|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lời sau cùng, ông Nguyễn Đức Chung nói đang điều trị ung thư, mong sớm đoàn tụ gia đình, chăm lo bố mẹ

21:47 | 30/12/2021
Chia sẻ
Nói lời sau cùng trong vụ án thứ ba trước khi HĐXX nghị án và tuyên án, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Nguyễn Đức Chung bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện để chữa bệnh, sớm được đoàn tụ gia đình để chăm lo bố mẹ.

Chiều 30/12, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội tiếp tục xét xử ông Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) và 6 bị cáo khác trong vụ án "Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Hà Nội và một số đơn vị liên quan.

Sau khi kết thúc phần tranh tụng, Hội đồng xét xử (HĐXX) cho phép các bị cáo nói lời sau cùng trước khi bước vào nghị án và tuyên án vào chiều mai, 31/12.

Lời sau cùng, ông Nguyễn Đức Chung nói đang điều trị ung thư, mong sớm đoàn tụ gia đình, chăm lo bố mẹ - Ảnh 1.

Các bị cáo tại tòa. (Ảnh: PLO).

Theo Pháp luật TP HCM, bị cáo Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, gửi lời cảm ơn đến cơ sở giam giữ đã tạo điều kiện cho mình trong quá trình ăn ở, sinh hoạt, khám chữa bệnh. Ông cũng cảm ơn HĐXX đã cho mình được giải trình những vấn đề muốn nói.

Ông Chung cho hay đã rút ra nhiều bài học sâu sắc từ khi bị khởi tố bị can và bắt giam. Bị cáo ý thức rõ với cương vị Chủ tịch UBND và Trưởng Ban chỉ đạo công nghệ thông tin thành phố, phải chịu trách nhiệm về cả điều tốt và những tồn tại đã xảy ra.

Đáng chú ý, cựu Chủ tịch Hà Nội cho biết đã hai lần đi mổ ung thư vào năm 2015 và năm 2016, từ đó đến nay đang duy trì việc chữa bệnh. Thời gian gần đây, căn bệnh của ông tái phát, do đó mong HĐXX xem xét, tạo điều kiện để mình có thời gian chữa bệnh. 

“Bị cáo còn có bố mẹ già, mong muốn được sớm đoàn tụ gia đình để chăm lo cho bố mẹ”, ông Chung nói.

Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Văn Tứ, cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội gửi lời cảm ơn đến VKS đã đề nghị cho mình được hưởng các tình tiết giảm nhẹ, cảm ơn HĐXX đã cho mình được “giải tỏa, nói ra những trăn trở, băn khoăn mà giai đoạn điều tra chưa thể nói”.

Trong lời trình bày cuối cùng tại phiên sơ thẩm, ông Tứ bày tỏ sự tin tưởng HĐXX cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng đã nghe, đã hiểu lý do, hoàn cảnh, bối cảnh mà mình phải thực hiện những hành vi vi phạm. 

Ông nhấn mạnh “hoàn toàn vì ý thức phải thực hiện chỉ đạo của cấp trên, không còn giải pháp nào khác, nhận thức thời điểm đó không thể lường trước được thiệt hại, hoàn toàn không vì mục đích vụ lợi”.

Ông Nguyễn Văn Tứ khẳng định những lời khai của mình về ông Nguyễn Đức Chung hoàn toàn trung thực. Bản thân ông và các bị cáo khác tại Sở KH&ĐT từng có nhiều thành tích, mong được sớm trở về với gia đình và bù đắp những sai lầm đã gây ra.

Các bị cáo còn lại đều bày tỏ sự ăn năn, mong HĐXX xem xét toàn diện vụ án, cho hưởng mức án khoan hồng cao nhất có thể.

Trong phần luận tội và đề nghị mức án, Viện Kiểm sát (VKS) đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Đức Chung mức án 3-4 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ". Cộng với hai bản án trước, bị cáo phải chịu hình phạt chung là 16-17 năm tù.

Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Tứ (cựu Giám đốc Sở KH&ĐT) 36-42 tháng tù, Nguyễn Tiến Học (cựu Phó Giám đốc Sở KH&ĐT) 36-42 tháng tù, Phạm Thị Thu Hường (cựu Chánh Văn phòng Sở KH&ĐT) 4-5 năm tù và Phạm Thị Kim Tuyến (cựu Trưởng Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT) 5-6 năm tù.

Lê Duy Tuấn (giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh) 4-5 năm tù và Võ Việt Hùng (giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đông Kinh) 5-6 năm tù.

Ngoài trách nhiệm hình sự, VKS đề nghị tòa buộc Công ty Đông Kinh nộp lại hơn 6 tỷ đồng thu lợi bất chính. Với số tiền thiệt hại còn lại (khoảng 20 tỷ đồng), VKS đề nghị tòa tuyên các bị cáo Tứ, Học, Hường, Tuyến, Tuấn, Hùng liên đới bồi thường. 

Đồng thời dành quyền khởi kiện cho các bị cáo yêu cầu Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) bồi hoàn lại số tiền nêu trên.

Phương Trang

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.