|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Một số tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam, lưu ý chậm triển khai vắc xin sẽ gây rủi ro lớn

18:50 | 31/03/2021
Chia sẻ
Mặc dù hạ dự báo tăng trưởng, tổ chức quốc tế vẫn cho rằng Việt Nam là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới ghi nhận tăng trưởng dương trong năm nay.

Các tổ chức quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 sau khi Việt Nam công bố GDP quý I tăng 4,48%, mặc dù triển vọng phục hồi vẫn mạnh mẽ, theo Business Times Singapore.

Mức tăng trưởng GDP quý I thấp hơn mức dự báo ở mức 5,7% trước đó và cũng thấp hơn 0,64 điểm phần trăm so với mục tiêu tăng 5,12% mà Việt Nam đặt ra trong Nghị quyết 01.

Ngân hàng UOB, ngân hàng Singapore thuộc top ngân hàng lớn, uy tín của châu Á vừa hạ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay từ 7,1% xuống 6,7%.

"Mặc dù bị hạ dự báo tăng trưởng, Việt Nam vẫn là một trong số ít nền kinh tế trên thế giới ghi nhận tăng trưởng dương trong năm nay. Dự báo sửa đổi cũng nhận định tăng trưởng trung bình trong 3 quý còn lại sẽ đạt mức 7,5%", Suan Teck Kin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của UOB nói.

Một số tổ chức quốc tế hạ dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam, lưu ý chậm triển khai vắc xin sẽ gây rủi ro lớn - Ảnh 1.

Việt Nam bắt đầu triển khai tiêm vắc xin COVID-19 từ tháng 3. (Ảnh: EPA-EFE/Luong Thai Linh).

Các chuyên gia kinh tế ở Maybank Kim Eng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ đạt mức 6,5% năm nay, thấp hơn mức dự báo 6,8% trước đó. "Sự phục hồi có thể sẽ tiếp tục được hỗ trợ bởi triển vọng sản xuất, xuất khẩu và dòng vốn FDI cải thiện", các chuyên gia cho biết.

Ba tháng đầu năm, vốn FDI vào Việt Nam tăng mạnh, đạt 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, vốn giải ngân tăng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức 4,1 tỷ USD. Lĩnh vực sản xuất chiếm gần một nửa tổng vốn FDI đăng ký.

Singapore là nước đổ nhiều vốn FDI nhất vào Việt Nam với gần 4,6 tỷ USD, thứ hai là Nhật Bản với gần 2,1 tỷ USD, Hàn Quốc đứng thứ 3 với 1,2 tỷ USD.

Trong quý đầu tiên, khu vực dịch vụ chỉ tăng trưởng ở mức 3,34% do những quy định giãn cách xã hội để kiểm soát đợt bùng dịch cuối tháng 1. Công nghiệp và xây dựng tăng 6,3%, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước.

Các chuyên gia của Maybank Kim Eng cho biết, theo ước tính sợ bộ, trong tháng 3, xuất khẩu đã tăng trưởng vững chắc ở mức 19,2% so với cùng kỳ năm ngoái, dẫn đầu là máy móc, máy tính và điện tử. 

Xuất khẩu sang hầu hết các thị trường chính tăng trở lại, dẫn đầu là Mỹ và Liên minh châu Âu. Trong khi đó, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng chậm hơn, ở mức 17,9% trong tháng 3, giảm so với mức 22,3% trong tháng 2. Dù vậy, Trung Quốc vẫn là thị trường thúc đấy tăng trưởng xuất khẩu lớn nhất trong quý I.

Năm 2021, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng 6%. Dự báo gần nhất ngày 25/3 của Ngân hàng Thế giới đối với Việt Nam là 6,6%.

Chuyên gia của UOB kỳ vọng rằng việc Việt Nam bắt đầu triển khai tiêm vắc xin COVID-19 từ tháng 3 sẽ tạo ra động lực cần thiết để kinh tế hồi phục, đặc biệt là đối với các ngành dịch vụ như bán lẻ và du lịch.

Trong khi đó, các nhà kinh tế của Maybank lưu ý triển khai chậm vắc xin COVID-19 là một rủi ro lớn, đặc biệt là đối với các ngành dịch vụ.

Tính đến ngày 30/3, Việt Nam đã tiêm vắc xin COVID-19 cho hơn 48.000 người. Hiện, dịch COVID-19 đã bước đầu được kiểm soát. Nhiều tỉnh, thành phố đã hơn một tháng không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng.

Anh Đào