|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Làm 'ông chủ giả' giữ vốn nhà nước khỏe hơn 'ông chủ thật' tự đầu tư

23:56 | 06/12/2016
Chia sẻ
Phát biểu tại Hội nghị Triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước, Trần Quang Nghị, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng tâm lý 'ông chủ giả' giữ vốn nhà nước khỏe hơn 'ông chủ thật' mang tiền đi đầu tư là lý do khiến quá trình cổ phần hóa chậm trễ.
lam ong chu gia giu von nha nuoc khoe hon ong chu that tu dau tu
Hội nghị Triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước. Ảnh: VGP/Quang Hiếu.

Đây là phát biểu của ông Nghị tại Hội nghị Triển khai công tác sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Nhà nước được tổ chức chiều nay (6/12) tại Hà Nội.

Cổ phần hóa chậm

Ông Nghị phân tích, tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước chậm xuất phát từ không có quyết tâm nội tại của chính những người nắm giữ vốn nhà nước còn thấp, không có quyết tâm đổi mới hội nhập thực sự, thiếu tính tự giác với Chính phủ và đất nước.

Đặc biệt, theo ông thực tế có tâm lý 'ông chủ giả' giữ vốn nhà nước khỏe hơn 'ông chủ thật' mang tiền đi đầu tư, "xài tiền của Nhà nước cũng như chủ thật". Lợi ích như vậy khiến những người đại diện vốn không xúc tiến cổ phần hóa.

"Áp lực đối với doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) chỉ dừng ở bảo toàn vốn chứ không đưa ra chỉ tiêu về cổ tức, tiền lương người lao động. Tư duy này hiện nay đã rất lạc hậu", ông Nghị nêu quan điểm.

Chia sẻ kinh nghiệm của dệt may, ông Nghị cho rằng doanh nghiệp Nhà nước, nếu cổ phần hóa từ công ty mẹ trước, công ty con sau tiến độ sẽ nhanh hơn. Tuy vậy, thoái vốn phải xác định rõ các nhà đầu tư chiến lược, tâm huyết với ngành, có thể đi đường dài với ngành không chọn nhà đầu tư lướt sóng đầu cơ.

Ngược lại với kinh nghiệm của Vinatex, Chủ tịch Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Dương Quang Thành lại cho rằng công ty mẹ năng lực kém có thể cho sắp xếp dọn dẹp tăng năng lực cho công ty mẹ rồi mới cổ phần hóa.

Cần đặc phái viên giám sát cổ phần hóa

Bên cạnh đó, để bảo đảm cao nhất lợi ích của nhà nước khi bán cổ phần, ông Nghị cũng ví von, khi bán một cái nhà, phải sửa sang cho đẹp nhất, chống thấm, chống dột, chỉnh trang để để bán được với giá cao nhất. Tuy nhiên, thực tiễn lại có doanh nghiệp khi bán lại "làm cái nhà xấu đi" để bán giá thấp cho nhóm lợi ích...

"Chính phủ hết sức lưu ý, nếu không có người giám sát kỹ thuật chặt chẽ, hợp lý dễ gây thất thoát vốn của Nhà nước khi bán cổ phần. Bán nguyên trạng hay làm mới rồi mới bạn cũng cần tính toán", ông Nghị nói.

Ông cũng chia sẻ, ở Vinatex nếu yên vị thì rất khoẻ nhưng với trách nhiệm phát triển ngành vẫn phải tiến hành thoái vốn. Tập đoàn nhận thấy sau thoái vốn, nhà nước không giữ chi phối nữa, nước ngoài tham gia vào nên phát triển rất tốt.

Vị Chủ tịch Vinatex khuyến nghị cần tạo ra áp lực cổ phần hóa. "Hô hào thôi chưa đủ, Chính phủ nên cử người xuống doanh nghiệp làm đặc phái viên như cầu nối giải quyết ách tắc sẽ giải quyết tốt tốc độ thoái vốn, cổ phần hóa". Ông cũng mong được tạo hành lang để doanh nghiệp chạy với tốc độ cao hơn nữa trong cổ phần hóa.

Tổng kết kiến nghị của các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sẽ giao trách nhiệm cho các cá nhân, doanh nghiệp phải thực hiện đúng lộ trình cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước. Các cá nhân không làm đúng trách nhiệm sẽ phải đổi khỏi vị trí công tác.

Trong quá trình sắp xếp cổ phần hóa cần đảm bảo lợi ích lớn nhất cho Nhà nước. "Cần mời nhà tư vấn có uy tín tham gia vào quá trình này. Tạo ra quy chế đột phá trong thuê tư vấn để mang lại lợi ích về thương hiệu, giá trị doanh nghiệp", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thái Hoàng