|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế Đức đối mặt với nguy cơ suy thoái trong tương lai gần

07:10 | 10/03/2020
Chia sẻ
Do những tác động tới từ thị trường Trung Quốc và sự bất ổn từ vấn đề Brexit, nền kinh tế Đức đang phải đối mặt với nguy cơ suy thoái trong tương lai gần.
Kinh tế Đức đối mặt với nguy cơ suy thoái trong tương lai gần - Ảnh 1.

Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: CoinDesk)

Theo báo cáo công bố ngày 9/3 của Cơ quan Thống kê Liên bang Đức (Destatis), kim ngạch xuất khẩu của Đức sang thị trường Trung Quốc trong tháng 1/2020 đã giảm 6,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Destatis cho rằng sự sụt giảm này có thể không liên quan tới dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nhân tố được xem là có thể đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu vào suy thoái.

Các nhà sản xuất Đức vốn phụ thuộc vào cả chuỗi cung ứng và nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này. Các nhà kinh tế dự báo dịch COVID-19 sẽ tác động tới các dữ liệu kinh tế Đức từ tháng Hai và khiến nền kinh tế rơi vào tình trạng suy giảm trong quý đầu tiên.

Ngành công nghiệp Đức đã suy giảm trong sáu quý liên tiếp trước khi dịch COVID-19 bùng phát vào đầu năm nay, chịu áp lực bởi các cuộc xung đột thương mại toàn cầu và tình hình bất ổn do vấn đề Brexit (chỉ việc nước Anh rời khỏi Liên minh châu Âu).

Ralph Solveen, chuyên gia kinh tế của ngân hàng Commerzbank, cho biết ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy lĩnh vực dịch vụ, vốn được coi là góp phần giữ ổn định kinh tế của Đức, cũng đang gặp khó khăn hơn. Do vậy, ngân hàng này dự báo kinh tế Đức sẽ suy giảm nhẹ trong quý I/2020, sau khi "án binh bất động" trong quý IV/2019.

Hiệp hội doanh nghiệp Đức BDI hồi cuối tuần trước cho biết, kinh tế nước này đang hướng tới đợt suy thoái dài nhất kể từ khi hai miền Đông-Tây thống nhất vào năm 1990, giữa bối cảnh dịch COVID-19 khiến hoạt động thương mại toàn cầu bị gián đoạn.

Các doanh nghiệp trong nước bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi dịch bệnh, bao gồm các khách sạn và công ty vận tải. Một số hội chợ thương mại quốc tế tại Đức đã bị hủy bỏ, bao gồm Hội chợ Du lịch ITB.

Chính phủ Đức ngày 8/3 đã cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi nhu cầu sụt giảm do dịch COVID-19. Bộ trưởng Y tế Đức kêu gọi tạm dừng tổ chức các sự kiện lớn nơi công cộng với hy vọng giảm bớt áp lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe.

Báo cáo của Destatis cũng cho biết, giá trị nhập khẩu của Đức từ Trung Quốc chỉ giảm 0,5% trong tháng Một. Trong khi đó, nếu so với tháng 12/2019, tổng giá trị xuất khẩu của Đức không có biến động, còn giá trị nhập khẩu tăng 0,5%.

Dữ liệu khác được công bố cùng ngày cho thấy, sản lượng công nghiệp của Đức trong tháng 1/2020 tăng 3% so với cùng kỳ năm 2019, vượt mức dự báo tăng 1,7% do các chuyên gia phân tích của Reuters đưa ra trước đó.

Sau Italy và Pháp, Đức có số ca mắc COVID-19 lớn nhất ở châu Âu và mối quan ngại về hậu quả kinh tế và sức khỏe cộng đồng mà dịch bệnh gây ra đang gia tăng, đe dọa trở thành đại dịch toàn cầu.