Khu nghỉ dưỡng 'chui' trong rừng phòng hộ
Đường vào khu nghỉ dưỡng "chui"
Dân phản ánh, chính quyền mới biết
Rừng phòng hộ Trà Lý được xem là một trong những khu rừng quan trọng góp phần cân bằng hệ sinh thái trên địa bàn Quảng Nam. Thế nhưng một khu nghỉ dưỡng rộng lớn lại được dựng lên ngay bên trong rừng phòng hộ này.
Bên ngoài, khu nghỉ dưỡng được bao bọc bởi hàng rào thép lưới B40 và trước cổng có chốt bảo vệ, có hẳn tấm bảng ghi: “Gia tư riêng, vui lòng không tham quan”. Cạnh đó là một xưởng gỗ phục vụ việc xây các nhà gỗ trong khu nghỉ dưỡng.
Bên trong, nhiều hạng mục công trình đã dựng lên gồm nhiều nhà gỗ kiên cố, 2 sàn bê tông với nhiều trụ lớn, các con đường nội bộ bằng bê tông, sân vườn, tiểu cảnh, hồ cá... cùng nhiều thảm gỗ lớn. Theo một người dân ở thôn Chánh Lộc (xã Duy Sơn), công trình này khởi động từ đầu tháng 10.2018, với diện tích khoảng 2,9 ha. Người xây dựng và chủ sở hữu là Đinh Văn Thơ, một nhà thiết kế ở TP.HCM.
“Khu nghỉ dưỡng xây dựng “chui”, dù nằm trong rừng phòng hộ nhưng họ vẫn đổ bê tông kiên cố. Chính quyền không hề hay biết, khi dân phản ánh thì mới lên kiểm tra”, người dân này nói.
Điều đáng nói, công trình chưa được phê duyệt dự án, chưa có giấy phép xây dựng và đã bị đình chỉ, nhưng theo ghi nhận của PV Thanh Niên ngày 26.2, hàng chục công nhân vẫn đang xây dựng các công trình phụ.
Sàn và trụ bê tông được xây dựng trong khu nghỉ dưỡng ẢNH: MẠNH CƯỜNG
Xây dựng trước, xin phép sau
|
Một phụ nữ xưng tên Oanh, trực tiếp quản lý khu nghỉ dưỡng, cho hay việc xây dựng là để cải tạo mặt bằng, trồng cây trái, trồng sen đồng thời tu bổ dòng suối và những tài nguyên tồn sót nhằm mục đích bảo tồn. Thừa nhận việc xây dựng 2 sàn bê tông là sai, nhưng bà Oanh cũng nêu mục đích chính là để... bảo vệ lớp gỗ trên mặt hồ. “Việc xây dựng một phần do chính quyền ở đây không chỉ dẫn rõ ràng. Hiện tại chúng tôi đang làm giấy phép, trước mắt sẽ làm khu nghỉ dưỡng cho gia đình. Khi nào có giấy phép sẽ tính đến việc xây dựng một khu du lịch sinh thái để kinh doanh”, bà Oanh nói.
Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Ngô Phi Thâm, Chủ tịch UBND xã Duy Sơn, cho biết trước đây cả vùng khoảng 1.000 ha là rừng sản xuất. Đến năm 2017, nhà nước đưa toàn bộ vào thành rừng phòng hộ. Trong 1.000 ha, có 3 hộ có "bìa đỏ" và anh Ngô Phi Nhị (Bí thư Đoàn xã Duy Sơn) đã làm việc với các hộ này để xin chuyển nhượng 2,9 ha. Sau đó, anh Nhị phối hợp với ông Đinh Văn Thơ để cải tạo, trồng cây, trồng rau, sửa chữa lán trại nghỉ ngơi.
Tuy nhiên, sau khi người dân phản ánh, địa phương lập đoàn kiểm tra hiện trạng và phát hiện có tình trạng máy móc, thiết bị được đưa vào để cải tạo một số khu vực, đổ trụ bê tông dưới ao sen. UBND xã đã lập biên bản đình chỉ, yêu cầu ngưng ngay mọi hoạt động làm ảnh hưởng đến chức năng rừng phòng hộ, đồng thời báo cáo sự việc lên huyện.
“Việc làm của anh Nhị như vậy là sai. Địa phương cũng đã nhắc nhở, kiểm điểm đối với anh Nhị”, ông Thâm nói.