Khuất tất thương vụ 165 tỷ đồng ở Sân gôn Đại Lải: Bài 3 - Phù phép đất đai và những sai phạm cần phải được làm rõ
Sai phạm gần 3 năm chưa giải quyết xong
Theo tài liệu NNVN thu thập, ngay từ thời điểm ký hợp đồng chuyển nhượng, tài sản trên đất và diện tích đất chuyển nhượng đã không rõ ràng, các bên tham gia chuyển nhượng đã bỏ qua nhiều quy định của pháp luật, sau đó, quá trình hoạt động các DN tiếp tục có những hành vi vi phạm, làm trái quy định Nhà nước, nhưng chính việc cơ quan chức năng ở Vĩnh Phúc không xử lý triệt để đã khiến vấn đề càng ngày thêm phức tạp.
Trước hết là các sai phạm về đất đai trong vụ mua bán chuyển nhượng giống như một “cuộc chơi” của các đại gia.
Sân gôn Đại Lải vẫn tiếp tục hoạt động sau hàng loạt những vi phạm kéo dài
Hợp đồng mua bán tài sản ngày 3/11/2016 được ký bởi ông Lý Trung Phòng - Tổng Giám đốc Cty TNHH Đại Lải (Việt Nam) và ông Nguyễn Hữu Thanh – Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Sân gôn Đại Lải. Ông Thanh vốn được biết đến là Tổng giám đốc Cty TNHH Thương mại và Xây dựng Thanh Giang, một “đại gia” có tiếng ở tỉnh Tuyên Quang. Tuy nhiên, sau thời điểm thực hiện xong thương vụ mua bán một thời gian, chức Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Sân gôn Đại Lải đã rơi vào tay ông Chu Văn Lý – Chủ tịch HĐQT Cty Cổ phần Thủy điện Sông Miện 5 (Hà Giang).Sau khi được UBND tỉnh Vĩnh Phúc chấp thuận triển khai Dự án đầu tư xây dựng sân gôn và tổ hợp văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ mát và du lịch Hà Nội thì Cty TNHH Đại Lải (Việt Nam) đã tách thành 2 dự án Tổ hợp sân gôn Ngôi sao Đại Lải và Dự án Khu nhà ở và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải và sau đó bán dự án Tổ hợp sân gôn Ngôi sao Đại Lải. Việc Cty TNHH Đại Lải (Việt Nam) bán sân gôn Ngôi sao Đại Lải diễn ra sau khi ông Đoàn Văn An, cựu sếp lớn Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GP Bank), người nắm giữ phần lớn cổ phần ở Sân gôn Đại Lải đồng thời là Chủ tịch HĐQT Sân gôn Ngôi sao Chí Linh (Hải Dương) bị bắt.
Căn cứ vào hợp đồng mua bán, hai bên đồng ý chuyển nhượng “Tổ hợp sân gôn Ngôi sao Đại Lải” nằm trong dự án “Đầu tư xây dựng sân gôn và tổ hợp văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí, nghỉ mát và du lịch Hà Nội” chủ yếu là tài sản trên diện tích đất 142,011ha. Thực chất, diện tích đất này nằm trong tổng số hơn 349ha mà Cty TNHH Đại Lải (Việt Nam) được UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao, cho thuê để thực hiện tổ hợp dự án và doanh nghiệp này đã tách làm 2 sau khi được chấp thuận. Theo quy định của pháp luật, để đảm bảo việc chuyển nhượng đúng quy định Cty TNHH Đại Lải (Việt Nam) và Cty Cổ phần Sân gôn Đại Lải phải làm thủ tục để UBND tỉnh Vĩnh Phúc tiến hành thu hồi phần diện tích đất trong hợp đồng chuyển nhượng và thực hiện thủ tục giao, cho thuê đất đối với Cty Cổ phần Sân gôn Đại Lải. Tuy nhiên, suốt từ thời điểm vụ mua bán diễn ra đến nay, thủ tục, quy định này đã không được thực hiện. UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ biết về vụ mua bán khi Cty TNHH Đại Lải (Việt Nam) làm thủ tục xin điều chỉnh dự án.
