Một vành đai, một con đường: Trung Quốc chi tiền nhưng khó thay đổi luật lệ
Phát biểu sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh “Một vành đai, một con đường” hôm 15/5, Trung Quốc hứa hẹn sẽ cho tổ chức một hội nghị khác mang tầm quốc tế vào năm 2019 nhằm thúc đẩy chiến lược toàn cầu hóa quy mô lớn.
Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), kết thúc "Diễn đàn Hợp tác quốc tế Một vành đai, một con đường" ở Bắc Kinh, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nhấn mạnh sự kiện lần này đã diễn ra thành công. Ngoài ra, Trung Quốc còn giúp 68 quốc gia cùng tham gia vào chương trình phát triển cơ sở hạ tầng dọc các tuyến đường thương mại "Con đường Tơ lụa mới".
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại diễn đàn Hợp tác quốc tế Một vành đai, một con đường, được tổ chức ở Bắc Kinh. |
“Sáng kiến Một vành đai, một con đường đã bước sang chương mới và hoạt động xây dựng cũng đã bắt đầu được triển khai. Sáng kiến này không phải dựa trên lý thuyết hay chịu tác động chính trị”, ông Tập nhấn mạnh.
Hội nghị “Sáng kiến Một vành đai, một con đường” được nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng từ cách đây 4 năm. Theo đó, Trung Quốc sẽ tái thiết các tuyến đường thương mại cổ xưa nối quốc gia này với khu vực châu Á, châu Âu và châu Phi. Những quốc gia nằm trên tuyến đường "Tơ lụa mới" của Trung Quốc chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu.
Điều đáng nói là hội nghị “Một vành đai, một con đường” được Trung Quốc tổ chức năm nay lại vắng bóng một số nhà lãnh đạo từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật Bản và Australia.
Ngoài ra, các nước châu Âu như Đức, Pháp và Anh đã từ chối tham gia tuyên bố thương mại tại hội nghị. Bởi theo 3 quốc gia này, sáng kiến “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc chưa làm rõ về những cái mà cộng đồng thu được cũng như tiêu chuẩn xã hội và môi trường.
Trong khi đó, 30 quốc gia trực tiếp liên quan tới sáng kiến của Trung Quốc, trong đó có Malaysia và Myanmar, đã đồng thuận hợp tác với Bắc Kinh để xây dựng các cơ sở hạ tầng chủ chốt nằm trong dự án “Một vành đai, một con đường”.
Theo tuyên bố chung của hội nghị, các nước tham dự sẽ thúc đẩy “hợp tác trên đường bộ, đường sắt, cầu cảng, đường biển, hoạt động giao thông biển nội địa, hàng không, đường ống dẫn nhiên liệu, điện năng và viễn thông” nhằm đẩy mạnh phát triển và xây dựng một hệ thống chính trị lâu dài cũng như hoạt động ổn định.
Trước thực tế dự án “Một vành đai, một con đường” đang phải đối mặt với bài toán khó về huy động vốn, ông Tập nhấn mạnh rằng Trung Quốc hứa trao thêm ít nhất 113 tỷ USD cho quỹ tăng cường phục vụ sáng kiến.
Ông Zhao Kejin tại Viện Phát triển toàn cầu thuộc Đại học Tsinghua nhận định Trung Quốc đang hy vọng trở thành đầu tàu trong kế hoạch toàn cầu hóa bởi hiện nay Mỹ đang tập trung vào chiến lược “Nước Mỹ là trên hết”.
“Sự xuất hiện của các phái đoàn đến từ hơn 100 quốc gia cho thấy thành công ban đầu của Trung Quốc. Nhưng chúng ta vẫn phải chờ đợi hiệu quả giải ngân của các chính phủ và công ty tham gia dự án của Trung Quốc rồi mới có thể kết luận nó có thành công hay không”, ông Zhao chia sẻ.
Trong khi đó, tại hội nghị lần này, Trung Quốc tuyên bố quốc gia này sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác với châu Âu, châu Á, châu Phi và Nam Mỹ. Tuy nhiên, Trung Quốc lại không chỉ đích danh tới Mỹ mà chỉ nhấn mạnh hoan nghênh sự tham gia của “những quốc gia khác”.
Đặc biệt tham dự hội nghị “Một vành đai, một con đường” tại Bắc Kinh, Mỹ chỉ cử ông Matthew Pottinger, một quan chức được đánh giá là “bình thường” thuộc Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ làm trưởng đoàn bất chấp việc hồi tuần trước, Trung Quốc tuyên bố đang triển khai các biện pháp nhằm tăng cường hoạt động nhập khẩu từ Mỹ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Pottinger đã hối thúc Trung Quốc trước hết cần làm rõ những thứ mà chính phủ nước này thu được từ sáng kiến “Một vành đai, một con đường”.
“Sự minh bạch sẽ giúp các công ty tư nhân được tham gia dự án một cách công bằng và chi phí để tham dự kế hoạch này cũng đáng giá với khoản đầu tư”, SCMP dẫn lời ông Pottinger.
Ông Steve Tsang, Giám đốc Viện SOAS Trung Quốc ở London cho rằng: “Các cuộc thảo luận tài chính cho thấy đây là dự án được đầu tư lớn và quy mô đồng thời nhận được sự quan tâm và đón nhận nhiệt tình của nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các quốc gia khác sẵn sàng để Trung Quốc thay đổi luật lệ”.
Nhà phân tích đầu tư ngân hàng Exotix Partners ở Dubai, ông Hasnain Malik nhận định sáng kiến “Một vành đai, một con đường” rõ ràng cải thiện khả năng kết nối vốn giữa các nước “vốn có lịch sử chậm phát triển cả về chính trị và thể chế”.
“Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra cho các nhà đầu tư là liệu các cơ sở hạ tầng được xây dựng có phục vụ lợi ích phát triển kinh tế trong nước; chi phí hoàn lại là bao nhiêu sau khi đã trả vốn vay từ Trung Quốc; liệu các công trình xây dựng có tạo cơ hội cho các nhà cung cấp nguyên liệu, nhân công và tài chính ở địa phương và trên hết mức độ hy sinh chính trị sẽ là như thế nào”, ông Malik cho hay.