Ngân hàng năm 2017
Báo cáo đánh giá về triển vọng ngành ngân hàng Việt Nam năm 2017 của tổ chức đánh giá xếp hạng quốc tế Fitch Ratings vừa công bố tuần qua đã nêu lên các điểm chính yếu của bức tranh ngân hàng Việt Nam.
Một số cải thiện
Báo cáo của Fitch nhận định: “Một môi trường vĩ mô không ổn định gây ra sự biến động và sụt giảm mạnh chất lượng tài sản, gây mất niềm tin với người gửi tiền, cũng là tiêu cực cho việc đánh giá các ngân hàng. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng rủi ro như vậy là thấp trong tương lai gần”.
Fitch dự báo: “Một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định... sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2017, đồng tiền ổn định và lạm phát trong ngưỡng an toàn sẽ hỗ trợ chất lượng tài sản, tính thanh khoản hệ thống ngân hàng”.
Những cải cách gần đây của Chính phủ cũng đem tới hiệu quả nhất định, ví dụ ý chí về cải cách ngành ngân hàng và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là những điểm sáng.
Cơ cấu tín dụng đã thay đổi thời gian qua, có vẻ như việc cho vay đối với các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả đã giảm đi, thay vào đó các ngân hàng đẩy mạnh cho vay qua kênh bán lẻ. Diễn tiến này có thể giúp giảm nhẹ áp lực lên chất lượng tài sản. Đáng lưu ý, tỷ lệ tín dụng với doanh nghiệp nhà nước đã giảm xuống còn 15% (trong tổng số các khoản vay của tám ngân hàng lớn ở Việt Nam) từ mức 19% vào cuối năm 2011. Đó là yếu tố tích cực trong khi tỷ trọng tín dụng vào khu vực kinh doanh bán lẻ, hộ gia đình đã tăng lên 36%, từ mức 27% vào cuối năm 2015.
Các tác giả báo cáo mong đợi chi phí giảm và thanh khoản tốt là hai điều kiện để duy trì sự ổn định của ngành này trong năm tới. Tỷ lệ cho vay/huy động bình quân toàn hệ thống vào cuối tháng 7-2016 là 86,6%. Đây là tỷ lệ không tồi, song họ mong đợi mức cao hơn vào năm 2017.
Họ cũng mong muốn gia tăng sở hữu của nước ngoài ở các ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh ngành ngân hàng có nhu cầu tăng vốn lớn. Sở hữu nước ngoài tại ngân hàng Việt Nam được Chính phủ giới hạn ở mức 30%, trong đó nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được phép sở hữu chỉ có 20%. Các ngân hàng đang khó khăn trong việc huy động vốn trong nước, do đó, một sự nới lỏng trong tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp giải quyết vấn đề.
Điểm trừ
Tuy nhiên, những điểm yếu căn bản của hệ thống ngân hàng vẫn còn hiển hiện, như quy mô vốn mỏng, nợ xấu thực tế lớn và lợi nhuận hạn chế. Các tồn tại căn bản này chỉ có thể được giải quyết trong thời gian dài. Việc các ngân hàng Việt Nam đang bị xếp hạng thấp nhất trong khu vực châu Á phản ảnh những tồn tại này.
Báo cáo của Fitch phân tích: Thứ nhất, về khả năng sinh lời, các ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận lợi nhuận yếu mặc dù tăng trưởng GDP có thể vẫn đạt 6,2% trong năm 2017. ROA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản) và ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) của ngành theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cuối năm 2015 ở mức “trì trệ”, lần lượt là 0,52% và 6,26%. CAR (tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu) của hệ thống ngân hàng rất thấp. CAR của nhóm ngân hàng thương mại tư nhân là 12,1% vào cuối tháng 6-2016, mặc dù đã khá hơn so với mức 9,3% của nhóm ngân hàng gốc quốc doanh, chỉ nhỉnh hơn quy định tối thiểu 9% của NHNN.
“Chúng tôi tin rằng lợi nhuận các ngân hàng Việt Nam sẽ đến từ một tỷ lệ lãi biên thấp hơn (NIM) và chi phí tín dụng cao hơn. NIM của ngành có khả năng tiếp tục co hẹp hơn trong bối cảnh cạnh tranh tăng lên đối với tiền gửi và áp lực điều chỉnh giảm lãi suất cho vay và gia hạn tiền gửi, chi phí tín dụng cao hơn từ khấu hao của trái phiếu VAMC”, báo cáo viết. “Đây có thể là một nguyên nhân khiến các ngân hàng đã cắt giảm lãi suất huy động ngắn hạn vào cuối tháng 9 vừa qua và tăng cường đẩy mạnh tín dụng ra, đặc biệt đẩy mạnh mảng ngân hàng bán lẻ với ý định lợi nhuận từ mảng dịch vụ mới sẽ bù đắp cho lợi nhuận từ cho vay truyền thống”, báo cáo viết tiếp.