Về vấn đề này, Sở Tài nguyên Môi trường Vĩnh Phúc cho rằng, theo Nghị định của Chính phủ năm 2017 bổ sung Luật Đất đai: Trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm mà chủ đầu tư được phép bán, Nhà nước sẽ thu hồi đất của người bán tài sản gắn liền với đất thuê để cho người mua tài sản thuê.
Người dân xã Ngọc Thanh đề nghị làm rõ những vi phạm ở Sân gôn Đại Lải
Sai phạm một đằng xử lý một nẻo
Trớ trêu thay, 2 DN mua bán chuyển nhượng từ tháng 11/2016, nhưng năm 2017 mới phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 tổ hợp sân gôn Ngôi sao Đại Lải và vẫn tiếp tục ký hợp đồng thuê đất với Cty TNHH Đại Lải Việt Nam. Mới đây nhất, tháng 3/2019, diện tích thuê đất của Cty TNHH Đại Lải (Việt Nam) vẫn được ký 1.933.500m2, như chưa hề có vụ mua bán 165 tỷ đồng diễn ra.
Cũng chính vì việc UBND tỉnh Vĩnh Phúc bị “qua mặt” nên những vấn đề sai phạm nảy sinh của các doanh nghiệp đẩy cơ quan chức năng tỉnh này vào thế bí, sai phạm một đằng xử lý một nẻo.
Sau khi hoàn thành việc mua bán, Cty Cổ phần Sân gôn Đại Lải đã tiếp tục triển khai xây dựng các hạng mục sân gôn 9 lỗ và 1 nhà khách kết hợp nhà ở cho cán bộ công nhân viên trái quy định của pháp luật.
Theo tài liệu điều tra, việc vi phạm xây dựng trên diện tích hàng chục ha này vốn xảy ra từ thời điểm 2 DN chưa triển khai việc mua bán. Cty TNHH Đại Lải (Việt Nam) đã xây xong phần thô 6 hố gôn nhưng không hề bị cơ quan có thẩm quyền ở Vĩnh Phúc xử lý. Đến khi vụ chuyển nhượng hoàn thành, Cty Cổ phần Sân gôn Đại Lải tiếp tục xây dựng, hoàn thành và đưa vào sử dụng 9 hố gôn, người dân liên tục phản ánh thì chính quyền mới vào cuộc kiểm tra.
Tuy nhiên, trong các quyết định xử phạt hành vi vi phạm này, các cơ quan chức năng ở Vĩnh Phúc vẫn xác định chủ thể vi phạm là Cty TNHH Đại Lải (Việt Nam), đồng thời, trong các biên bản kiểm tra, làm việc về những hành vi vi phạm pháp luật ở tổ hợp dự án này, cơ quan chức năng ở tỉnh này vẫn mơ hồ trong việc qui trách nhiệm tổ chức vi phạm. Cụ thể, đối với 2 hạng mục vi phạm nêu trên, khi phát hiện Cty Cổ phần Sân gôn Đại Lải thực hiện việc xây dựng trái quy định, Cty TNHH Đại Lải (Việt Nam) đã nhiều lần có văn bản yêu cầu dừng thi công, nếu trong trường hợp Cty Cổ phần Sân gôn Đại Lải vẫn tiếp tục thi công thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tuy nhiên, cả 2 lần kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Phúc lại xử phạt Cty TNHH Đại Lải (Việt Nam) số tiền 70 triệu đồng.
Xin nhắc lại, đến thời điểm này, vụ mua bán có trị giá 165 tỷ đồng giữa 2 DN trên đã được thực hiện gần 3 năm.
Người dân xã Ngọc Thanh tố cáo sân gôn Đại Lải đầu độc môi trường.
