|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Một cổ phiếu lương thực là quán quân tăng giá năm 2023 với tỷ lệ 800%

17:00 | 29/12/2023
Chia sẻ
Khi giá gạo tăng cao kỷ lục trong năm 2023, cổ phiếu VSF của Tổng Công ty Lương thực Miền Nam – CTCP (Vinafood II) dẫn đầu về tỷ lệ tăng giá với 800%.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2023, cổ phiếu VSF của Vinafood II dừng ở 38.700 đồng/cp, gấp 9 lần thị giá cuối 2022 (4.300 đồng/cp). Với mức giá này, vốn hóa thị trường của Vinafood II đạt 19.350 tỷ đồng nằm trong top đầu ngành nông nghiệp trên sàn.

Quan sát diễn biến giá cho thấy cổ phiếu VSF khởi sắc trong 6 tháng đầu năm theo xu hướng hồi phục của thị trường chung. Nhịp tăng phi mã bắt đầu từ cuối tháng 7 hưởng ứng thông tin giá gạo xuất khẩu liên tiếp lập đỉnh. Có thời điểm cổ phiếu VSF vượt ngưỡng 40.000 đồng/cp, đưa vốn hóa công ty lên trên 20.000 tỷ đồng. Vùng giá quanh 39.000 đồng/cp hiện là đỉnh lịch sử kể từ khi giao dịch trên UPCoM vào tháng 4/2018.

Trong năm 2023 có thể nói rằng ngành lúa gạo Việt Nam đã bội thu. Thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gạo vượt 8 triệu tấn trong năm 2023, thu về 4,8 tỷ USD, đây là mức kỷ lục của ngành. Giá gạo xuất khẩu bình quân của Việt Nam liên tục lập đỉnh trong 2 tháng gần đây, cao nhất là mốc 663 USD/tấn vào đầu tháng 12. Đây cũng là mức giá rất cao trong nhiều năm trở lại đây.

Hưởng ứng những thông tin tích cực về giá và thị trường xuất khẩu gạo, cổ phiếu ngành này từng có giai đoạn nổi sóng tăng mạnh trong quý III. Tuy nhiên, điểm lưu ý là kết quả kinh doanh của các công ty lại không tương đồng với diễn biến giá.

Ngay cả với trường hợp Vinafood II, doanh thu hợp nhất 9 tháng đầu năm nay đạt 18.671 tỷ đồng, tăng 72,3% so với cùng kỳ. Lãi trước thuế 46,7 tỷ đồng, tăng 139,5%. Như vậy, tỷ lệ tăng giá cổ phiếu gấp 5 lần mức tăng lợi nhuận.

Hay với trường hợp mã TAR của Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An, công ty báo lỗ trong quý II. Hiện cổ phiếu này còn trong diện hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch vào thứ Sáu) do chưa công bố báo cáo tài chính riêng và hợp nhất bán niên năm 2023.

 So sánh diễn biến giá cổ phiếu nông nghiệp trong năm 2023. Nguồn: TradingView.

Về phần VSF, mặc dù giá cổ phiếu tăng mạnh nhưng thanh khoản mã này rất thấp, chỉ đạt vài nghìn đơn vị mỗi phiên. Giai đoạn nổi sóng, thanh khoản mã VSF từng đạt hàng trăm nghìn đơn vị mỗi phiên nhưng thu hẹp dần về cuối năm.

Trong cơ cấu cổ đông của công ty, hai tổ chức có tỷ lệ sở hữu cao nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (51,43%) và Tập đoàn T&T (25%).

T&T bắt đầu mua cổ phần của Vinafood II khi tổng công ty nhà nước này thực hiện cổ phần hóa. Năm 2018, Vinafood II bán đấu giá ra công chúng 114,8 triệu cổ phần, tương đương 22,97% vốn điều lệ; bán 125 triệu cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, tương đương 25% vốn điều lệ. Duy nhất Tập đoàn T&T của “bầu” Hiển tham gia mua vào trở thành cổ đông chiến lược.

Tổng số tiền Tập đoàn T&T đã chi ra là hơn 1.200 tỷ đồng để nắm giữ 125 triệu cp, tương đương mức giá 10.100 đồng/cp. Với mức giá như hiện nay của VSF, tập đoàn của ông Đỗ Quang Hiển hái “quả ngọt” sau hơn 5 năm tham gia thương vụ.

Nếu tính với giá 38.700 đồng/cp, lô cổ phần Vinafood II do Tập đoàn T&T nắm giữ có giá trị hơn 4.800 tỷ đồng. Đồng nghĩa, tập đoàn của “bầu” Hiển đang lãi hơn 3.600 tỷ đồng.

Hoàng Linh