|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Chứng khoán

Lời giải cho lệnh mua đột biến của khối ngoại: Tiền mới và cơ cấu danh mục

07:16 | 18/11/2022
Chia sẻ
Trong giai đoạn thị trường biến động mạnh, khối ngoại liên tục xuống tiền nâng đỡ thị trường trong các phiên gần đây. Từ đầu tháng 11 đến nay, nhóm nay mua ròng 10/13 phiên với tổng giá trị mua ròng lên tới gần 8.350 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua tuần biến động mạnh với 2 phiên đầu tuần VN-Index liên tục phá vỡ các ngưỡng hỗ trợ được kỳ vọng, xuống vùng đáy 25 tháng tại sát ngưỡng 900 điểm.

Nỗ lực hồi phục trong 2 phiên sau đó giúp chỉ số về sát mốc 970 điểm. Tuy nhiên áp lực bán vẫn mạnh và chủ yếu xuất phát từ dòng tiền nội, trong bối cảnh hoạt động bán giải chấp tiếp tục diễn ra cộng thêm tâm lý kém tích cực của các nhà đầu tư trên thị trường.

Dù là lực lượng đông đảo nhất trên thị trường chứng khoán, nhiều nhà đầu tư cá nhân đang bị mất định hướng, đặc biệt là nhóm nhà đầu tư F0 thời kỳ “uptrend” 2 năm qua khi họ chưa từng có kinh nghiệm trước những cú sụt giảm mạnh.

Quan sát thời gian gần đây, cá nhân trong nước liên tục bán ròng, cụ thể tuần trước đó nhóm này xả ròng mạnh qua khớp lệnh 5.170 tỷ, lớn nhất kể từ tháng 4/2022 ở tất cả các nhóm ngành, trong đó lực bán tập trung tại nhóm bất động sản, hóa chất, ngân hàng và thực phẩm.

Nửa đầu tháng 11 chứng kiến đợt bán ròng mạnh nhất của NĐT cá nhân trong vòng 2 năm qua. Cùng thời điểm 2021, dòng tiền mua ròng của NĐT cá nhân là nhân tố hỗ trợ VN-Index thiết lập các đỉnh mới. Tuy nhiên dòng tiền này đã thu hẹp dần từ đầu 2022 và đến tháng 11/2022 bắt đầu xuất hiện lực bán ròng mạnh.

 Nguồn: Linh Chi tổng hợp.

Giao dịch ngược chiều với các cá nhân trong nước, khối ngoại liên tục xuống tiền nâng đỡ thị trường trong các phiên thị trường đỏ lửa. Từ đầu tháng 11 đến nay, nhóm nay mua ròng 10/13 phiên với tổng giá trị mua ròng lên tới gần 8.350 tỷ đồng.

Trong đó, cổ phiếu STB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín dẫn đầu bên mua với giá trị gom ròng gần 846,2 tỷ đồng.

Theo sau là KDH được mua ròng hơn 815,4 tỷ đồng và VHM (762,9 tỷ đồng). Nối tiếp, lực cầu còn được ghi nhận ở nhóm tài chính ngân hàng với các đại diện như SSI (573,1 tỷ đồng), CTG (426,9 tỷ đồng), VND (387 tỷ đồng).

Danh mục top10 mã được mua ròng nhiều nhất trong phiên còn có sự góp mặt của DGC (362,7 tỷ đồng), MSN (347,9 tỷ đồng), FUEVFVND (311,3 tỷ đồng), VIC (291,6 tỷ đồng).

Nguồn: Linh Chi tổng hợp. 

Tại chiều bán, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát bị xả ròng mạnh nhất với quy mô gần 346,2 tỷ đồng. Theo sau đó là FPT bị bán ròng hơn 122,9 tỷ đồng, TCB (113,5 tỷ đồng). Nối tiếp, lực bán được ghi nhận ở những mã dưới 100 tỷ đồng như KDC (92,5 tỷ đồng), VPB (65,6 tỷ đồng), MWG (64,3 tỷ đồng), SAB (60,7 tỷ đồng), …

Điều gì khiến khối ngoại xuống tiền bắt đáy trước sự tháo chạy của dòng vốn nội?

Kinh tế trưởng của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI trong chương trình "Bí mật đồng tiền" của VTV Digital. (Ảnh chụp màn hình).

Chia sẻ trong chương trình “Bí mật đồng tiền” ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI cho rằng trước đó ông đã đề cập đến câu chuyện “một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân” và sau đó thị trường đã chứng kiến khá nhiều cánh én đã xuất hiện.

Dòng vốn ngoại gần đây có đóng góp không nhỏ từ các quỹ ETF, hàng nghìn tỷ đồng vẫn đang đổ vào chứng khoán Việt Nam qua kênh này. 

Về mặt kỹ thuật, nhiều quỹ ngoại có tỷ trọng tiền mặt lớn và theo quy định họ không được giữ tỷ lệ này ở mức cao trong thời gian quá lâu, do vậy họ phải tiếp tục giải ngân để giảm tỷ lệ này xuống ngưỡng hợp lý. Chuyên gia cũng cho rằng thông thường không có nhà đầu tư nào lại cho phép các quỹ nhận ủy thác giữ tỷ lệ tiền mặt quá cao.

Một nguyên nhân khác dẫn đến việc mua ròng liên tục của nhà đầu tư nước ngoài có thể xuất phát từ việc khối ngoại định giá của thị trường Việt Nam đã về mức tương đối rẻ đối và họ đang tích lũy cổ phiếu. Tuy nhiên, tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài so với nhà đầu tư trong nước hiện nay vẫn khá thấp, cho nên cũng khó có thể nói rằng giao dịch khối ngoại có thể trở thành xúc tác đẩy cả thị trường quay lại vùng giá cao ở thời điểm này.

Ở khía cạnh khác, động thái giải ngân khối ngoại trong thời gian gần đây liên quan đến hoạt động cơ cấu danh mục của một số quỹ. Đơn cử, nhóm Dragon Capital giải ngân trở lại thị trường trong một tuần trở lại đây sau khi liên tục bán ròng giai đoạn trước đó.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Linh Chi