Ngân hàng số thúc đẩy tài chính toàn diện
Phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam còn nhiều khó khăn |
Ngân hàng thích nghi thế nào với công nghệ số? |
Ngân hàng số thúc đẩy tài chính toàn diện (Ảnh minh hoạ) |
Nền tảng phát triển sản phẩm, dịch vụ
Công nghệ số được đánh giá là một tiền đề tối quan trọng hỗ trợ các ngân hàng phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng bán lẻ, góp phần nâng cao hiệu quả của việc quản trị ngân hàng, khai thác dữ liệu một cách nhất quán, nhanh chóng và chính xác. Trong tương lai không xa, các dịch vụ ngân hàng có xu hướng không còn gói gọn trong không gian truyền thống (giao dịch trực tiếp ở ngân hàng).
Đồng thời, mô hình giao dịch trực tuyến cũng không chỉ thông qua internet, mà sẽ mở rộng phạm vi qua nhiều mô hình và hệ thống giao dịch khác cùng với sự phát triển cũng như thay đổi nhanh chóng của công nghệ số. Hiện có thể kể đến các dịch vụ ngân hàng số được triển khai tại một số ngân hàng như Ngân hàng cổ phần Công Thương Việt Nam (Vietinbank) là Vietinbank Ipay - Internetbanking dành riêng cho khách hàng cá nhân; SMS Banking - dịch vụ giúp khách hàng kiểm tra tài khoản, chuyển tiền...
Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đang triển khai có hiệu quả các dịch vụ ngân hàng số như BIDV Business Online - dịch vụ giúp doanh nghiệp quản lý tài khoản và thực hiện các giao dịch tài chính thông qua internet mà không phải tới quầy giao dịch. Hay tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cung cấp cho khách hàng phiên bản 2 Mobile Banking với nhiều tính năng ghi nhiều dấu ấn như cho phép người dùng tạo và lưu danh bạ người thụ hưởng.
Ông Nguyễn Quang Ngọc, thành viên Ủy ban chính sách Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, trong năm 2016, tổng doanh thu dịch vụ của Agribank đạt 3.641 tỷ đồng, doanh thu các nhóm dịch vụ đều tăng trưởng. Trong đó, dịch vụ E-banking tăng trưởng 32,7% với các dịch vụ được khách hàng ưa chuộng như dịch vụ SMS biến động số dư tài khoản thanh toán, dịch vụ Apaybill đạt trên 40.000 giao dịch...
Tính đến tháng 2/2017 đã có 20 tổ chức phi ngân hàng được Nhà nước cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam. Đại diện Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt, cho hay công nghệ nổi bật được áp dụng phổ biến trên thị trường có thể kể đến là ví điện tử hoặc thanh toán trên di động và cổng thanh toán trực tuyến. Một số mô hình đáng chú ý khác trong lĩnh vực tài chính như cho vay vi mô, quản lý tài chính cá nhân, gây vốn cộng đồng. Sự phát triển của các tổ chức phi ngân hàng đang mở rộng mạnh mẽ mạng lưới cung ứng dịch vụ tài chính, tăng cường đáng kể cơ hội tiếp cận tài chính cho người dân.
Thị trường thanh toán di động, ngân hàng bán lẻ cũng như ngân hàng số sẽ còn chứng kiến những dịch vụ và giải pháp bị phân mảng trong những năm tới. Các nhà phát triển công nghệ sẽ vẫn quan tâm đến những giải pháp phù hợp với từng thị trường nội địa, buộc phải sử dụng các công nghệ tiếp cận mô hình kinh doanh và đối tác khác nhau phù hợp với những điều kiện luật pháp khác nhau.
Trong đó, sẽ xuất hiện một số nhà cung cấp toàn cầu có quy mô và nguồn lực lớn để phục vụ những khách hàng lớn và thị trường đại chúng, mà những yêu cầu có thể đã được đáp ứng bởi các giải pháp tiêu chuẩn. Chính vì vậy, sẽ luôn có những phân khúc thị trường mà các nhà cung cấp toàn cầu không thể phục vụ hiệu quả hơn các nhà cung cấp nội địa với lợi thế hiểu khách hàng tốt hơn cũng như đưa ra những giải pháp chuyên biệt phù hợp với các thách thức mang tính địa phương cục bộ.
Cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán
Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tài chính ngân hàng là một trong những ngành ứng dụng công nghệ thông tin tốt nhất Việt Nam. Việt Nam đã có 70 tổ chức tín dụng triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua internet và 35 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua điện thoại. Trong năm 2016, số lượng giao dịch tài chính qua kênh internet là gần 126 triệu giao dịch, với giá trị trên 7 triệu tỷ đồng. Tương tự, số lượng giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động là gần 98 triệu giao dịch, với giá trị trên 300 nghìn tỷ đồng.
Hạ tầng mạng lưới thanh toán thương mại điện tử được thiết lập và tiếp tục phát triển với sự gia tăng số lượng tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán với nhiều loại hình cũng như kênh thanh toán sử dụng tài khoản giao dịch. Trong đó, có thể kể đến nhiều loại hình và kênh thanh toán đang được triển khai phổ biến tại thị trường Việt Nam như dịch vụ cổng thanh toán điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ và dịch vụ ví điện tử.
Theo bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, ứng dụng công nghệ số sẽ là động lực quan trọng tham gia vào giải quyết các vấn đề từ phát triển kênh cung ứng dịch vụ đến sáng tạo các sản phẩm, dịch vụ tài chính hiện đại. Thông qua đó, cung cấp thông tin, hiểu biết và kỹ năng tài chính cho người dân nhờ vào những phương tiện số, sử dụng công nghệ số trong việc nâng cao năng lực của cơ quan quản lý giám sát dựa vào việc vận dụng giải pháp công nghệ mới nhất.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có nhiều thuận lợi để thúc đẩy tài chính toàn diện trên có sở sở ứng dụng công nghệ số. Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những yếu tố có thể kể đến là tỷ lệ dân số trẻ cao, dễ tiếp cận các trào lưu tiêu dùng mới. Cùng với đó, tỷ lệ sử dụng internet và mobile tăng trưởng rất nhanh, thúc đẩy sự phát triển hoạt động tài chính trên nền tảng công nghệ số từ phía cung lẫn cầu.
Đặc biệt, khuôn khổ pháp luật đảm bảo sự phát triển tài chính toàn diện đang từng bước được cải thiện tại thị trường Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước đã chủ động tham mưu với Chính phủ ban hành các quy định về bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Đồng thời, tổ chức thực hiện quản lý, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại trong cũng như ngoài nước.
Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực hiện các giải pháp ứng dụng công nghệ số đã giúp nhiều nước trên thế giới đạt được những kết quả mang tính đột phá về tài chính toàn diện. Công nghệ số giúp xóa bỏ rào cản về khoảng cách không gian, thời gian và địa lý, từ đó cho phép các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại có thể cung cấp những sản phẩm, dịch vụ với chi phí thấp hơn và tạo điều kiện cho nhiều người dân dễ dàng tiếp cận.
Theo ông Nguyễn Kim Anh, song song với những nỗ lực trong hoạt động điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước, quá trình ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành ngân hàng góp phần thúc đẩy những bước tiến về cải thiện và sử dụng công nghệ mới vào hoạt động ngân hàng. Qua đó, mở rộng khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ tiện ích của ngân hàng hiện đại, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh và năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại.
Rộng đường phát triển công ty Fintech
NHNN đang dần hoàn thiện hệ thống khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện cho các công ty Fintech được hoạt động một cách ... |
Đến năm 2018, công nghệ số sẽ đóng góp 44% doanh thu của ngân hàng
Nhận định trên được đưa ra tại diễn đàn Ngân hàng Bán lẻ Việt Nam 2016 do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và ... |
Áp dụng ngân hàng số: Động lực từ tư duy đổi mới của khách hàng
Phó Thống đốc nhấn mạnh, hệ thống ngân hàng Việt Nam tiến tới ngân hàng số vừa là cơ hội vừa là thách thức, vừa ... |