|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kỷ luật cách chức Chủ tịch Công ty Cấp thoát nước Kiên Giang

14:00 | 11/11/2023
Chia sẻ
Ông Nguyễn Hữu Hoài Phương, Chủ tịch Công ty THNN Một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang, bị kỷ luật bằng hình thức cách chức vì để xảy ra nhiều sai phạm.

Trụ sở Công ty TNHH Một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang.

Nhiều lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang bị kỷ luật bằng hình thức cách chức và khiển trách do để xảy ra nhiều sai phạm.

Cụ thể, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành vừa ký các quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức với ông Nguyễn Hữu Hoài Phương, Chủ tịch Công ty TNHH Một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang; khiển trách 2 ông Âu Văn Tâm và Nguyễn Huỳnh Tâm (đều là Phó Giám đốc) và ông Ngô Hoàng Tuấn, kế toán trưởng Công ty TNHH Một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang.

Trước đó, Thanh tra tỉnh Kiên Giang có Thông báo kết luận thanh tra số 43/TB-TTr ngày 9/5/2023 đối với Công ty TNHH Một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang với nhiều sai phạm trong hoạt động sản xuất kinh doanh giai đoạn 2018-2022.

Thanh tra tỉnh Kiên Giang giao Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang tổ chức kiểm điểm, xử lý theo quy định của pháp luật 1 tập thể và kiểm điểm có hình thức kỷ luật 1 cá nhân; giao Công ty kiểm điểm có hình thức kỷ luật 6 cá nhân và kiểm điểm rút kinh nghiệm 12 cá nhân.

Đồng thời, Thanh tra tỉnh Kiên Giang yêu cầu thu hồi nộp ngân sách nhà nước hơn 40,2 tỷ đồng (đã nộp khắc phục hơn 38,3 tỷ đồng) và chuyển hồ sơ vụ việc sai phạm có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật.

Các nội dung sai phạm gồm: thỏa thuận mua nước sạch không báo cáo chủ sở hữu, không đảm bảo bù đắp chi phí sản xuất kinh doanh, cao hơn giá bán nước sạch của công ty khác, có dấu hiệu thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, gây thất thoát, lãng phí ngân sách Nhà nước.

Công ty tiếp tục vi phạm pháp luật về đấu thầu, có dấu hiệu thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao, gây thất thoát, lãng phí; quản lý không chặt chẽ hóa chất (PAC); xuất khống 63.820kg PAC và 150kg Clo có dấu hiệu gây thất thoát tài sản nhà nước; đề nghị chi tiền thù lao không đúng quy định, có dấu hiệu lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Kết quả thanh tra cho thấy Công ty TNHH Một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang không xây dựng kế hoạch sử dụng lao động, tuyển dụng nhiều dẫn đến dư người lao động; không xây dựng thang, bảng lương dẫn đến chi lương không đúng quy định.

Từ năm 2018-2021, Công ty không xây dựng nhiều quy định quản lý chi tiêu nội bộ dẫn đến một số khoản chi không đúng trình tự thủ tục, mua hóa chất không đúng quy định của pháp luật về đấu thầu gây lãng phí, quản lý sử dụng hóa chất không chặt chẽ để thất thoát, không cân đối nguồn vốn khi thực hiện đầu tư dẫn đến tiềm ẩn rủi ro mất cân đối tài chính.

Công ty không nộp ngân sách nhà nước nguồn thu từ dịch vụ thoát nước, hợp đồng mua nước sạch với giá cao hơn giá nước sạch của công ty khác, cao hơn giá nước bán lẻ tại một số khu vực, không báo cáo chủ sở hữu gây thất thoát, lãng phí ngân sách nhà nước, chi sai quy định tiền thù lao từ nguồn đầu tư ngoài làm giảm nguồn thu của công ty... Do đó, hầu hết chi phí tăng qua các năm từ 2018-2022, lợi nhuận sau thuế giảm liên tục từ 2018-2021, năm 2022 tăng so với năm 2021 nhưng chưa nhiều.

Đối với mua sắm, quản lý, sử dụng PAC, Công ty không chấn chỉnh sai phạm sau thanh tra trước đó, tiếp tục vi phạm pháp luật về đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, mua PAC cao hơn sản phẩm cùng loại, cùng xuất xứ Việt Nam tại cùng thời điểm, có dấu hiệu gây thất thoát, lãng phí; quản lý PAC không chặt chẽ để thất thoát 63.820kg PAC và 150kg Clo.

Đối với đầu tư tài chính dài hạn (đầu tư ngoài), Công ty nhận cổ tức bằng cổ phiếu 122.762 cổ phiếu nhưng không theo dõi số lượng cổ phiếu tăng thêm trên thuyết minh báo cáo tài chính.

Việc đầu tư vào Công ty Cổ phần Tư vấn và Cấp nước Đông Nam Á-Mekong Rạch Giá bị lỗ nhưng Công ty không trích lập dự phòng rủi ro đầu tư tài chính.

Công ty không yêu cầu người đại diện phần vốn góp báo cáo định kỳ hoặc đột xuất tình hình tài chính, kết quả kinh doanh và các nội dung khác về công ty có vốn góp của công ty nhà nước, không báo cáo chủ sở hữu để thu hồi số tiền hơn 1,9 tỷ đồng.

Công ty không nộp vào ngân sách nhà nước nguồn thu từ dịch vụ thoát nước từ tháng 7/2020 đến tháng 12/2020 số tiền hơn 37,3 tỷ đồng.

Ngoài ra, Công ty TNHH Một thành viên Cấp thoát nước Kiên Giang còn nhiều sai phạm khác trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Lê Huy Hải

Danh mục tự doanh 11 tỷ USD của các CTCK đang phân bổ như thế nào?
Giá trị tự doanh toàn ngành chứng khoán đã vượt mức 11 tỷ USD tại cuối 2024. Đa số các công ty ghi nhận FVTPL chiếm tỷ trọng lớn nhất cơ cấu mảng tự doanh. Trong khi đó, MBS, ACB chủ yếu phân bổ tại HTM, còn Vietcap, TBCS tiếp tục ghi nhận phần lớn ở khoản AFS.