp tự phát triển.
Ngoài những trường hợp đã bị hủy niêm yết tính từ đầu năm, không ít cổ phiếu “tên tuổi” một thời như JVC của CTCP Thiết bị y tế Việt Nhật, OGC của CTCP Tập đoàn Đại Dương, hay TTF của CTCP Gỗ Trường Thành, lỗ lũy kế đến cuối năm 2016 chiếm 80 - 90% vốn điều lệ đang đứng trước nguy cơ này.
Tự nguyện hủy niêm yết trên HNX, Trần Anh sẽ bán trên 25% vốn cho Thế giới Di động Theo biên bản họp xin ý kiến cổ đông bằng văn bản, Trần Anh tự nguyện hủy niêm yết trên HNX và sẽ giao dịch ... |