Kiên Giang dự kiến thu hút 6 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 4.300 tỷ đồng
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu thu hút đầu tư 6 dự án với quy mô 69 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 4.300 tỷ đồng; giải ngân vốn ngoài ngân sách thực hiện các dự án khoảng 24.000 tỷ đồng.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành nhấn mạnh, tỉnh tập trung hoàn thành quy hoạch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Chính phủ phê duyệt và công bố quy hoạch theo quy định. Tỉnh rà soát, cập nhật, bổ sung danh mục các dự án kêu gọi đầu tư vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 để làm cơ sở đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, cấp mới quyết đinh chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Tỉnh thực hiện các chính sách ưu đãi thu hút, kêu gọi đầu tư theo quy định của pháp luật và đồng hành cùng với nhà đầu tư.
Tiếp đến, các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát các dự án đầu tư ngoài ngân sách gắn với việc đôn đốc nhà đầu tư sớm khởi công thực hiện các dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư, giao đất, cấp phép xây dựng và đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án đang thực hiện.
Tỉnh cũng kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án do Nhà nước thu hồi đất, đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng giao đất cho nhà đầu tư để sớm triển khai các dự án còn chậm tiến độ, nhất là các dự án trên địa bàn thành phố Phú Quốc.
Ngoài ra, đối với trường hợp nhà đầu tư không có năng lực thực hiện hoặc chậm và kéo dài thời gian triển khai, "treo dự án" thì tỉnh kiên quyết thu hồi chủ trương của dự án theo quy định. Được biết, đến cuối năm 2022, tỉnh đã thu hồi 294 dự án, với quy mô tổng diện tích hơn 11.866 ha.
Năm 2022, tỉnh Kiên Giang cấp mới 9 quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng diện tích hơn 131 ha và tổng vốn đăng ký đầu tư trên 8.380 tỷ đồng, so với năm 2021, giảm 8 dự án và tổng vốn đăng ký đầu tư tăng hơn 5.333 tỷ đồng.
Theo đó, tỉnh đã thu hút đến nay 775 dự án trên các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, công nghiệp, giao thông, đô thị, khu dân cư, thương mại, môi trường…, khoảng 32.510 ha, tổng vốn đăng ký đầu tư trên 606.897 tỷ đồng.
Theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên lĩnh vực thu hút đầu tư, Kiên Giang là tỉnh đứng thứ 3 trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, chỉ sau tỉnh Long An và thành phố Cần Thơ. Trong năm 2022, tỉnh đã huy động được các nguồn lực đầu tư từ các tập đoàn kinh tế lớn, công ty lớn có năng lực, kinh nghiệm tham gia đầu tư như Vin Group, Sun Group, BIM Group, CEO Group, Phú Cường Group, CIC Group…, với nhiều dự án có quy mô lớn đã và đang đi vào hoạt động khai thác, tổng nguồn vốn giải ngân hơn 21.425 tỷ đồng, góp phần tăng nguồn thu ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh.
Tuy nhiên, thu hút đầu tư và triển khai thực hiện dự án ở Kiên Giang chưa đáp ứng nhu cầu đầu tư và khai thác tiềm năng, lợi thế của tỉnh, còn nhiều hạn chế, khó khăn vướng mắc.
Lãnh đạo tỉnh Kiên Giang chỉ rõ, giải quyết thủ tục hành chính, phối hợp giữa các sở, ngành và địa phương trong hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư, nhất là việc thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư sau khi được cấp quyết định chủ trương đầu tư còn chậm, mất nhiều thời gian, qua nhiều khâu… đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án và số lượng dự án khởi công xây dựng mới. Cụ thể các thủ tục về đất đai như xác định giá đất, giao đất thực địa, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…; thủ tục về xây dựng như lập quy hoạch chi tiết 1/500, thiết kế cơ sở, phòng cháy chữa cháy, cấp giấy phép xây dựng, đánh giá tác động môi trường…
Mặt khác, một số dự án đầu tư, theo quy định không phải Nhà nước thu hồi đất mà nhà đầu tư tự thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án còn gặp nhiều khó khăn do một số hộ dân không thống nhất dẫn đến không thể lập hồ sơ đề xuất dự án để trình cấp quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Một số dự án trước đây đã cấp quyết định chủ trương đầu tư nhưng chưa thỏa thuận đất với người dân nên thời gian thực hiện dự án kéo dài, không hoàn thành đưa vào sử dụng theo đúng tiến độ cam kết.
Ngoài ra, thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn nên việc bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư chậm, kéo dài, nhất là những dự án đầu tư do Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn hai thành phố Rạch Giá và Phú Quốc. Một số dự án phải thực hiện điều chỉnh tiến độ dự án nhiều lần, kéo dài thời gian thực hiện dự án.