Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia - Bài 1: Gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật
Nếu như chi phí nguyên vật liệu, nhân công được điều chỉnh theo cơ chế thị trường thì chi phí tuân thủ pháp luật lại được quyết định bởi số lượng, nội dung các thủ tục hành chính, văn bản pháp luật. Điều đáng nói là sau thời gian dài nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư, kinh doanh thì gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp vẫn chưa được cải thiện bao nhiêu.
Doanh nghiệp làm thủ tục thông quan tại Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn Khu vực I. Ảnh minh họa: Kim Phương/TTXVN.
Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hai thời điểm năm 2015 và cuối năm 2018 cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng hiệu quả của việc cải cách thủ tục hành chính đã tăng lên. Cụ thể là cán bộ công chức giải quyết công việc hiệu quả hơn; thời gian thực hiện thủ tục hành chính được rút ngắn; nội dung thanh, kiểm tra bị trùng lặp giảm xuống; tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức giảm từ 66% xuống còn 55%. Nhờ những chỉ số trên được cải thiện mà thủ tục đăng ký doanh nghiệp hiện nay khá thuận lợi, dễ dàng, mỗi năm số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đều tăng lên.
Tuy nhiên, ông Phạm Ngọc Thạch, Ban Pháp chế, VCCI cho biết, các thủ tục “hậu đăng ký doanh nghiệp” mới là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp quan ngại. Có tới 16% doanh nghiệp phải chờ hơn 1 tháng mới có đầy đủ các giấy tờ cần thiết để chính thức đi vào hoạt động, 29% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật; 34% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh ngành nghề có điều kiện và có tới 53% doanh nghiệp cho biết “thỏa thuận các khoản thuế phải nộp với cán bộ thuế là công việc quan trọng trong kinh doanh”.
Thêm vào đó, chỉ số minh bạch và tiếp cận đất đai cũng chưa được cải thiện, doanh nghiệp muốn có thông tin quy hoạch đầu tư công, dữ liệu đất đai đều cần phải có “mối quan hệ”. Những con số trên cho thấy, mặc dù thủ tục thành lập doanh nghiệp dễ và nhanh, nhưng để doanh nghiệp có thể vận hành thì vẫn tốn khá nhiều thời gian và chi phí không chính thức. Các quy định pháp luật vẫn chưa được hoàn thiện, thiếu rõ ràng nên tiềm ẩn rủi ro cao cho doanh nghiệp.
Theo báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng, môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh của Việt Nam mới chỉ ở mức trung bình khá trên bình diện quốc tế (xếp thứ 69/190 về môi trường kinh doanh và thứ 77/140 về năng lực cạnh tranh). Trong khu vực ASEAN, Việt Nam đang đứng thứ 5 về môi trường kinh doanh và thứ 7 về năng lực cạnh tranh. Đáng chú ý, chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam tương đối thấp, xếp thứ 96/140 quốc gia. Đây là thứ hạng thấp nhất trong khu vực ASEAN.
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình phân tích, chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật được tính dựa trên cảm nhận của các doanh nghiệp về gánh nặng chi phí tuân thủ pháp luật mà các doanh nghiệp phải gánh chịu bao gồm chi phí cho việc chuẩn bị hồ sơ, giấy tờ và liên lạc với cơ quan chức năng cộng với chi phí đầu tư thêm về thiết bị, cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu của quy định pháp luật. Vì vậy, việc chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam bị đánh giá thấp cho thấy doanh nghiệp vẫn đang chịu áp lực lớn với việc tuân thủ các thủ tục hành chính.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, cải cách thủ tục hành chính ở Việt Nam đã thực hiện trong nhiều năm, có chuyển biến nhưng chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư. Quá trình cải cách kéo dài còn làm cho hệ thống quy định, pháp luật Việt Nam mang nhiều bất ổn, khiến các nhà đầu tư dè chừng.
Chủ trương của Chính phủ là tạo mọi điều kiện thuận lợi, cắt giảm chi phí để doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhưng hệ thống văn bản pháp luật hiện hành lại chính là yếu tố làm phát sinh nhiều chi phí không chính thức cho doanh nghiệp.
Dẫn chứng với quy định về điều kiện kinh doanh vận tải yêu cầu xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách phải có phù hiệu “xe hợp đồng” nhưng gây phát sinh hàng chục chi phí gồm: chi phí thủ tục hành chính xin cấp phù hiệu, lệ phí cấp phù hiệu, chi phí cắt chữ… và chi phí cơ hội khi doanh nghiệp phải chờ hoàn thành các thủ tục trên mà chưa thể đưa phương tiện vào kinh doanh.
Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh vẫn dựa trên trụ cột là cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính nhưng kết quả cải cách thủ tục hành chính hiện nay không đồng bộ giữa các bộ, ngành khác nhau. Mục tiêu cải cách rất cao nhưng chưa đo lường, đánh giá được hiệu quả cụ thể. Trong khi một số bộ, ngành cắt giảm được số lượng lớn các điều kiện kinh doanh thì vẫn có những lĩnh vực gom nhiều điều kiện, nhiều quy định vào một văn bản.
Đặc biệt, vấn đề kiểm tra chuyên ngành chồng chéo, phức tạp đã được cộng đồng doanh nghiệp phản ánh từ lâu nhưng vẫn chưa có phương án tháo gỡ cụ thể; danh mục hàng hóa bị kiểm tra chuyên ngành vẫn chưa được rút gọn như mục tiêu giảm một nửa danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, giảm số hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan xuống dưới 10% mà Chính phủ đã đề ra trong năm 2018. Trong khi đó, kiểm tra chuyên ngành là thủ tục tiêu tốn nhiều thời gian, chiếm tới hơn 70% thời gian thông quan và làm phát sinh nhiều chi phí khác như kho bãi, bảo quản cũng như giảm cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.
Ông Carlos Dominguez Agulleiro, Phó Trưởng đại diện Văn phòng Kinh tế và Thương mại Tây Ban Nha tại Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, dù hệ thống thủ tục hành chính ở Việt Nam đã có những cải tiến lớn nhưng vẫn thiếu sự minh bạch trong các thủ tục, gây ra sự chậm trễ và không chắc chắn cho các doanh nghiệp và dự án đầu tư. Những chi phí phát sinh từ việc thay đổi và tuân thủ các quy định mới liên tục cũng là một trong những yếu tố làm tăng chi phí sản xuất ở Việt Nam hiện nay.
Cùng quan điểm, bà Amanda Rasmussen, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ chia sẻ, Việt Nam được đánh giá là điểm thu hút đầu tư nhờ các chính sách cởi mở và động lực từ quá trình hội nhập. Tuy nhiên, việc thường xuyên thay đổi hiệu lực của luật pháp và quy định tại Việt Nam, bao gồm chính sách thuế và thuế suất đang làm gia tăng mức độ rủi ro cho nhà đầu tư.
Hơn nữa, việc thường xuyên kiểm tra sau nhập khẩu như hiện nay là không cần thiết mà trở thành gánh nặng cho doanh nghiệp. Do đó, Việt Nam cần có giải pháp giảm chi phí và sự phức tạp trong kinh doanh để sẽ thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp cũng như tiếp tục thu hút đầu tư từ nước ngoài đáp ứng nhu cầu tăng trưởng cho nền kinh tế.
Bài 2: Cắt giảm nguồn gốc phát sinh chi phí