Mỹ mở visa mới cho doanh nhân nước ngoài từ tháng 7/2017
Ảnh: Shutterstock |
Theo CNN, theo Quy định Doanh nhân Quốc tế, người nước ngoài có thể sớm nộp đơn xin xét "parole status" để ở lại và xây dựng các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) phát triển nhanh ở Mỹ. "Parole status" thường được cấp cho các cá nhân cần có thị thực để làm công việc cứu trợ nhân đạo hoặc y tế. Từ ngày 17/7, visa dạng này được mở rộng cho các doanh nhân đủ điều kiện.
Sở Công dân và Di trú Mỹ vừa hoàn thiện và công bố quy định hôm 17/1. Đây là sự thay thế sáng tạo cho visa startup, vốn là một phần của dự luật cải cách nhập cư năm 2013 đang bị đình trệ.
Tháng 11.2014, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng tuyên bố sẽ giúp các doanh nhân nước ngoài làm việc “dễ dàng hơn và nhanh chóng hơn” tại Mỹ. Dù nhiều nước như Canada đã thay đổi chương trình visa để hỗ trợ doanh nhân, hệ thống thị thực Mỹ vẫn khó thay đổi.
Thị thực H-1B - visa phổ biến nhất đối với người lao động có tay nghề cao - đòi hỏi người nước ngoài phải thể hiện rằng họ có thể được thuê, sa thải, trả lương và kiểm soát bởi một nhà tuyển dụng. Những yêu cầu trên khiến việc mở doanh nghiệp rất khó khăn. Một số doanh nhân chọn cách khởi nghiệp ở nơi khác.
Quy định mới yêu cầu các doanh nhân phải thể hiện rằng công ty non trẻ của họ (có tuổi đời không quá 5 năm) có tiềm năng “tăng trưởng nhanh” và tạo ra việc làm bằng tiền tài trợ ít nhất 100.000 USD từ chính phủ hoặc góp vốn ít nhất 250.000 USD từ một nhà đầu tư có năng lực. Quy tắc này rõ ràng loại các doanh nghiệp nhỏ ra khỏi cuộc chơi.
Các yêu cầu khác bao gồm khả năng hoạt động hợp pháp tại Mỹ và nhà sáng lập phải sở hữu ít nhất 10% cổ phần của doanh nghiệp tại thời điểm nộp đơn. "Parole status" kéo dài 2 năm rưỡi và có thể được gia hạn thêm 2 năm rưỡi. Nó cũng có thể bị thu hồi bất cứ lúc nào nếu công ty không còn mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ có 2.940 hồ sơ nộp xin thị thực khởi nghiệp mới mỗi năm. Việc chấp thuận sẽ được xét duyệt theo từng trường hợp cụ thể. Sở Công dân và Di trú Mỹ đang chấp thuận khoảng 25% đơn xin visa dạng này. Dù vậy, hiện vẫn chưa rõ liệu quy định này có được giữ nguyên trạng dưới chính quyền của ông Donald Trump hay không.