|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Mở lại phiên toà xét xử 'siêu lừa' Nguyễn Thị Hà Thành cấu kết với 17 cán bộ ngân hàng chiếm đoạt 433 tỷ đồng

15:04 | 09/03/2023
Chia sẻ
Do kinh doanh thua lỗ, bị cáo Nguyễn Thị Hà Thành đã cấu kết với 17 cán bộ ngân hàng hợp thức hồ sơ, soạn hợp đồng tiền gửi trái quy định rồi chiếm đoạt số tiền 433 tỷ đồng của ba ngân hàng.

Sáng nay (9/3), Tòa án nhân dân (TAND) TP Hà Nội mở lại phiên sơ thẩm xét xử “siêu lừa” Nguyễn Thị Hà Thành cùng 25 bị cáo khác về các tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản, vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng và cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”, theo báo Tiền Phong.

Trong vụ án có 17 bị cáo là cựu cán bộ và nhân viên Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB), Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) và Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVcomBank). Những người này bị cáo buộc giúp Nguyễn Thị Hà Thành hợp thức hồ sơ, soạn hợp đồng tiền gửi trái quy định rồi lừa đảo chiếm đoạt tiền của ba ngân hàng nói trên và của nhiều người khác.

Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 15 ngày. Hội đồng xét cử TAND TP Hà Nội do thẩm phán Phan Huy Cương làm chủ tọa.

  Bị cáo nguyễn Thị Hà Thành cùng nhóm đồng phạm tại phiên tòa (Ảnh: Tiền phong)

Theo cáo trạng, khoảng năm 2016 - 2018, Nguyễn Thị Hà Thành kinh doanh tự do nhưng thua lỗ nên nhiều lần vay tiền với lãi suất cao của các cá nhân theo cách "vay người sau trả cho người trước".

Thời gian đầu, Thành tạo được lòng tin đối với người cho vay và cán bộ ngân hàng khi trả nợ đúng hạn. Qua các quan hệ xã hội, Thành còn tìm được nhiều người đến ngân hàng gửi tiết kiệm số tiền lớn, sau đó lấy tư cách cá nhân hoặc nhờ người khác đứng tên trên các “hợp đồng tín dụng”, vay các ngân hàng.

Cáo trạng cho rằng, các ngân hàng đều coi Thành là khách hàng “VIP” nhưng thực tế đối tượng này không hoạt động kinh doanh, "chỉ vay tiền người sau trả người trước". Từ ngày 5/6/2018 – 26/11/2018, Thành mất khả năng thanh toán với các khoản nợ đến hạn, từ đó bị cáo nhiều lần gian dối, chiếm đoạt 433 tỷ đồng của ba ngân hàng và các cá nhân.

Cụ thể, tại ngân hàng NCB, Thành đề nghị vay ông Đặng Nghĩa Toàn (quận Hoàn Kiếm) bằng hình thức ông Toàn và vợ gửi tiền vào NCB hoặc PVcomBank rồi đưa sổ tiết kiệm cho Thành quản lý. Ngược lại, Thành sẽ trả ngay cho vợ chồng ông Toàn khoản lãi ngoài 4,2%/tháng. Khi đến hạn sẽ trả sổ tiết kiệm cho ông Toàn để đến ngân hàng rút tiền gốc, còn lãi suất Thành được hưởng.

Có được sổ trong tay, Thành cùng bị cáo Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho) giả chữ ký của vợ chồng ông Toàn trên các chứng từ và được ngân hàng NCB ba lần giải ngân 47,5 tỷ đồng.

Tại cơ quan điều tra, vợ chồng ông Toàn khai không biết và không đồng ý cho Thành dùng sổ tiết kiệm của mình để cầm cố vay ngân hàng. Còn Thành, Tùng thừa nhận việc lập khống hồ sơ, giả chữ ký ông Toàn để được vay tiền.

Còn tại VietABank, các bị cáo Nguyễn Thị Thu Hương, Quản Trọng Đức (cán bộ của VietABank) đã giúp sức cho Thành thực hiện 21 vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 274 tỷ đồng của ngân hàng này và 63 tỷ đồng của nhiều cá nhân khác.

Ngoài ra, cơ quan truy tố còn cáo buộc Nguyễn Thị Hà Thành làm giả chữ ký, lăn giả dấu vân tay nhiều người gửi tiền khác, rồi chiếm đoạt của các ngân hàng này số tiền hơn 49 tỷ đồng.

Quá trình điều tra, Thành khai dùng các khoản vay trên sử dụng để trả lãi vay ngoài, tất toán các khoản vay khác tại ngân hàng và mua cổ phần hoặc chi tiêu cá nhân.

Về dân sự, VietABank đề nghị tòa án xác định căn cứ tuyên tịch thu số tiền, khắc phục hậu quả thiệt hại. PVcomBank đề nghị buộc bị cáo Thành và đồng phạm trả tiền cho người đồng sở hữu. Còn NCB chưa có yêu cầu về bồi thường.

Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng khẳng định không buông bỏ VinFast và cá nhân tiếp tục hỗ trợ 1 tỷ USD
Theo quan điểm của Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, VinFast là dự án làm vì trách nhiệm xã hội, muốn đóng góp cho đất nước một thương hiệu, top đầu về xe trên thế giới.