Lâm Đồng loại bỏ đầu tư dự án KCN nông nghiệp hơn 300 ha
UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có quyết định đưa Khu công nghiệp - nông nghiệp Tân Phú (huyện Đức Trọng) ra khỏi quy hoạch phát triển các khu công nghiệp và danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh.
Theo đó, UBND tỉnh này giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND huyện Đức Trọng có trách nhiệm và thực hiện các bước tiếp theo.
Giám đốc các Sở, ngành liên quan; Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp,... căn cứ quyết định thi hành kể từ ngày ký.
Trước đó, tháng 4/2021, Sở TNMT tỉnh Lâm Đồng đã có đề xuất UBND tỉnh đưa dự án Khu công nghiệp - nông nghiệp Tân Phú ra khỏi danh mục dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh.
Nguyên nhân do chi phí bồi thường, giải phòng mặt bằng rất lớn, dự kiến lên đến 1.348 tỷ đồng (tương đương khoảng 4,2 tỷ đồng/ha). Trong khi đó, theo đánh giá của một số nhà đầu tư, nông nghiệp là lĩnh vực đem lại lợi nhuận không cao, rủi ro về thị trường, thời tiết, đối tác rất lớn.
Bên cạnh đó, vị trí quy hoạch của dự án có hệ thống giao thông kết nối còn hạn chế, đường vào khu sản xuất nhỏ hẹp, hạ tầng chưa thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa về các nơi tiêu thụ,...
Theo tìm hiểu, tháng 3/2016, Khu công nghiệp - nông nghiệp Tân Phú được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận với diện tích quy hoạch 316,8 ha, thuộc ranh giới địa bàn xã Phú Hội và thị trấn Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng.
Tháng 12/2017, Sở TNMT Lâm Đồng được giao làm chủ đầu tư lập quy hoạch phân khu xây dựng Khu Công nghiệp - Nông nghiệp Tân Phú với tổng diện tích hơn 205 ha.
Theo đó, với tỷ lệ 1/5.000 và dự toán kinh phí gần 500 triệu đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh Lâm Đồng, Sở TNMT tổ chức cho CTCP Tư vấn xây dựng Thiên Nam tư vấn, lập nhiệm vụ quy hoạch.
Đến tháng 7/2019, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có quyết định phê duyệt Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng dự án trên. Phía Bắc dự án giáp thị trấn Liên Nghĩa, phía Nam và phía Đông giáp xã Phú Hội, phía Tây giáp xã Tân Hội.
Trong đó, đất công nghiệp - nông nghiệp chiếm hơn 54%; đất cây xanh, mặt nước (hơn 17%); đất giao thông (gần 9%); khu điều hành, dịch vụ (hơn 8%); khu chế biến, kho lạnh (gần 7%); công trình đầu mối, nhà ở (gần 5%).