Lý do Bộ Giao thông Vận tải muốn đổi tên 'trạm thu phí' thành 'trạm thu tiền'?
Liên quan đến việc Bộ Giao thông Vận tải đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ thay thế Thông tư số 49/2016/TT-BGTVT; trong đó, có nội dung thay cho tên gọi “trạm thu phí” thành “trạm thu tiền”, ngày 8/5, phóng viên Thông tấn xã đã trao đổi với đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) về vấn đề này.
Trạm thu phí dự án BOT Quán Toan - Cầu Nghìn do TASCO đầu tư. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
Theo đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông, Luật Phí và lệ phí có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 đã đổi tên phí sử dụng đường bộ thành giá dịch vụ sử dụng đường bộ. Vì vậy, giá dịch vụ sử dụng đường bộ được điều chỉnh bởi các quy định của Luật giá.
Căn cứ Nghị định 149/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Giá, năm 2016, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 35/2016/TT-BGTVT quy định mức giá tối đa dịch vụ sử dụng đường bộ gọi là “giá dịch vụ sử dụng đường bộ”.
Tuy nhiên, việc một số trạm BOT viết tắt “trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ” thành “trạm thu giá” tạo ra nhiều ý kiến trái chiều về cách hiểu. Sau đó, cách gọi là trạm thu phí như cũ được trả lại, nhưng cách gọi này không đúng tinh thần Luật Giá.
“Mặc dù trạm thu phí là tên gọi quen thuộc, nhưng khi soạn văn bản phải tuân thủ văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, phải sử dụng văn viết chứ không thể sử dụng văn nói và cái quan trọng nhất là nội hàm Thông tư quy định như vậy”.
Đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông cũng cho rằng, việc sử dụng tên “trạm thu tiền” sẽ không ảnh hưởng đến doanh nghiệp hay các văn bản pháp luật liên quan.
Tuy nhiên, đây mới là dự thảo nên Bộ Giao thông Vận tải đưa ra tên gọi “trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ” để lấy ý kiến của các bộ, ngành, tổ chức, người dân nhằm có tên gọi phù hợp, đúng văn bản quy phạm pháp luật.
“Trong quá trình dự thảo chúng tôi sẽ tiếp thu các ý kiến của người dân và mong tiếp tục nhận được những đóng góp cả tên gọi lẫn toàn bộ nội dung thông tư để chúng tôi hoàn thiện và sớm ban hành…”, đại diện Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, dự thảo mà Bộ Giao thông Vận tải đang xin ý kiến các bộ, ngành và người dân cũng đưa ra quy định vị trí trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ phải được công khai khi công bố dự án và được xác định trước khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định của nhà nước; phải đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan (nhà nước, nhà đầu tư, người sử dụng); phải thuận lợi cho việc thu tiền, đảm bảo khả năng hoàn vốn của dự án đối với dự án đối tác công tư.
Đối với các trạm theo hình thức thu hở (thu vé lượt), vị trí trạm phải được công khai cho chính quyền cấp quận (huyện) và nhân dân địa phương trong thời gian 30 ngày trước thời điểm quyết định duyệt dự án xây dựng trạm.
Đối với quốc lộ, trạm thu tiền phải nằm trong phạm vi dự án và được lấy ý kiến của đoàn đại biểu Quốc hội, hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, hiệp hội vận tải ôtô tỉnh, thành phố nơi đặt trạm (nếu có).
Trạm thu tiền phải sao lưu định kỳ dữ liệu thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ để phục vụ giám sát, hậu kiểm. Dữ liệu của hệ thống quản lý thu bao gồm: các tập tin cơ sở dữ liệu, các tập tin hình ảnh chụp phương tiện lưu thông qua trạm, các tập tin video liên tục giám sát làn phải được sao lưu dưới dạng tập dữ liệu và lưu giữ tối thiểu 5 năm.
Các tập tin video giám sát cabin và giám sát toàn cảnh phải được sao lưu dưới dạng tập dữ liệu và lưu giữ tối thiểu 1 năm.
Ngoài ra, dự thảo thông tư của Bộ Giao thông Vận tải vẫn quy định trạm thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ hoạt động 24/24 giờ vào tất cả các ngày trong năm, kể cả ngày nghỉ và ngày lễ (trừ những trường hợp ngừng thu khi có quyết định của cấp có thẩm quyền).