|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Lạng Sơn đề xuất giảm quy mô đầu tư cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng do khó khăn về vốn

23:10 | 26/11/2019
Chia sẻ
Cùng với việc giảm quy mô vốn đầu tư xuống còn 6.000 tỷ, sẽ chỉ có 27/43 km cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ được xây dựng theo quy mô 4 làn xe với nền đường rộng 17 m.
Lạng Sơn đề xuất giảm quy mô đầu tư cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng do khó khăn về vốn - Ảnh 1.

Sẽ có một khoảng hẫng lớn về tính kết nối cũng như phương án tài chính tại Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn nếu các bên liên quan không sớm hoàn thành việc tìm nguồn vốn để hoàn thành nốt đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng dài khoảng 40 km

UBND tỉnh Lạng Sơn vừa có công văn đề nghị Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ GTVT sớm xem xét phương án điều chỉnh quy mô đầu tư, phương án hỗ trợ từ ngân sách Trung ương đối với Dự án BOT đầu tư xây dựng cao tốc đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng.

Theo đó, do khó khăn trong việc huy động vốn, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị phân kỳ đầu tư Dự án thành 2 đoạn. Trong đó, đoạn từ Km44+750 (Chi Lăng) - Km17+420 (nút giao với QL4B thuộc thành phố Lạng Sơn), dài 27,3km, quy mô xây dựng 4 làn xe, chiều rộng nền đường 17,5m. Đối với đoạn từ Km17+420 (thành phố Lạng Sơn) - Km1+800 (cửa khẩu Hữu Nghị) dài 15,7km trong giai đoạn trước mắt sẽ chỉ xây dựng theo quy mô 2 làn xe, chiều rộng nền đường 13,5m.

Để thuận tiện cho việc sau này tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng đường cao tốc quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, UBND tỉnh Lạng Sơn kiến nghị vẫn tiến hành giải phóng mặt bằng toàn bộ tuyến đường dài 43 km với quy mô nền đường rộng 22m.

Với phương án phân kỳ như trên, tổng mức đầu tư Dự án chỉ còn 5.947 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà đầu tư là 1.600 tỷ đồng; ngân sách tỉnh bỏ ra 1.000 tỷ đồng; Ngân sách Trung ương hỗ trợ 1.347 tỷ đồng; vốn vay ngân hàng thương mại khoảng 2.000 tỷ đồng (BIDV đã cam kết hỗ trợ số tiền này).

Lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn đánh giá, phương án đầu tư nói trên sẽ giúp sớm thông tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn tới được cửa khẩu Hữu Nghị, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lạng Sơn và khu vực. 

Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư xây dựng cũng phù hợp với điều kiện hiện nay trong việc huy động vay vốn tín dụng (đảm bảo hạn mức vay của ngân hàng cấp tín dụng) cũng như cân đối vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để hoàn thành Dự án theo kế hoạch.

UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm chủ trì, đề xuất phương án hỗ trợ Dự án từ ngân sách Trung ương để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, tháo gỡ khó khăn cho Dự án.

Được biết, ngoài phương án được lựa chọn nói trên, UBND tỉnh Lạng Sơn cũng cho biết là đã từng cân nhắc đầu tư Dự án theo quy mô cao tốc hoàn chỉnh.

Cụ thể, phương án này sẽ đầu tư xây dựng đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng dài 44 km với 4 làn xe hoàn chỉnh, chiều rộng nền đường 22m, gồm 4 làn xe rộng 17,5 m. Tổng mức đầu tư dự kiến của phương án này là 8.790 tỷ đồng, trong đó, nhà đầu tư bỏ ra 1.750 tỷ đồng; ngân sách tỉnh chi  1.000 tỷ đồng; ngân sách Trung ương hỗ trợ: 2.160 tỷ đồng; vốn vay ngân hàng thương mại: 3.400 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Lạng Sơn thừa nhận phương án này có kinh phí đầu tư xây dựng lớn, khó khăn trong việc huy động vay vốn tín dụng, cân đối hỗ trợ vốn ngân sách Nhà nước trong điều kiện hiện nay để hoàn thành Dự án.

Đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng là đoạn tuyến cuối cùng nằm trong quy hoạch tổng thể tuyến cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn). Theo chủ trương đầu tư ban đầu, đoạn tuyến này được sử dụng nguồn vay ADB, tuy nhiên do việc tiếp cận nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn và sẽ làm gia tăng nợ công, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung đoạn tuyến này vào Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.

Hiện nay, tỉnh Lạng Sơn đã hoàn thành các thủ tục phê duyệt điều chỉnh, bổ sung đoạn cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng và nhánh lên cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam vào Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn; ký kết Hợp đồng và các Phụ lục Hợp đồng với Nhà đầu tư và Doanh nghiệp dự án; Nhà đầu tư đã huy động vốn chủ sở hữu được 424 tỷ đồng và thực hiện giải ngân giải ngân cho công tác giải phóng mặt bằng, chi phí tư vấn, chi phí quản lý dự án… đạt 290 tỷ đồng, chủ động triển khai dự án bằng nguồn vốn tự có trong thời gian chờ xác định nguồn tín dụng cho Dự án. Công tác giải phóng mặt bằng tại Dự án đã hoàn thành trích lục kiểm đếm đạt 100% khối lượng, bàn giao mặt bằng sạch cho Nhà đầu tư tổ chức thi công được 8,5/43km (đạt 20%).

Được biết, dặc dù được đầu tư rất lớn, nhưng tuyến cao tốc hướng tâm từ Hà Nội lên Lạng Sơn dài 110 km bao gồm 2 dự án là Hà Nội - Bắc Giang dài 45,8 km và Bắc Giang - Lạng Sơn (kết thúc tại huyện Chi Lăng) dài 64 km đều với quy mô 4 làn xe dù đã cơ bản hoàn thành, nhưng vẫn là một “mạch hở” khi đoạn cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vẫn chưa thể xác định thời điểm khởi công. 

Việc kết thúc “chơi vơi” cách TP. Lạng Sơn 30 km và cửa khẩu Hữu Nghị 45 km, khiến cung đường còn lại lên 2 đầu mối giao thông quan trọng cuối tuyến vẫn phải đi mượn tuyến Quốc lộ 1 hai làn xe được cải tạo từ cách đây 20 năm và đã mãn tải từ lâu.

Theo ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả - nhà đầu tư chính tại Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, việc điểm đầu tuyến Dự án (Km45+100) còn cách TP. Lạng Sơn tới 30 km cần sớm được khắc phục để mở cánh cửa cung đường tương lai vùng Đông Bắc, mở ra cơ hội đầu tư tiếp nối con đường Hữu Nghị - Chi Lăng thuộc tỉnh Lạng Sơn.

Hiện nay, đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đã đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý và tăng tính hiệu quả đầu tư do được tối ưu hóa để tiết giảm tổng mức đầu tư bằng giải pháp phân kỳ đầu tư. Tuy nhiên, Dự án này vẫn chưa thể triển khai tiếp do chưa xác định được nguồn vốn tham gia từ các bên liên quan đã ảnh hưởng đến cơ sở để triển khai cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh kết nối tỉnh Lạng Sơn với tỉnh Cao Bằng.

“Nguy cơ đoạn tuyến Hữu Nghị - Chi Lăng không thể hoàn thành vào năm 2020, qua đó kết nối đồng bộ toàn tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn - Cao Bằng đang là nỗi lo lớn của chúng tôi”, ông Hoàng cho biết.

Anh Minh