'Làn sóng' chuyển đất công nghiệp sang đất ở
Khu đất trong khu công nghiệp Đức Hòa III - Hồng Đạt được chuyển đổi thành dự án nhà ở gặp nhiều phản ứng của doanh nghiệp - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Việc chuyển đổi đất công nghiệp sang đất ở tại một số khu công nghiệp ở Long An đang có nhiều bất cập nhưng theo thông tin Tuổi Trẻ, hiện UBND tỉnh này vẫn tiếp tục có chủ trương xin giảm diện tích một số khu công nghiệp để chuyển đổi sang khu dân cư. Trong đó có khu công nghiệp xin bỏ hoàn toàn đất công nghiệp để chuyển sang làm dự án dân cư.
Cơ sở để các chủ đầu tư khu công nghiệp và các sở, ngành tỉnh Long An dựa vào xin chủ trương chuyển đổi là nghị định 82 về quy định quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế của Chính phủ ban hành tháng 5-2018. Nghị định này cho phép nghiên cứu chuyển đổi sang đất khu dân cư.
Nhiều chuyên gia lo ngại nếu không quản lý, thẩm định chặt sẽ có "làn sóng" ồ ạt xin nhiều đất làm khu công nghiệp rồi sau đó cắt xén xin chuyển đổi thành khu dân cư kiếm lợi nhuận cao.
Tiếp tục xin giảm hơn 446ha đất công nghiệp
Theo hồ sơ của Tuổi Trẻ, hiện Công ty cổ phần Him Lam đang đại diện làm các thủ tục đề nghị giảm đến hơn 446ha đất khu công nghiệp thành phần trong khu công nghiệp Đức Hòa III. Diện tích xin chuyển này cao hơn 5 lần tổng diện tích 4 khu công nghiệp vừa được cho chuyển đổi tháng 12-2018.
Trong đó, khu công nghiệp Đức Hòa III - Song Tân (diện tích hơn 391ha) xin giảm hơn 56ha, Đức Hòa III - Slico (195ha) xin giảm hơn 38ha, Đức Hòa III - Minh Ngân (141ha) xin giảm hơn 55ha và Đức Hòa III - Resco diện tích hơn 295ha thì xin "bỏ" hẳn đất công nghiệp chuyển sang đất ở.
Ngày 26-3, UBND tỉnh Long An đã có thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Được tại cuộc họp về việc giảm diện tích mà Công ty cổ phần Him Lam đề nghị.
Nội dung là UBND tỉnh đồng thuận, tham mưu Ban cán sự Đảng UBND tỉnh đề xuất Ban thường vụ Tỉnh ủy thống nhất về chủ trương này của Công ty cổ phần Him Lam. Hiện các cơ quan của tỉnh này đang hoàn thiện dự thảo tờ trình để trình Thủ tướng xem xét.
Hàng loạt các bài điều tra về "Phù phép đát công nghiệp thành ...khu dân cư" đã được đăng liên tục trên các số báo vừa qua - Ảnh: T.Đ
Sẽ rà soát
Ông Nguyễn Văn Được cũng chính là người thay mặt UBND tỉnh Long An kết luận đồng thuận với những kiến nghị giảm diện tích đất công nghiệp tại 4 khu công nghiệp Cầu Tràm, Đức Hòa I, Đức Hòa III - Việt Hóa và Đức Hòa III - Anh Hồng mà chúng tôi đã đề cập trong các kỳ trước.
Sau vài ngày, UBND tỉnh Long An ra thông báo kết luận đồng ý kiến nghị của Công ty cổ phần Him Lam xin giảm diện tích 446ha đất công nghiệp, đầu tháng 4-2016, ông Được đã chuyển sang nhận nhiệm vụ phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Long An.
Khi PV Tuổi Trẻ liên lạc qua điện thoại để hỏi rõ về chủ trương chuyển đổi, ông Được cho biết đã bàn giao công việc, chuyển qua công tác khác nên đề nghị PV chờ UBND tỉnh tập hợp, thống nhất trả lời.