Bức xúc nhất là những hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường. Suốt bao nhiêu năm qua người dân xã Ngọc Thanh phản ánh khắp các cơ quan chức năng về việc sân gôn ngày đêm đầu độc cuộc sống của họ. Từ UBND xã Ngọc Thanh đến Phòng Tài nguyên Môi trường Phúc Yên, Cơ quan An ninh điều tra Vĩnh Phúc, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường Vĩnh Phúc... đều có ý kiến yêu cầu làm rõ trách nhiệm đối với vấn đề môi trường để trả lời người dân, cả những kiến nghị nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý và đề xuất dừng dự án...Chưa hết, mới đây nhất, kết quả đo đạc đối chiếu với quy hoạch chi tiết, Sở Tài nguyên Môi trường Vĩnh Phúc xác định việc xây dựng sân gôn 9 lỗ là của Cty Cổ phần Sân gôn Đại Lải đã lấn vào 21.586,2m2 khu đất thương phẩm thuộc khu nhà ở sinh thái và biệt thự nghỉ dưỡng Đại Lải mà Cty TNHH Đại Lải (Việt Nam) có trách nhiệm phải làm hạ tầng để trả cho UBND tỉnh Vĩnh Phúc bán đấu giá. Không biết với thực tế đang diễn ra suốt gần 3 năm qua, cơ quan chức năng Vĩnh Phúc sẽ xử lý ai đối với vi phạm này?
Thế nhưng, về hồ sơ pháp lý liên quan đến lĩnh vực môi trường và tài nguyên nước, các cơ quan chức năng ở Vĩnh Phúc đã xác định, đến thời điểm này Cty Cổ phần Sân gôn Đại Lải vẫn đang sử dụng hồ sơ pháp lý của dự án xây dựng sân gôn và tổ hợp văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí, nghỉ mát và du lịch được phê duyệt cho Cty TNHH Đại Lải (Việt Nam).
Mới đây nhất, hàng loạt vi phạm về lĩnh vực môi trường bị phát hiện trong dự án Sân gôn Đại Lải. Ngoài việc có thời điểm không thực hiện quan trắc môi trường không khí, bụi, tiếng ồn, không thực hiện quan trắc chất lượng nước ngầm, nước mặt, đất... Đoàn Thanh tra Sở Tài nguyên – Môi trường Vĩnh Phúc đã phối hợp với Cơ quan an ninh điều tra Công an Vĩnh Phúc, UBND xã Ngọc Thanh và Viện Công nghệ Môi trường lấy mẫu nước trong sân gôn kiểm tra và phát hiện các mẫu nước có thông số vượt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về nước thải sinh hoạt.
Với vai trò chứng kiến và tham gia phối hợp với Đoàn Thanh tra, Đại diện Cơ quan An ninh điều tra tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị đoàn thanh tra xem xét, chuyển hồ sơ sang Cơ quan điều tra khi xem xét thấy có dấu hiệu vi phạm hình sự theo quy định. Đồng thời đại diện cơ quan này cũng đề nghị Sở Tài nguyên Môi trường Vĩnh Phúc, sau khi kiểm tra, phát hiện các sai phạm, có biện pháp xử lý và dừng hoạt động sân gôn cho đến khi hoàn thành việc khắc phục các sai phạm.
Nhưng xử lý ai, khi mà gần 3 năm qua, cơ quan chức năng Vĩnh Phúc đã bị doanh nghiệp “qua mặt” nhiều lần?
Song song với việc kiện Cty Cổ phần Sân gôn Đại Lải ra tòa, Cty TNHH Đại Lải (Việt Nam) cũng đã có đơn gửi tòa án yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với ông Nguyễn Tuấn Khang, người đại diện pháp luật Văn phòng Công chứng Phú An, tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo đại diện Cty TNHH Đại Lải (Việt Nam), Văn phòng Phú An đã công chứng hợp đồng chuyển nhượng khi chưa đủ căn cứ hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật.