|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Kinh tế 2023, dự báo 2024: Doanh nghiệp liên kết vùng, khai thác thị trường nội địa

23:30 | 20/12/2023
Chia sẻ
Năm 2023 đang khép lại, cũng đồng thời mở ra một năm mới 2024 với nhiều thách thức lẫn cơ hội cho nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành công thương nói riêng.

Doanh nghiệp Việt Nam may hàng xuất khẩu. Ảnh: Trần Việt – TTXVN

Trong đó, các giải pháp kích cầu tiêu dùng nội địa trong thời gian tới không thiếu, nhưng làm thế nào để triển khai hiệu quả và thiết thực cũng đặt cho cho ngành công thương các địa phương bài toán khó.

Cụ thể, liên quan đến thị trường nội địa, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, trước khó khăn chung của thị trường xuất khẩu, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh đã đồng hành cùng hiệp hội, doanh nghiệp khai thác mạnh thị trường nội địa với giải pháp liên kết vùng, phát triển sản phẩm địa phương.

Ngành công thương thành phố cùng lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh chủ động xúc tiến, liên kết với các tỉnh, thành về kinh tế, thương mại, du lịch... nhằm khai thác hiệu quả sân nhà, cũng như đưa ra những giải pháp kích cầu phù hợp với diễn biến mới trên thị trường.

Đặc biệt, Tp. Hồ Chí Minh "bắt tay" các địa phương tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp tiếp xúc trực tiếp, nhằm tiến đến hợp tác, đầu tư và phát triển thương mại, dịch vụ bền vững với một số phương thức đo lường cụ thể bằng số liệu. Tp. Hồ Chí Minh cũng là một trong những địa phương tận dụng hiệu quả cơ chế chính sách nhà nước, nhất là nguồn vốn như chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp; tháng khuyến mãi tập trung tạo làn sóng giảm giá sâu kích thích tiêu dùng; hội chợ hàng Việt Nam xuất khẩu...

Ghi nhận ý kiến đại diện ngành công thương một số tỉnh, thành khác cũng chỉ ra rằng, giải pháp giữ vững thị trường nội địa luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Cùng đó, các địa phương thực hiện bình ổn thị trường gắn với nhưng phương án dự trữ hàng hóa thiết yếu; phát triển mạnh thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến…

Sở công thương nhiều địa phương cũng bám sát thị trường và không ngừng nỗ lực kiểm soát chặt chẽ thị trường, chống hàng giả, hàng nhái và không để khan hàng tăng giá. Cụ thể, ngành công thương một số tỉnh, thành cam kết, thực hiện hiệu quả giải pháp kiểm soát giá cả, thị trường; phấn đấu chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%; công khai, minh bạch trong điều hành hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu (xăng dầu, gạo…).

Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội cho hay, nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất công nghiệp, thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024, ngay từ quý IV/2023, Sở Công Thương thành phố Hà Nội đã chủ động tham mưu, trình UBND ban hành 28 chương trình, kế hoạch để tập trung triển khai ngay.

Du khách tham quan gian trưng bày sản phẩm gốm trong khuôn khổ Triển lãm các sản phẩm OCOP, thủ công mỹ nghệ và làng nghề xã Bát Tràng, Gia Lâm năm 2023. Ảnh: Phương Anh-TTXVN

Riêng về thương mại, dịch vụ, Sở Công Thương thành phố Hà Nội thực hiện đa dạng giải pháp tăng sức mua của thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", phát triển thêm các điểm giới thiệu về sản phẩm OCOP, phát triển các mô hình kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố...

Còn ông Hà Vũ Sơn, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ cho biết, trong lĩnh vực thương mại, sau chuyến công du của Thủ tướng Chính phủ đi Nhật Bản, một số tập đoàn Nhật Bản sẽ đầu tư vào Cần Thơ như đại siêu thị AEON Mall với tổng vốn 253 triệu USD.

Ngoài ra, với vị trí là trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ tiếp tục tạo mọi điều kiện đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp, kết nối với các tỉnh thành như Tp. Hồ Chí Minh trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Mặt khác, Cần Thơ đã và đang đẩy mạnh thương mại, dịch vụ với hạ tầng kết nối giao thông tuyến cao tốc từ Châu Đốc tới cảng Trần Đề được ưu tiên phát triển…

Thị trường nội địa Việt Nam không chỉ được doanh nghiệp trong nước, mà ngay cả doanh nghiệp ngoại cũng đánh giá cao về tiềm năng và còn nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới. Khi nhu cầu tiêu dùng dịch chuyển thì cộng đồng doanh nghiệp lẫn đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng phải thích ứng với sự thay đổi này, nhưng vấn đề đặt ra là làm sao kích hoạt thương mại, dịch vụ trên thị trường tiêu dùng nội địa mới có thể hỗ trợ cho sản xuất trong nước.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Chính sách (VEPR) phân tích, thương mại, dịch vụ hướng tới tiêu dùng nội địa là bệ đỡ rất quan trọng cho năm 2024 và từ đây sẽ lan tỏa cho các ngành sản xuất, nhất là sản xuất hàng Việt. Đồng thời, kích cầu tăng trưởng lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng tạo sức lan tỏa cho tất cả ngành nghề khác.

Nhìn lại năm 2023, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt cho rằng, Việt Nam vượt qua được vòng xoáy của nhiều cơn gió ngược đến từ kinh tế toàn cầu và các khó khăn trong nước. Trong động lực quyết định tăng trưởng năm 2023 và 2024 thì cầu tiêu dùng vẫn là đóng góp chính cho tăng trưởng, cùng với sự lan tỏa của các gói đầu tư công, các gói kích cầu, xuất khẩu…

Trong báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa xuất bản cũng cho thấy, khi tham gia vào nấc thang cao hơn của chuỗi sản xuất, phần giá trị gia tăng của Việt Nam rất thấp. Hay ở lĩnh vực sản xuất, thương mại, các doanh nghiệp chúng ta còn nhỏ bé và thường trực nguy cơ bịt thâu tóm bởi những nhà đầu tư nước ngoài.

Chính vì vậy, bên cạnh giải pháp kích cầu truyền thống thì cần có nhiều hơn những cơ chế chính sách tiêu dùng mang tính bền vững. Trong giai đoạn tới, kích cầu tiêu dùng nội địa phải gắn với tiêu chí mới về tăng trưởng xanh, giảm thiểu carbon…

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương, hiện tại đã có nhiều văn bản của Đảng, Quốc hội đã đưa ra những giải pháp, nhiệm vụ cụ thể cho phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, nhất là mục tiêu tăng trưởng 6%-6,5% nhận được sự quan tâm của cộng đồng xã hội trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, trước bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường với các dự báo của một số tổ chức kinh tế quốc tế về kinh tế toàn cầu và đối tác lớn của Việt Nam có xu hướng giảm.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2024, thì phải tạo động lực tăng trưởng, gồm: Đầu tư công, xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển; thúc đẩy nhiều hơn nữa đầu tư từ doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, việc thúc đẩy phát triển các vùng kinh tế, các vùng động lực, các địa phương mới nổi song hành cùng Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh là động lực tăng trưởng vô cùng quan trọng.

Mỹ Phương