|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Mất 5 năm dự án nhà ở thương mại mới ra được sản phẩm

10:25 | 08/09/2019
Chia sẻ
Thủ tục phức tạp, quy định của các luật chồng chéo, rườm rà dẫn đến các dự án trong đầu tư xây dựng kéo dài thời gian, trong đó các dự án nhà ở thương mại thường phải mất thời gian trên dưới 5 năm, thậm chí có dự án phải mất đến chục năm mới có sản phẩm đưa ra thị trường.
Mất 5 năm dự án nhà ở thương mại mới ra được sản phẩm - Ảnh 1.

Ông Lê Hoàng Châu bức xúc chia sẻ ý kiến tại hội thảo -Ảnh: Lê Hoàng

Thông tin này được ghi nhận tại buổi tọa đàm về xung đột pháp lý trong đầu tư xây dựng diễn ra tại TPHCM ngày 6-9 do Báo Sài Gòn Giải phóng GGP - Đầu tư Tài chính và Sài Gòn Giải phóng Online tổ chức.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), dẫn chứng những quy trình thủ tục mà chủ đầu tư thực hiện như phải mất khoảng 3 năm để nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng dự án.

Theo HoREA, nhà đầu tư còn mất thêm trên dưới 2 năm để lập các thủ tục chuẩn bị đầu tư, bao gồm quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; quyết định chấp thuận đầu tư, công nhận chủ đầu tư; quyết định thu hồi đất, giao đất dự án cho chủ đầu tư; thẩm định thiết kế cơ sở - thiết kế kỹ thuật - giấy phép xây dựng...

 Ngoài ra, chủ đầu tư còn mất trên dưới 3 năm để triển khai thực hiện dự án, xây dựng các công trình trong dự án.

Đó là nhà đầu tư thực hiện đúng quy trình và suông sẻ, nếu bị vướng trong quá trình triển khai các thủ tục, khâu đền bụ giải tỏa chậm thì có thể phải mất trên chục năm thì dự án nhà ở thương mại mới có sản phẩm đưa ra thị trường.

Trên thực tế, không ít dự án đầu tư triển khai chậm tiến độ do không rõ các trình tự để thực hiện các thủ tục, cũng như không rõ quan hệ của các đạo luật. Hoạt động kinh doanh cũng vì thế bị tăng chi phí và rủi ro.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia, doanh nghiệp, luật sư, đại diện cơ quan quản lý nhà nước cũng cho rằng đầu tư xây dựng hiện nay bị chồng chéo nhiều quy định của pháp luật, xung đột pháp lý dẫn đến nhà đầu tư phải mất nhiều thời gian, chi phí để triển khai thực hiện.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng thủ tục đầu tư xây dựng hiện nay liên quan đến nhiều luật và chồng chéo, xung đột pháp luật. 

Có một luật nhưng mỗi địa phương thực hiện một kiểu khác nhau, còn các cơ quan thực thi chính sách lúng túng, bị động khi phải giải quyết công việc cho doanh nghiệp. Nhiều quy định nhìn trong một ngành thấy ổn, nhưng nhìn toàn diện lại thấy bất ổn.

Cụ thể như xung đột về thời điểm thẩm định nhu cầu sử dụng đất giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư; trùng lặp về phê duyệt quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giữa Luật Đầu tư và Luật Quy hoạch đô thị, Luật Nhà ở; không thống nhất về điều kiện vốn tối thiểu của chủ đầu tư giữa Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai;...

Đáng chú ý, cùng một vấn đề nhưng giữa luật nọ và luật kia có sự khác biệt trong quy định, gây nhiều khó khăn cho các đơn vị thực thi.

Trên thực tế theo các doanh nghiệp và chuyên gia, hiện nay các hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 luật khác nhau và rất nhiều nghị định, nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, thông tư hướng dẫn của các bộ ngành. 

Ngoài ra, còn có hơn 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác.

Ông Tuấn cho rằng điều này gây ra nhiều hệ quả lớn, làm mất thời gian, lỡ cơ hội đầu tư, làm tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh.

Cũng đồng tình điều này, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng cần phải có luật “hài hòa hóa” các quy định của nhiều luật mới giải quyết được xung đột giữa các luật hiện nay. 

Các luật đang sửa nếu không giải quyết được tận gốc những xung đột, chồng chéo, khi có hiệu lực, chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.