Ông Nguyễn Văn Triều - trưởng Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Long An - cho biết về luật việc xin chuyển đổi căn cứ theo nghị định 82. Ngoài ra, việc xin chuyển đổi này mục đích chính vẫn là phục vụ cho nhu cầu nhà ở công nhân, người lao động nghèo, chuyên gia đang rất cấp thiết tại các khu công nghiệp.
Như vậy lý do tiếp tục xin chuyển đổi 4 khu công nghiệp lần này cơ bản giống với các khu công nghiệp đã được chuyển đổi trước đó là rất nhân văn, nghĩ về những khốn khó, chật vật của người lao động.
Sau loạt bài về phù phép đất khu công nghiệp thành đất dân cư, ông Mai Văn Nhiều - chánh văn phòng UBND tỉnh Long An - cho biết ngay khi Tuổi Trẻ
"Sau khi các sở, ngành rà soát, UBND tỉnh Long An sẽ có thông tin phản hồi chính thức về vụ việc, đồng thời có hướng xử lý các vấn đề liên quan trong thời gian tới" - ông Nhiều nói.
Đây là một cơ chế đang tạo bất cập trong đầu tư, nhiều người chỉ dùng quan hệ thân quen để lấy đất rồi bán lấy chênh lệch. Về nguyên tắc phải khuyến khích nhà đầu tư tạo lợi nhuận từ đầu tư chứ không phải tạo lợi nhuận từ đất.
GS Đặng Hùng Võ
Điều chỉnh quá dễ sẽ bị lợi dụng trục lợi
Trao đổi về nghị định 82/2018, ông Trần Quốc Trung - phó vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho biết nghị định 82 này được Chính phủ ban hành nhằm quản lý khu công nghiệp, khu kinh tế theo hướng đa dạng phát triển mô hình như: khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp liên kết ngành. Đồng thời phát triển một số mô hình mới về khu công nghiệp , đô thị, dịch vụ để phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật.
Theo ông Trung, việc phát triển mô hình kết hợp giữa khu công nghiệp, khu đô thị và các dịch vụ hỗ trợ cho phát triển khu công nghiệp nhằm giải quyết các nhu cầu cấp bách về nhà ở, nhà trẻ, trường học, siêu thị và một số tiện nghi, tiện ích cho chuyên gia, người lao động trong khu công nghiệp.
Tuy nhiên, thủ tục bổ sung, điều chỉnh quy hoạch, quy trình thủ tục đầu tư phải tuân thủ quy định pháp luật. Đặc biệt, diện tích phát triển đô thị, dịch vụ không được quá 1/3 tổng diện tích khu công nghiệp.
Với quy định mới này, nhiều chuyên gia lo ngại việc các nhà đầu tư trong tương lai sẽ "nhắm" vào phần diện tích có thể phát triển nhà ở để sinh lợi hơn là mục tiêu đầu tư hạ tầng thu hút công nghiệp.
Theo GS Đặng Hùng Võ - nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, cần xem lại việc quy hoạch khu công nghiệp hiện nay một cách kỹ càng. Tại nhiều quốc gia phát triển, việc điều chỉnh quy hoạch cực khó, trong khi ở nước ta việc điều chỉnh còn khá dễ dàng.
"Dù một số trường hợp có thể chuyển đổi được, riêng cá nhân tôi không ủng hộ việc xin phê duyệt dự án phát triển khu công nghiệp, nhưng sau đó lại xin điều chuyển thành dự án nhà ở" - GS Võ nói thêm.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, đến cuối năm 2018 cả nước có 326 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập, tổng diện tích 95.600ha. Trong đó chỉ có 251 khu công nghiệp đi vào hoạt động với diện tích hơn 66.200ha. Tỉ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động chỉ đạt 73,9%.
Trao đổi xung quanh vấn đề chuyển đổi đất công nghiệp thành khu dân cư, một đại diện Bộ Tài nguyên - Môi trường cho rằng việc chuyển đổi này được xem xét dựa trên từng trường hợp cụ thể, theo hồ sơ đề xuất và quy hoạch của từng địa phương.
Nếu cơ quan quản lý nhà nước đã không tính toán đúng nhu cầu của xã hội, buộc phải cân đối lại để tránh lãng phí nguồn lực đất đai. Tuy nhiên, nếu lợi dụng chủ trương này để trục lợi thì cần phải rà soát và xử lý triệt để.