Chúng tôi hy vọng điểm yếu về vốn sẽ được khắc phục trước áp lực áp dụng các tiêu chuẩn của Basel II mà 10 ngân hàng đã được chỉ định để thí điểm thực hiện, áp dụng đầy đủ vào cuối năm 2018. Song cũng cần lưu ý, áp dụng Basel II với tiêu chuẩn khắt khe hơn có nghĩa CAR của các ngân hàng bị đẩy xuống thấp hơn”. Mức vốn chủ sở hữu thấp chỉ có thể được lấp đầy đáng kể nếu Chính phủ chấp thuận sự gia tăng sở hữu của nước ngoài trong các ngân hàng.
Thứ hai, thách thức nợ xấu còn rất lớn. Báo cáo trên cho rằng việc giải quyết nợ xấu sẽ là một quá trình kéo dài; nợ xấu trên thực tế vẫn còn nghiêm trọng mặc dù sự phục hồi của bất động sản được coi là một chìa khóa tích cực.
Báo cáo viết: “Chúng tôi tin rằng nợ xấu lớn sẽ mất thời gian để được giải quyết do các trở ngại pháp lý. Tỷ lệ nợ xấu trung bình 2,4% cuối năm 2015 không phản ánh đầy đủ thực tế. Một số nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ nợ xấu 9% kể cả phần nợ đã chuyển sang VAMC. Một sự gia tăng tín dụng nhanh chóng trong năm 2016 có thể gia tăng thêm nợ xấu trong khi việc thu hồi nợ xấu trong năm tới vẫn bị cản trở bởi những trở ngại pháp lý khác nhau trên nền pháp lý yếu”.
Các báo cáo tài chính công khai của các ngân hàng vẫn chưa thể hiện hết các khoản vay phức tạp giữa các ngân hàng, sở hữu chéo. Do vậy, vốn chủ sở hữu thực của các ngân hàng là thấp hơn so với báo cáo chúng ta đã biết. Thông tư 36 ra đời tháng 2-2015 đã đặt ra giới hạn mới về quyền sở hữu chéo trong các ngân hàng nhưng việc thoái vốn thực hiện theo thông tư này còn rất chậm.
Thứ ba, tín dụng mới tăng nhanh cũng chứa nhiều rủi ro mới. Sự tăng trưởng tín dụng nhanh đặt ra một nguy cơ đối với sự ổn định tài chính. Tỷ lệ tín dụng/GDP ở mức 110,5% vào năm 2015 đã là cao theo tiêu chuẩn thị trường. Tín dụng đổ vào khu vực tư nhân đã tăng 16,4% mỗi năm trong giai đoạn 2010-2014, tăng 17,3% trong năm 2015 và mục tiêu định hướng cho năm 2016 là 18-20%. Tăng trưởng tín dụng nhanh chóng tự nó gây áp lực khiến các ngân hàng phải bổ sung vốn tự có.
Những tồn tại không thể giải quyết trong ngắn hạn trên đây có thể tiếp tục kìm giữ xếp hạng của các ngân hàng Việt Nam ở mức thấp nhất châu Á.
Thống kê một số chỉ tiêu cơ bản của hệ thống tổ chức tín dụng tính đến 30-9-2016 do NHNN vừa công bố trên trang web tuần này cho biết, tổng tài sản của hệ thống là 8.091.355 tỉ đồng, tăng 10,55% so với cuối năm 2015. Tổng vốn điều lệ là 478.399 tỉ đồng, tăng 2,96% so với cuối năm 2015. Vốn tự có tăng 6,84% so với cuối năm 2015.
CAR toàn hệ thống 12,73%, trong đó CAR của nhóm ngân hàng cổ phần là 12,1% và nhóm ngân hàng gốc quốc doanh là 9,48% (vốn tự có, tỷ lệ CAR đã loại bỏ các tổ chức tín dụng có vốn tự có âm).
Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn cả hệ thống là 34,48%, của nhóm ngân hàng cổ phần là 41,45%, nhóm ngân hàng quốc doanh là 36,13%, nhóm công ty cho thuê tài chính là 52,79%.
Số liệu cập nhật mới nhất về ROA và ROE được NHNN công bố vào cuối quí 1-2016. Theo đó ROA và ROE toàn hệ thống lần lượt là 0,18 và 2,16 (đã loại bỏ các tổ chức tín dụng có vốn chủ sở hữu âm).
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/