|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mở rộng hệ sinh thái không tiền mặt - Bài 1: Tín hiệu vui trong nghịch cảnh

08:07 | 01/03/2022
Chia sẻ
Đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng trên cả nước đã tác động đến mọi mặt đời sống của người dân. Nhiều thói quen tiêu dùng phải thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh mới.

Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 đã được Chính phủ phê duyệt.

Đây là một trong những hành lang pháp lý quan trọng nhằm tạo sự chuyển biến tích cực về thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế với mức tăng trưởng cao, đưa việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt.

Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài viết về Mở rộng hệ sinh thái không tiền mặt phản ánh những hiệu quả cũng như các giải pháp thúc đẩy thanh toán không tiền mặt đặc biệt trong bối cảnh thích ứng an toàn, linh hoạt hiệu quả phòng chống dịch COVID-19.

Bài 1: Tín hiệu vui trong nghịch cảnh

Số liệu năm 2021 cho thấy tổng số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) lên tới 1,86 tỷ giao dịch và với số tiền giao dịch là 23,6 triệu tỷ đồng.

Tốc độ tăng trưởng bình quân từ năm 2019 đến nay là 169% về số lượng giao dịch và 164% về giá trị giao dịch. Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã len lỏi khắp các hoạt động kinh tế - xã hội từ mua sắm tiêu dùng, chi trả học tập đến các giao dịch kinh doanh.

Len lỏi mọi lúc mọi nơi

Dù dịch bệnh đang dần được kiểm soát, hoạt động mua bán, thanh toán tận nơi ở Tp. Hồ Chí Minh đã trở lại bình thường, song chị Thu Hiền, ở Quận Gò Vấp vẫn ưa chuộng thanh toán không tiền mặt, nhất là các giao dịch trực tuyến để giảm tiếp xúc. Đây là thói quen mà gia đình chị đã duy trì kể từ khi Tp. Hồ Chí Minh áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt vào quý 2/2021.

Theo chị Hiền, việc mua hàng và thanh toán trực tuyến sử dụng quen sau một thời gian sẽ thấy rất thuận lợi. Nhất là khi mua hàng trên các sàn thương mại điện tử và có đăng ký thẻ tín dụng, chị có thể mua về sử dụng và hơn một tháng sau mới phải thanh toán.

Chị Hiền cho biết, với đóng tiền học phí cho con trước đây, nhà trường chỉ liên kết với một ngân hàng, không có tài khoản ngân hàng này là chỉ còn cách lên trường đóng. Tuy nhiên, hiện nhà trường mở rộng ra nhiều ngân hàng, rồi thêm cả kênh thanh toán qua ví điện tử… nên rất thuận lợi.

Không chỉ riêng người tiêu dùng, ghi nhận tại các điểm bán lẻ cũng cho thấy xu hướng thanh toán không tiền mặt có sự cải thiện đáng kể trong giai đoạn dịch bùng phát.

Chị Thùy Trang, chủ cửa hàng trái cây trên đường Trịnh Đình Thảo, quận Tân Phú cho biết: Trong giai đoạn Tp. Hồ Chí Minh thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt, hơn 95% đơn mua hàng tại cửa hàng của chị đều được thanh toán qua chuyển khoản hoặc ví điện tử. Tuy tỷ lệ này có giảm đi sau khi thành phố trở lại bình thường, song nhiều người vẫn còn duy trì thói quen thanh toán không tiền mặt khi mua hàng.

Ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cũng cho biết, từ tỷ trọng 4% khách hàng thanh toán không tiền mặt khi mua hàng ở các siêu thị, cửa hàng của Saigon Co.op thì ngay trong dịch COVID-19 con số này tăng vọt lên 40%, thậm chí nhiều thời điểm lên đến 50%. Đây là con số mục tiêu mà Saigon Co.op dự kiến phải mất 3-4 năm nữa mới đạt được.

Đáng chú ý, sau khi dịch bệnh được đẩy lùi, một số bộ phận người tiêu dùng đã quen dần với các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Vì vậy, tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt tại Saigon Co.op được nâng lên mức từ 5-6% trong những tháng gần đây. Ở các thành phố lớn, tỷ lệ này khoảng 10-11%.

