|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Liệu đã hết hy vọng về TPP?

15:35 | 14/11/2016
Chia sẻ
Cho rằng, không cần lo lắng quá nhiều về TPP, chuyên gia Nguyễn Đức Thành cũng nhận định, TPP sẽ không dễ dàng bị hủy bỏ và tuyên bố của ông Donald Trump có ý nghĩa về mặt tranh cử nhiều hơn. Khi thắng cử, chính sách của ông Trump có thể "mềm" hơn.
lieu da het hy vong ve tpp
TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách. (Ảnh: Tri thức trẻ)

Hủy TPP - đây là một trong những tuyên bố trong giai đoạn tranh cử của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump. Liệu điều này có được hiện thực hóa và kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động ra sao nếu TPP sau một quá trình dài kết thúc đàm phán nhưng lại không được thực thi?

Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Chính sách (VEPR) về vấn đề này.

Thưa ông,Tổng thống vừa đắc cử của Mỹ - ông Donald Trump từng tuyên bố rằng sẽ hủy hiệp định TPP, ông đánh giá thế nào về khả năng này?

- Theo quan điểm của tôi, TPP sẽ không dễ dàng bị hủy như vậy. TPP không phụ thuộc vào Trump hay bất kì Tổng thống nào khác, bởi đó là vấn đề của nước Mỹ. Chừng nào Mỹ còn theo chủ nghĩa can thiệp, còn muốn đóng vai trò duy trì và ổn định an ninh toàn cầu, Mỹ còn cần TPP.

Việt Nam quan tâm đến TPP, bởi TPP là sợi dây kết nối giữa Mỹ, Việt Nam và các nước khác. Chính kết nối ấy cũng quan trọng với bản thân nước Mỹ, nó như mạng lưới giăng ra để cân bằng sức mạnh với Trung Quốc ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Câu chuyện của tương lai là thế đối chọi giữa Mỹ và Trung Quốc. Do đó, nếu không phải TPP sẽ có một kết nối khác tương tự, thậm chí còn mạnh mẽ hơn TPP.

Vậy tại sao ông Trump vẫn tuyến bố rất cứng rắn phản đối hiệp định này, thưa ông?

- Đó là chiến lược tranh cử của Tổng thống. Ông Trump tấn công vào TPP như tấn công vào di sản do người tiền nhiệm Obama để lại. Điều đó có ý nghĩa về mặt tranh cử nhiều hơn. Khi thắng cử, chính sách của ông có thể mềm đi rất nhiều. Có thể thấy qua chính động thái gọi điện cho Hàn Quốc ngay sau khi trúng cử khẳng định tiếp tục hợp tác bất chấp trước đó tuyên bố từ bỏ cam kết đảm bảo an ninh cho nước này. Mỹ không thể nào từ bỏ đồng minh cũng như các lợi ích của mình.

Hơn nữa, ngay cả khi ông Trump giữ lời hứa tranh cử bỏ TPP, các lãnh đạo Mỹ, quan chức Nhà Trắng cũng sẽ có cách nhìn khác. Còn thể chế, Quốc hội với sự đánh giá của Thượng viện và Hạ viện, nước Mỹ sẽ không vứt bỏ TPP một cách “suồng sã” như vậy.

Bỏ TPP sẽ bỏ đi một khoảng trống quyền lực của Mỹ cho Trung Quốc. Khi đó, Mỹ thiệt, đồng minh của Mỹ thiệt chứ không phải riêng Việt Nam. Do đó, không cần lo lắng quá nhiều về TPP và sự hiện diện của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Như vậy có khả năng TPP sẽ được Tổng thống Trump chấp nhận thông qua, thưa ông?

- Về điều này, tôi cho rằng TPP có thể được thông qua nhưng sẽ chậm lại và có thể phải đàm phán thêm chẳng hạn.

Có thể Mỹ sẽ đòi hỏi các nước thành viên thay đổi một số điều khoản hoặc yêu cầu lại về các thành viên gia nhập. Tất nhiên các nước thành viên sẽ không thích điều này vì tất cả các điều lệ đã thống nhất và đàm phán xong chỉ chờ thông qua. Tuy nhiên cuộc chơi vẫn phải phụ thuộc vào Mỹ.

Vậy hành động của Hạ viện Nhật thông qua TPP ngay sau khi Donald Trump đắc cử Tổng thống có ý nghĩa gì?

- Nếu bà Hillary lên làm Tổng thống, việc chuyển giao quyền lực có thể ít xáo trộn hơn. Tuy nhiên, người cầm quyền là ông Donald Trump. Ông Trump có nhiều đe dọa với TPP nhưng bản chất chỉ làm tăng độ bất định của TPP lên, kéo dãn TPP ra hoặc làm thay đổi điều khoản chứ không thể vứt bỏ TPP được.

Việc thông qua của Nhật cũng có thể xem là động thái “gieo những quân bài cuối” ủng hộ chính quyền Obama từ bên ngoài Nhà Trắng. Chính quyền ông Abe đưa ra một lời thúc giục với ông Trump rằng rất muốn hiệp định này thông qua. Bởi TPP có điều kiện khóa yêu cầu ít nhất có 6 nước thành viên tham gia và phải chiếm 85% GDP của toàn khối. Hiện nay Mỹ chiếm 60%, Nhật 17%. Như vậy, nếu không có Mỹ hoặc Nhật, TPP sẽ tự động hủy. Do đó, Nhật – đối tác hàng đầu của Mỹ ở TPP đã đi trước một bước để thúc giục Mỹ.

Mới đây Phòng thương mại của Tổng thông Obama ra tuyên bố sẽ không vận động để Thông qua TPP trong thời kì chuyển giao quyền lực nữa, điều đó liệu có đe dọa tới TPP không thưa ông?

- Câu trả lời từ hai Viện của Mỹ sẽ không thông qua TPP trong thời gian của Tổng thống Obama đã rõ. Các vấn đề của TPP vẫn là chờ tân Tổng thống Donald Trump xử lý, như đã phân tích ở trên. Chúng ta có thể chờ những diễn biến tiếp theo.

Trong khi đó, Trung Quốc đang rục rịch tiến hành một hiệp định thương mại tự do khác nhằm đối trọng với TPP do nước này dẫn đầu...

- Trung Quốc hiện đang đề xuất khối thương mại mậu dịch tự APEC đối trọng lại với TPP, nhưng thực ra vẫn chỉ là ý tưởng.

Hiện nay Trung Quốc đang lãnh đạo nhóm RCEP Asean +6 nhưng còn chưa ngã ngũ. Khả năng lãnh đạo của Trung Quốc trong vấn đề thương mại đầu tư thực chất không hấp dẫn với các nước.

Trong bối cảnh hiện tại khi mà tại Mỹ đang xảy ra tranh cãi về bầu cử và khả năng thực thi TPP bị thu hẹp, Trung Quốc đề xuất hiệp định thay thế, nhưng đánh giá cá nhân của tôi việc đó không có nhiều ý nghĩa.

Xin cảm ơn ông!

[WIDGET_VOTE:::4]

Thái Hoàng