Lịch cổ tức tiền mặt của 16 doanh nghiệp đầu năm 2022, cao nhất 30%
Một số doanh nghiệp đáng chú ý trong đợt này gồm:
Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - Mã: SAB) dự kiến trả cổ tức năm 2021 bằng tiền mặt tỷ lệ 20%, tức là nhà đầu tư nắm giữ một cổ phiếu sẽ được nhận 2.000 đồng.
Ngày giao dịch không hưởng quyền (GDKHQ) và ngày thanh toán lần lượt là 7/1 và 27/1. Công ty hiện có 641 triệu cổ phiếu đang lưu hành nên sẽ cần chi khoảng 1.282 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông.
Nhóm cổ đông công ty mẹ là ThaiBev đang sở hữu 53,6% vốn của Sabeco nên sẽ được nhận khoảng 687 tỷ đồng. Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng sẽ được nhận khoảng 452 tỷ.
Năm 2020, Sabeco trả cổ tức tiền mặt theo hai đợt với tổng tỷ lệ 35%. Năm 2019, công ty cũng trả cổ tức 3.500 đồng/cp.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, công ty ghi nhận lãi sau thuế 2.364 tỷ đồng, giảm 27,4% so với cùng kỳ 2020. Doanh thu thuần giảm 13,6% còn 17.370 tỷ đồng.
Chứng khoán Bản Việt (VCSC) dự báo tốc độ tăng trưởng kép EPS của Sabeco trong giai đoạn 2021 – 2024 có thể đạt 26% nhờ ba nhân tố.
Thứ nhất, nhu cầu phục hồi khi các gián đoạn do dịch COVID-19 giảm dần. Thứ hai, Sabeco giành được thị phần nhờ các sản phẩm mới và hiệu quả hoạt động marketing được cải thiện. Cuối cùng là các kế hoạch nâng cao biên lợi nhuận của công ty.
Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk – Mã: VNM) sẽ trả cổ tức đợt 2/2021 bằng tiền mặt 1.400 đồng/cp. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 10/1 và 25/2. Trong đợt 1, Vinamilk đã trả 1.500 đồng/cp.
Số cổ phiếu VNM đang lưu hành là gần 2,1 tỷ đơn vị nên Vinamilk sẽ cần chi khoảng 2.920 tỷ đồng.
Cổ đông lớn nhất của Vinamilk là SCIC đang sở hữu 36% vốn nên sẽ được nhận khoảng 1.050 tỷ đồng. Hai cổ đông ngoại là F&N Dairy Investments và Platinum Victory cũng sẽ nhận lần lượt 517 tỷ và 310 tỷ đồng.
Vinamilk từng dự định chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức đợt 2 vào ngày 31/12 nhưng sau đó đã chuyển sang ngày 11/1 như nói ở trên.
Trong quý III vừa qua, Vinamilk ghi nhận doanh thu thuần tăng 4,1% lên 16.194 tỷ đồng nhưng lãi sau thuế giảm 5,6% so với cùng kỳ năm trước, còn 2.961 tỷ. Vì vậy, biên lãi ròng sụt từ 20,2% còn 18,3%.
Chứng khoán SSI cho biết biên lợi nhuận gộp của Vinamilk đạt 42,9% trong quý III/2021, giảm đáng kể so với mức 46,7% trong quý III/2020 và 43,6% trong quý II/2021.
Theo Vinamilk, chi phí nguyên liệu tăng ảnh hưởng đến biên lợi nhuận gộp trong kỳ, cùng với đó là hiện tượng tỷ trọng các sản phẩm giá rẻ tăng lên trong cơ cấu sản phẩm.
Do thu nhập khả dụng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch, người tiêu dùng chuyển sang sản phẩm có mức giá tầm trung và bình dân.
Theo báo cáo phân tích của Chứng khoán SSI hồi tháng 11, ban lãnh đạo Vinamilk cho biết tăng trưởng doanh thu tháng 10/2021 so với cùng kỳ năm trước là trên 20%. Ngoài ra, Vinamilk ước tính tăng trưởng doanh thu quý IV so với 12 tháng trước nằm trong khoảng 10%-15%, do kết quả kinh doanh quý IV năm trước chịu ảnh hưởng nặng nề từ lũ lụt miền Trung.
SSI ước tính lợi nhuận thuần sau lợi ích của cổ đông thiểu số năm 2021 của Vinamilk là gần 10.800 tỷ và năm 2022 là gần 11.600 tỷ.
Công ty cổ phần Hóa An (Mã: DHA) dự định trả cổ tức bằng tiền mặt đợt 1/2021 với tỷ lệ 30%, tương đương với 3.000 đồng/cp. Ngày GDKHQ và ngày thanh toán lần lượt là 10/1 và 21/1.
Công ty hiện có 14,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành (không kể cổ phiếu quỹ) nên sẽ cần chi khoảng 44 tỷ đồng để thanh toán cho cổ đông. Năm 2020, Hóa An trả cổ tức tiền mặt theo hai đợt, tổng tỷ lệ 45%.
Theo thông tin từ website công ty, Hóa An hiện đang sở hữu ba mỏ đá gồm mỏ Thạnh Phú 2, tại xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai; mỏ đá Tân Cang 3, tại phường Tam Phước, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; mỏ đá Núi Gió tại xã Tân Lợi, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Hàng năm công ty khai thác và chế biến trên 1,5 triệu m3 đá các loại.