Theo khảo sát của Saigon Co.op, có tới 32% người tiêu dùng tỏ ra thích thanh toán không dùng tiền mặt và 17% khách hàng mua sắm tại hệ thống siêu thị này cho rằng họ sẽ chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt nhiều hơn trong thời gian tới.

Một khảo sát khác của VISA phối hợp với đối tác CLEAR thực hiện trong khoảng thời gian tháng 8-9/2021 tại các quốc gia Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam) cho thấy, thói quen thanh toán bằng tiền mặt đã giảm đáng kể  trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và dự báo sẽ tiếp tục giảm dần trong tương lai.

Cụ thể, trước dịch COVID-19, cứ 10 thanh toán thì có 6-8 thanh toán là bằng tiền mặt. Nhưng hiện nay, số thanh toán bằng tiền mặt giảm chỉ còn 5 và 4. Trong tương lai, thanh toán không tiền mặt sẽ áp đảo hơn khi mang lại nhiều tiện ích cho người sử dụng.

Số lượng giao dịch tiền mặt cũng giảm đáng kể so với trước dịch COVID-19. Theo đó, 56% người tiêu dùng cho biết họ đã giảm lượng giao dịch tiền mặt. 65% số người nói giảm lượng tiền mặt giữ trong ví mà chuyển đổi sang các hình thức thanh toán hiện đại như thẻ, ví điện tử… Đáng chú ý, xu hướng thanh toán không chạm tác động rất nhiều đến thói quen này do tính tiện ích, dễ sử dụng.

“Bên cạnh các lợi ích của thanh toán không dùng tiền mặt, người tiêu dùng bắt đầu cảm nhận rõ ràng hơn sự an toàn, giảm nguy cơ trộm cắp, ít rắc rối và quan trọng nhất là sự an toàn về sức khỏe”, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc VISA Việt Nam và Lào cho biết.

Không đứng ngoài cuộc chơi

Không chỉ làm thay đổi thói quen thanh toán của người tiêu dùng, đại dịch COVID-19 đã tác động đến cả chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đặc biệt, tại các ngân hàng, công ty công nghệ tài chính, ví điện tử…, quá trình chuyển đổi số được ghi nhận khá mạnh mẽ với sự ra đời của nhiều sản phẩm, dịch vụ sáng tạo; đồng thời có sự liên kết với nhau để gia tăng trải nghiệm dịch vụ của khách hàng trong việc thanh toán không tiền mặt.

Chẳng hạn, giữa tháng 12/2021, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) đã ra mắt hệ sinh thái số ONEBANK trên toàn quốc. Với hệ sinh thái này, khách hàng có thể nộp/rút tiền từ tài khoản của tất cả các ngân hàng tại Việt Nam bằng QRCode theo tiêu chuẩn VIETQR và là ngân hàng Việt đầu tiên triển khai dịch vụ này.

Song song đó, khách hàng có thể tự trải nghiệm các giao dịch như: gửi tiền tiết kiệm, mở tài khoản, thanh toán hóa đơn điện/nước, thanh toán thẻ, chuyển khoản 365+ không giới hạn thời gian/không gian, giao dịch và chuyển chứng từ tự động… Những dịch vụ tiện ích này đều được tích hợp Ngân hàng số Open Banking, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Ông Trần Khải Hoàn, Phó Tổng giám đốc thường trực Nam A Bank cho biết, việc ra mắt OneBank là sự kiện đánh dấu bước chuyển mới trong hành trình chuyển đổi số của ngân hàng; đồng thời góp phần gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường tài chính, phát triển bền vững cũng như tạo ra những làn sóng công nghệ mới, mang lại những trải nghiệm tối ưu cho khách hàng.

Đáng chú ý, vào tháng 11/2021, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định chấp thuận triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông để thanh toán cho các dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile Money) cho 2 nhà mạng MobiFone và VinaPhone.

Đầu tháng 12/2021, nhà mạng Viettel cũng ra mắt hệ sinh thái tài chính số Viettel Money tới toàn bộ khách hàng đang sử dụng mạng di động này trên toàn toàn quốc. Đây được đánh giá là bước đi tiếp theo góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, khi Mobile Money được triển khai rộng rãi, người dân ở vùng sâu, vùng xa không có tài khoản ngân hàng vẫn có thể sử dụng điện thoại để thanh toán các giao dịch một cách dễ dàng.

