Kinh tế Việt Nam năm 2024 kỳ vọng nhiều vào động lực xuất khẩu
Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6 - 6,5%. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, kịch bản GDP năm sau được đưa ra trên cơ sở tính tới các yếu tố thuận lợi, khó khăn và mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021-2025).
Về các động lực tăng trưởng kinh tế năm tới, giới chuyên gia gần đây đưa ra một số nhận định.
Thị trường xuất khẩu chủ lực có tín hiệu tích cực
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup xuất khẩu là động lực dẫn dắt tăng trưởng đầu tiên. Xuất khẩu đang có tín hiệu hồi phục rõ nét từ các thị trường chủ lực, đặc biệt là Mỹ - thị trường lớn nhất của Việt Nam. Xuất khẩu sang Mỹ tháng 10 tăng trưởng dương trở lại, cả xét theo tháng và so với cùng kỳ. Thị trường Trung Quốc và EU cũng có sự hồi phục tương tự.
Chủ tịch FiinGroup dự báo trong kịch bản lạc quan, tăng trưởng xuất khẩu năm 2024 có thể đạt 8 - 10%.
Đồng quan điểm, nhóm phân tích Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sẽ tăng khoảng 8% trong năm tới, cải thiện từ mức giảm 4,5% (dự kiến) vào năm 2023. Sản xuất và xuất khẩu sẽ đẩy nhanh quá trình phục hồi trong năm tới từ mức nền thấp của năm 2023 nhờ đơn đặt hàng bên ngoài tăng trong bối cảnh lạm phát và tồn kho giảm ở các thị trường phát triển.
Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright nêu quan điểm nếu như kinh tế toàn cầu trong đó có Mỹ hạ cánh mềm, Việt Nam có thể phục hồi xuất khẩu sang thị trường này. Ngoài ra, động lực xuất khẩu năm 2024 sẽ rất rõ ràng nếu kinh tế Trung Quốc không diễn biến quá xấu. Tuy nhiên ông cho rằng tăng trưởng toàn cầu vẫn còn nhiều bất trắc, do đó dự báo xuất khẩu năm 2024 của Việt Nam sẽ trong khoảng 5 - 7%.
Hồi cuối tháng 10, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố số liệu cho thấy GDP nền kinh tế lớn nhì thế giới tăng 4,9% quý III so với năm ngoái. Trước đó, tăng trưởng đạt 4,6% quý I và 6,3% quý II.
Sản lượng công nghiệp tháng 9 tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh số bán lẻ tăng 5,5%. Đầu tư vào tài sản cố định chỉ tăng 3,1% trong 9 tháng đầu năm, thấp hơn dự báo. Đầu tư vào bất động sản giảm 9,1%.
Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc nhận định đà hồi phục kinh tế đã rõ rệt hơn trong quý III. Cơ quan này dự báo nếu tăng trưởng quý IV trên 4,4%, Trung Quốc có thể đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm.
Dù vậy, giới phân tích cho rằng lĩnh vực bất động sản vẫn có thể kéo tụt kinh tế Trung Quốc năm nay. Địa ốc hiện đóng góp 25% GDP nước này.
Xuất khẩu hồi phục kỳ vọng tạo cú hích cho tiêu dùng
Từ việc xuất khẩu phục hồi, đơn hàng quay trở lại khiến cho lao động khu công nghiệp nhộn nhịp hơn và tạo cú hích cho tiêu dùng.
Hiện nhu cầu trong nước đang phục hồi khá chậm. Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 10 tăng 1,6% so với tháng trước lên 536.326 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 tăng 7%, giảm so với mức tăng trưởng 8,2% của tháng trước.
Tính từ đầu năm, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 9,4%.
Nếu loại trừ yếu tố giá, chỉ số này tăng 6,9% so với cùng kỳ, thấp hơn mức tăng trưởng bình quân 8,5% trong giai đoạn 2016 - 2019 (trước COVID-19). Việc giảm giờ làm, thậm chí mất việc do đơn hàng sản xuất sụt giảm trong nửa đầu năm nay là nguyên nhân chính làm chậm quá trình phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, nếu Quốc hội thông qua việc giảm thuế VAT 2% cũng là cú hích tiếp theo cho 6 tháng đầu năm 2024. Ở Việt Nam, những chính sách cho từng đối tượng sẽ khó giải ngân nhưng giảm thuế sẽ mang lại hiệu quả rất tốt.
Tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, một số đại biểu Quốc hội đề nghị giảm 2% thuế VAT trong cả năm sau và áp dụng với tất cả mặt hàng để phát huy hiệu quả chính sách rõ rệt hơn.
Động lực tiếp theo đến từ đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư vốn FDI đăng ký tăng 50,2% so với cùng kỳ, đạt gần 5,6 tỷ USD trong tháng 10, ghi nhận vốn đăng ký trong một tháng cao nhất kể từ tháng 1/2020. Vốn FDI thực hiện tăng 4,5% so với cùng kỳ đạt 2,1 tỷ USD.
Tháng 10 cũng chứng kiến nhiều dự án FDI nổi bật như dự án Tổ hợp công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar Hải Hà với quy mô 1,5 tỷ USD; dự án Nhà máy Lite-on Quảng Ninh trị giá gần 700 triệu USD.
Theo VNDirect, nhận định nhu cầu phục hồi tại các thị trường phát triển trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và hàng tồn kho giảm, nhiều doanh nghiệp FDI đang lên kế hoạch thành lập dự án mới và mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến sự chuyển biến tích cực của dòng vốn FDI trong những tháng qua. Ngoài ra, với lợi thế lớn về trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, Việt Nam cũng đang tích cực thu hút dòng vốn FDI để phát triển ngành bán dẫn.
Dòng vốn FDI tăng kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình phục hồi của nền kinh tế Việt Nam. Năm 2022, vốn FDI giải ngân vào Việt Nam đạt mức cao kỷ lục 22,4 tỷ USD, tương đương 5,6% GDP danh nghĩa. Nhìn vào các đối thủ của Việt Nam trong việc thu hút FDI, vốn FDI giải ngân/GDP danh nghĩa của Indonesia và Malaysia lần lượt là 3,5% và 9%.
Động lực thứ 4 đến từ đầu tư công. Ông Nguyễn Xuân Thành cho hay tác động của vốn đầu tư công luôn có độ trễ khoảng 5 tháng. Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công năm nay đã cao hơn năm ngoái và do độ trễ của đầu tư công nên con số 32 tỷ USD sẽ tác động đến kinh tế vào cuối năm nay, đầu năm sau.
Sắp tới, Quốc hội sẽ phê duyệt ngân sách năm 2024. Năm sau sẽ không có chương trình phục hồi và phát triển kinh tế nên quy mô đầu tư công sẽ thấp đi, chỉ còn khoảng 29 tỷ USD. Tuy nhiên đây vẫn là một con số lớn.