Loạt chính sách quan trọng có hiệu lực từ 1/1/2021
Mua ô tô trong nước không còn được giảm 50% phí trước bạ
Ngày 29/11/2020, Bộ Tài chính ban hành ban hành thông tư quy định việc gia hạn 29 khoản phí, lệ phí đến hết ngày 30/6/2021, với mức giảm từ 50 - 100%.
Trong 29 loại phí, lệ phí tiếp tục được giảm, không có lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Trước đó, Chính phủ đã ban hành nghị định quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu theo quy định, áp dụng từ ngày 29/6 đến hết ngày 31/12/2020. Đây được xem là giải pháp ngắn hạn để kích cầu tiêu dùng trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, từ 1/1/2021, chính sách này sẽ chính thức hết hiệu lực, đồng nghĩa với việc người dân mua ô tô trong nước sẽ không được miễn 50% lệ phí trước bạ.
Cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ
Luật Đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ 1/1/2021. Luật gồm 7 chương, 77 điều và 4 phụ lục kèm theo.
Đáng chú ý, điều 6 quy định rõ các ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh bao gồm: Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I; kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vậy quy định tại Phụ lục II; kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên…; kinh doanh mại dâm; mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người; hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người, kinh doanh pháo nổ; kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Luật Đầu tư 2020 cũng giảm số lượng ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện xuống còn 227 ngành nghề, đồng thời, bổ sung nhiều ngành, nghề được ưu đãi đầu tư cũng như thêm hình thức ưu đãi đầu tư và hỗ trợ đầu tư đặc biệt.
Doanh nghiệp không phải thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh
Theo quy định cũ tại khoản 2 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2014, trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2021 khi Luật Doanh nghiệp năm 2020 có hiệu lực, không quy định doanh nghiệp phải thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, trong Luật mới này còn một số thay đổi liên quan đến con dấu của doanh nghiệp như ghi nhận dấu của doanh nghiệp dưới 2 hình thức là dấu được làm tại cơ sở khắc dấu và dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử; doanh nghiệp được quyền tự quyết với con dấu.
Quy định mới về tuổi nghỉ hưu
Nghị định 135 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Nghị định này quy định chi tiết Điều 169 của Bộ luật Lao động.
Theo đó, kể từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam; đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ.
Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035.
Ngoài ra, Khoản 1 Điều 5 của nghị định cũng chỉ rõ các trường hợp nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường. Cụ thể, người lao động thuộc một trong 4 trường hợp dưới đây có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu thông thường, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành.
Người lao động có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 1/1/2021;
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên;
Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành và thời gian làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/1/2021) từ đủ 15 năm trở lên.
Áp dụng chính sách về hưu trước tuổi mới
Nghị định số 143 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108 về chính sách tinh giản biên chế đã bổ sung một số chính sách như về hưu trước tuổi.
Theo đó, đối tượng tinh giản biên chế nếu có tuổi thấp hơn tối đa đủ 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu đủ 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu, có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên, sẽ được hưởng chế độ hưu trí theo quy định, không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Đồng thời, nhóm này cũng được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi; được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác có đóng đủ BHXH. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương.
Ðối tượng tinh giản biên chế nếu có tuổi thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên sẽ được hưởng chế độ hưu trí theo quy định và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Thêm hai trường hợp công khai thông tin đăng ký thuế
Thông tư 105/2020/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành đã bổ sung hai trường hợp công khai thông tin đăng ký thuế của người nộp thuế, cụ thể là người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh và người nộp thuế có vi phạm pháp luật về đăng ký thuế.
4 trường hợp khác vẫn được giữ nguyên gồm: Người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký; người nộp thuế ngừng hoạt động, đã hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế; người nộp thuế ngừng hoạt động, chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế và người nộp thuế khôi phục mã số thuế.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 17/1/2021.
Người dân được phép sử dụng pháo hoa không gây tiếng nổ
Ngày 28/11/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 137 quy định về quản lý, sử dụng pháo. Trong đó, đáng chú ý có nội dung cho phép doanh nghiệp, cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự được sử dụng pháo hoa không gây tiếng nổ từ 11/1/2021.
Các sự kiện nhất định được sử dụng pháo hoa không gây tiếng nổ gồm: lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỉ niệm, và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.
Doanh nghiệp, cá nhân khi sử dụng pháo hoa chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Khi mua pháo hoa, các cá nhân, tổ chức cần nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép mua pháo hoa và nộp tại cơ quan công an. Sau 5 ngày, công an sẽ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và giấy phép mua pháo hoa. Giấy phép này sẽ có thời hạn 30 ngày.
Nghị định nêu rõ pháo hoa nổ là sản phẩm khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa, điện gây ra tiếng rít, tiếng nổ, hiệu ứng màu sắc trong không gian.
Loại pháo hoa có đặc tính tương đương nhưng không gây ra tiếng nổ được phép sử dụng trong các sự kiện nói trên.
Trước đó, Nghị định 36 năm 2009 quy định chung các loại pháo hoa là sản phẩm có thể gây tiếng nổ hoặc không gây tiếng nổ chỉ được sử dụng khi có sự cho phép của Thủ tướng, chính quyền các địa phương trong những ngày lễ lớn.
Rút ngắn thời gian cấp giấy phép xây dựng xuống còn 20 ngày
Theo Luật Xây dựng sửa đổi 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng phải xem xét hồ sơ để cấp giấy phép trong thời gian 20 ngày đối với trường hợp cấp giấy phép xây dựng công trình, bao gồm cả giấy phép xây dựng có thời hạn, giấy phép xây dựng điều chỉnh, giấy phép di dời và trong thời gian 15 ngày đối với nhà ở riêng lẻ.
Như vậy, thời gian cấp giấy phép xây dựng rút ngắn 10 ngày so với Luật Xây dựng 2014, từ 30 ngày xuống còn 20 ngày.
Luật cũng bổ sung một số công trình được miễn giấy phép xây dựng như công trình quảng cáo không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về quảng cáo; công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động.