Dù ví điện tử đã phổ biến và dịch vụ ngân hàng cũng phát triển nhanh chóng, nhưng Mobile Money sẽ thuận lợi hơn, vì người dân chỉ cần dùng điện thoại để thanh toán mà không cần liên kết với tài khoản ngân hàng.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động, chỉ thị triển khai, tạo điều kiện cho hoạt động hệ thống ngân hàng ứng dụng công nghệ và thúc đẩy chuyển đổi số.

Đặc biệt, Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 – 2025 đã được Chính phủ phê duyệt là một trong những hành lang pháp lý quan trọng để các bên thúc đẩy, mở rộng hệ sinh thái không dùng tiền mặt.

Không chỉ là thói quen mùa dịch

Dù thanh toán không tiền mặt đã đạt được những kết quả khá tích cực trong bối cảnh dịch bệnh, tuy nhiên nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra những khó khăn của Việt Nam trong việc giữ thành quả trên khi thói quen sử dụng tiền mặt chiếm đa số và nhiều người dùng vẫn còn nhiều băn khoăn về tính bảo mật, các thông tin liên quan đến thanh toán không tiền mặt…

Dẫn chứng một khảo sát của McKinsey, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho biết: 71% khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng Việt Nam sẵn sàng tiếp cận sản phẩm ngân hàng qua các kênh số hóa, nhưng chỉ 23% đã thực sự hoàn tất các bước để mua sản phẩm của ngân hàng trực tuyến hoặc qua ứng dụng di động.

Điều này cho thấy, việc thay đổi tư duy không phải một việc dễ dàng làm được ngay trong một sớm một chiều, các ngân hàng cần lắng nghe những băn khoăn của khách hàng và thể hiện rõ phía ngân hàng sẽ hỗ trợ khách hàng ra sao khi họ bắt đầu thay đổi, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch như hiện nay.

“Mỗi ngân hàng cần tiếp tục đầu tư vào ngân hàng số để theo kịp nhu cầu và hành vi của khách hàng. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần giúp những người dân còn mang tâm lý e ngại thay đổi và lo lắng về an toàn trên không gian mạng”, ông Tim Evans, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam cho biết.

Để thúc đẩy thanh toán không tiền mặt, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, nhất là Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng (Fintech Sandbox) và ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai.

Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kết nối liên thông tất các ngân hàng, các tổ chức trung gian thanh toán cũng như các tổ chức cung ứng các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ cho nền kinh tế theo hướng cung ứng dịch vụ thanh toán trực tuyến, xử lý tức thời, hoạt động liên tục 24/7.

Tại một hội thảo tổ chức cuối năm 2021, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh việc chuyển đổi số hướng tới xã hội không tiền mặt là xu hướng phát triển tất yếu trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Điều này sẽ giúp tạo ra tác động kép, vừa góp phần phục hồi, tăng trưởng kinh tế vừa hỗ trợ thực hiện mục tiêu tài chính toàn diện.

Mới đây, Thủ tướng đã phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025, đặt mục tiêu đưa thanh toán không dùng tiền mặt trở thành thói quen của người dân.

Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý để tạo thuận lợi cho các hoạt động chuyển đổi số và thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đáp ứng yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là việc triển khai các mô hình cung ứng dịch vụ mới dựa trên nền tảng công nghệ mới.

Phó Thủ tướng cũng lưu ý Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục bám sát cũng như phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế chính sách và thực hiện đảm bảo an ninh an toàn, bảo vệ quyền chính đáng và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Đồng thời, tiếp tục chủ động triển khai các hoạt động thông tin tuyên truyền và giáo dục tài chính đến người dân, doanh nghiệp có đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết và yên tâm trải nghiệm sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt một cách an toàn.

“Thanh toán không dùng tiền mặt là một trong số những nội dung quan trọng của quá trình chuyển đổi số quốc gia. Nếu thực hiện tốt điều này sẽ tạo tiền đề giúp Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh./.

Bài 2: “Cú hích” đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số

Hứa Chung