|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Năng suất cao nhờ lợi thế khai thác tài nguyên sẵn có và gia tăng đầu tư

07:17 | 10/12/2016
Chia sẻ
Chỉ chiếm 7% lao động song trong năm 2015 năng suất lao động của ngành năng lượng đạt trên 1 tỷ đồng/người lao động, dẫn đầu trong 8 ngành công nghiệp chủ lực… Cùng với ngành thép có mức tăng năng suất khá cao, đây cũng là ngành có sự gia tăng đầu tư khá lớn…
nang suat cao nho loi the khai thac tai nguyen san co va gia tang dau tu
Năng suất lao động ngành năng lượng cao nhờ lợi thế khai thác tài nguyên sẵn có và gia tăng đầu tư. Ảnh minh họa

Thông tin đưa ra tại hội thảo “Thúc đẩy cải tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công thương” tổ chức ngày hôm qua 9/12.

Theo số liệu từ Viện Năng suất Việt Nam, trong 8 ngành công nghiệp chủ lực là dệt may, da giày, nhựa, thép, hóa chất, cơ khí chế tạo, năng lượng, điện, điện tử - tin học, ngành năng lượng có mức giá trị gia tăng cao nhất, ước tính trên 350 nghìn tỷ đồng và tốc độ tăng trưởng là 6,4%/năm. Riêng năm 2015, năng suất lao động của ngành năng lượng đạt trên 1 tỷ đồng/người lao động.

Viện Năng suất Việt Nam cho biết, năng suất lao động của ngành này cao do có đặc thù dự vào tài nguyên. Xét theo tốc độ tăng năng suất bình quân hàng năm thì ngành năng lượng chỉ đạt 3,9%/năm giai đoạn 2011-2015, chậm hơn các ngành công nghiệp khác. Trong khi đó, tốc độ tăng năng suất bình quân của ngành điện, điện tử - tin học đạt mức tăng trưởng 38,6%/năm.

Ngành điện, điện tử - tin học được đánh giá là nổi bật về năng suất cao với 380 triệu đồng/lao động năm 2015 với tốc độ tăng năng suất cao 17,9%/năm giai đoạn 2011-2015. Tiếp đến là các ngành cơ khí có năng suất 300 triệu đồng/lao động và tốc độ tăng trưởng bình quân 7,7%/năm; ngành hóa chất với năng suất 450 triệu đồng/người và tốc độ tăng bình quân 5,1%/năm.

Nhóm ngành có năng suất thấp là dệt may 76 triệu đồng/người, da giày 74 triệu đồng/người. Năng suất của ngành dệt may gần như không thay đổi trong giai đoạn 2011-2015 với tốc độ tăng trưởng bình quân 0,4%/năm, ngành da giày nhỉnh hơn với mức bình quân 4,9%/năm.

Ngành thép được đánh giá là có mức tăng năng suất cao nhưng lại đang có xu hướng giảm với mức tăng trưởng bình quân âm 6% những năm gần đây. Đáng chú ý, ngành năng lượng và thép có mức trang bị vốn trên một lao động rất cao tương ứng 4,05 tỷ đồng/người và 3,36 tỷ đồng/người. Hai ngành này có năng suất cao dựa trên cường độ vốn cao. Trong đó, vốn cho ngành thép không ngừng gia tăng với tốc độ 28,8%/năm và đầu tư vào ngành này không ngừng tăng lên trong những năm gần đây nhưng năng suất lao động của ngành này không ngừng đi xuống.

Trong các ngành nêu trên, điện, điện tử - tin học cải thiện năng suất tốt nhất, tốc độ tăng năng suất lao động cao và đáng chú ý là tốc độ tăng năng suất này dựa trên năng suất có yếu tố tổng hợp chứ không chỉ dựa vào vốn.

Xét về lao động, lao động ngành năng lượng chiếm 7%, lao động trong ngành da giày chiếm 24%, dệt may 33%, điện, điện tử, viễn thông và công nghệ thông tin chiếm 22%...

Theo ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), yếu điểm của các DN Việt Nam chính là lỗi tư duy, kinh doanh vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, biểu hiện rõ nét nhất là trình độ quản lý còn lạc hậu, chưa bắt với những xu hướng hiện đại của thế giới. “Đáng chú ý, những ngành công nghiệp có năng suất lao động cao như năng lượng, thép, hóa chất chủ yếu dựa vào lợi thế khai thác tài nguyên sẵn có và gia tăng đầu tư, trên thực tế việc tăng năng suất nhờ đóng góp của đổi mới công nghệ, ứng dụng khoa học và phương thức quản lý hiện đại còn hạn chế…”- ông Cường nhận định.

Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, trong bối cảnh hội nhập, các DN phải không ngừng cải tiến công nghệ nâng cao năng suất chất lượng và mô hình quản trị. “Ở góc độ chuyên ngành, Bộ Công Thương cho rằng việc nâng cao nhận thức của các DN và cơ quan quản lý đối với vấn đề nâng cao năng suất tổng hợp luôn là điều sống còn và cốt lõi trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Nếu không nhận thức được vai trò của nó mà DN vẫn nghĩ rằng mình làm ra sản phẩm mà hài lòng với nó, không thay đổi, không cải tiến, không điều chỉnh theo hướng tăng lên để giảm các chi phí trong quá trình sản xuất để nâng cao chất lượng hiệu quả thì các DN khác, đặc biệt là DN nước ngoài sẽ vượt xa họ…”- ông Cường lưu ý.

Được biết, Bộ Công Thương hiện đang triển khai chương trình hỗ trợ giai đoạn 2017-2018 trong khuôn khổ Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp. Chương trình dự kiến sẽ có trên 30 khóa tập huấn chuyên sâu áp dụng các công cụ cải tiến và hệ thống quản lý cho các DN, 30 khóa đào tạo hướng dẫn áp dụng trực tiếp và trên 140 mô hình điểm cho các DN triển khai. Hiện Bộ Công Thương và đơn vị tư vấn đang giới thiệu và hướng dẫn cá DN đăng ký tham gia chương trình này.

Tri Nhân

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.