|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mở lại đường bay có ý nghĩa sống còn với nền kinh tế, Hà Nội không nên đứng ngoài làn sóng mở cửa

14:00 | 05/10/2021
Chia sẻ
Việc Hà Nội chưa đồng ý khai thác trở lại các đường bay nội địa dấy lên nhiều lo ngại cho sự phục hồi ngành hàng không trong bối cảnh nền kinh tế đang từng bước mở cửa, hồi phục sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Mở lại đường bay có ý nghĩa sống còn với nền kinh tế, Hà Nội không nên đứng ngoài làn sóng mở cửa - Ảnh 2.

Mở lại đường bay nội địa có ý nghĩa sống còn với nền kinh tế. (Ảnh: Vietnam+).

TP HCM đồng ý khôi phục đường bay, Hà Nội vẫn nhất quyết từ chối

Khôi phục lại hàng không nội địa là một trong những kế hoạch quan trọng trong kịch bản mở cửa kinh tế từ 1/10. 

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cũng đã xây dựng kế hoạch mở lại đường bay nội địa tại các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống COVID-19 theo Chỉ thị 15 và 19, đồng thời đã giao Cục Hàng không Việt Nam tổng hợp ý kiến của các địa phương về việc này.

Tính đến trưa 5/10, đã có 10 địa phương gửi văn bản góp ý về kế hoạch mở lại đường bay nội địa, trong đó có 7 địa phương (trong đó có TP HCM) cơ bản đã đồng ý mở lại đường bay. Hải Phòng và Gia Lai đề nghị tạm thời chưa khai thác đường bay đến địa phương mình.

Riêng Hà Nội, một trong những cảng hàng không quan trọng của cả nước, cũng chưa có câu trả lời rõ ràng cho vấn đề này. 

Theo văn bản hoả tốc của UBND TP Hà Nội tối 4/10 gửi Cục Hàng không Việt Nam, TP Hà Nội đề nghị Cục Hàng không Việt Nam chỉ tổ chức khai thác các đường bay nội địa đi - đến sân bay quốc tế Nội Bài khi đã báo cáo Bộ GTVT, Bộ Y tế và được sự thống nhất bằng văn bản với UBND TP Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho thủ đô.

Cùng với đó, TP muốn Cục Hàng không làm rõ các tiêu chí đối với hành khách đi máy bay. Những hành khách thuộc vùng xanh sẽ quy định ra sao và thuộc vùng có dịch sẽ như thế nào. 

Trước đó, TP Hà Nội đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục dừng chuyến bay thương mại đến thành phố để phục vụ công tác phòng chống dịch.

Theo UBND TP Hà Nội, thủ đô đã điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch theo Chỉ thị 15 nhưng tình hình dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam và một số địa phương còn phức tạp, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất cao.

a - Ảnh 1.

So với TP HCM, tình hình dịch tại Hà Nội không quá phức tạp, với số ca mới theo ngày rất ít.

Việc không đồng nhất quan điểm giữa các địa phương, đặc biệt là TP HCM và Hà Nội, hai cảng hàng không lớn nhất cả nước, sẽ tạo sự phức tạp và rào cản cho việc mở lại các đường bay nội địa trong thời gian này.

Đặc biệt với quan điểm từ bỏ mục tiêu "zero COVID" và đẩy mạnh tỷ lệ tiêm vắc xin, sự nối lại các tuyến vận tải được không chỉ các hiệp hội, doanh nghiệp mà nhiều chuyên gia ủng hộ.

Nếu so sánh về tình hình dịch, rõ ràng tình hình dịch tại Hà Nội không quá phức tạp như TP HCM, tuy nhiên Hà Nội lại chưa sẵn sàng mở lại đường bay nội địa trong khi TP HCM đồng ý khôi phục 18 chặng bay đến sân bay Tân Sơn Nhất với tổng số 132 chuyến bay khứ hồi mỗi ngày (chặng TP HCM - Hà Nội sẽ có 28 chuyến mỗi ngày).

Tại TP HCM, nếu như cách đây một tháng, số ca thường xuyên ở mức trên 6.000 ca thì nay đang có xu hướng giảm dần. Còn số bệnh nhân mới ở Hà Nội khá thấp, ít khi vượt quá 50 trường hợp mỗi ngày và nhiều ngày liên ghi nhận số ca ở mức một con số.

'Hà Nội đang quá cẩn trọng'

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, cho hay Hà Nội có lẽ đang quá cẩn trọng, cần mở lại đường bay sớm để không đứng ngoài làn sóng mở cửa, khôi phục kinh tế. 

"Không nên tiếp tục ngừng các chuyến bay, mở lại đường bay có ý nghĩa sống còn với nền kinh tế. Khôi phục lại đường bay nội địa sẽ là bước đệm để tiến tới mở lại đường bay quốc tế, để nền kinh tế hồi sinh trở lại", TS Lê Đăng Doanh nói.

Ông cũng gợi ý giải pháp mở lại đường bay với các điều kiện đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, đồng thời vẫn tạo thuận tiện cho khách bay. 

Hiện, Việt Nam đang đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng với tổng số mũi tiêm đã thực hiện tính đến 4/10 là hơn 45,4 triệu liều, trong đó tiêm 1 mũi là hơn 34,6 triệu liều, tiêm mũi 2 là hơn 10,8 triệu liều. Hà Nội, TP HCM và nhiều tỉnh thành khác cũng đã đạt mục tiêu tiêm phủ mũi 1 cho 100% dân số trên 18 tuổi. 

Do vậy có thể áp dụng chính sách "thẻ xanh, thẻ vàng COVID-19" với khách bay hoặc phối hợp với bệnh viện lập điểm test nhanh tại chỗ trước khi check-in do khách hàng trả phí.

Nhấn mạnh về tầm quan trọng của đường bay Hà Nội - TP HCM, ông Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam cho hay, Hà Nội - TP HCM là đường bay trục chính trong mạng nội địa. 

Từ đây, các chuyến bay nối chuyến đi tới các sân bay nội địa và quốc tế. Nếu Hà Nội vẫn đóng cửa Nội Bài thì kế hoạch phục hồi đường bay nội địa của ngành hàng không chưa thể thực hiện. Trục bay Nội Bài - Tân Sơn Nhất chưa được mở thì cơ hội vực dậy ngành hàng không càng mong manh, ảnh hưởng xấu tới tiến trình khôi phục kinh tế.

Theo kế hoạch mở lại đường bay nội địa tại các địa phương nới lỏng biện pháp phòng, chống COVID-19 theo Chỉ thị 15 và 19, dự kiến từ 1/10 do Bộ GTVT xây dựng, kế hoạch chia làm 4 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (tối đa 10 ngày), tần suất trên từng đường bay với từng hãng không vượt quá 50% so với trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 và giãn cách ghế trên máy bay.

Giai đoạn 2 (tối đa 10 ngày sau giai đoạn 1), tần suất trên từng đường bay của từng hãng bay không vượt quá 70%.

Giai đoạn 3 (sau giai đoạn 2) tần suất trên từng đường bay của từng hãng không vượt quá tần suất trung bình 10 ngày đầu tiên của tháng 4 và không phải giãn cách ghế.

Giai đoạn 4 (trạng thái bình thường mới) cho phép các hãng được khai thác trở lại bình thường.

Anh Đào