|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Khu kinh tế Nghi Sơn được mở rộng gấp 6 lần, nằm trên địa bàn 3 huyện Thanh Hóa

23:58 | 09/01/2019
Chia sẻ
Khu Kinh tế Nghi Sơn sau khi được điều chỉnh mở rộng có tổng diện tích 106.000 ha, trong đó có 66.497 ha đất liền, hải đảo; 39.502 ha mặt nước biển, bao gồm toàn bộ huyện Tĩnh Gia và 6 xã của 2 huyện Nông Cống và Như Thanh.

Ngày 9/1, tại huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), Bộ Xây dựng phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa đã công bố Điều chỉnh, mở rộng quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050.

Năm 2006, Khu kinh tế Nghi Sơn được thành lập với diện tích hơn 18.000 ha, gồm 12 xã nằm ở phía đông nam huyện Tĩnh Gia. Sau đó, khu kinh tế này đã được UBND tỉnh Thanh Hóa và các ngành chức năng lập quy hoạch mở rộng và được Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mở rộng từ hơn 18.000 ha lên 106.000 ha.

khu kinh te nghi son duoc mo rong gap 6 lan nam tren dia ban 3 huyen thanh hoa
Một góc Khu kinh tế Nghi Sơn. Ảnh: Báo Nông nghiệp.

Cụ thể, theo Quyết định số 1699/QĐ-TTg ngày 7/1, Khu Kinh tế Nghi Sơn sau khi được điều chỉnh mở rộng có tổng diện tích 106.000 ha, trong đó có 66.497 ha đất liền, hải đảo; 39.502 ha mặt nước biển. Việc điều chỉnh này sẽ tăng diện tích Khu Kinh tế Nghi Sơn lên gấp gần 6 lần, từ hơn 18.000 ha lên tới 106.000 ha.

Sau khi điều chỉnh, mở rộng địa giới hành chính của Khu Kinh tế Nghi Sơn sẽ bao gồm toàn bộ huyện Tĩnh Gia và 3 xã Yên Mỹ, Công Bình, Công Chính (huyện Nông Cống) và 3 xã Thanh Tân, Thanh Kỳ, Yên Lạc của huyện Như Thanh.

Khu kinh tế Nghi Sơn hiện có vị trí quan trọng, là cửa ngõ giao lưu, trao đổi hàng hóa, kết nối với vùng bắc Lào và đông bắc Thái Lan, là 1 trong 8 khu kinh tế quan trọng của cả nước. Do vậy, mục tiêu của Chính phủ là xây dựng Khu kinh tế Nghi Sơn thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm là công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản.

Việc mở rộng Khu kinh tế Nghi Sơn nhằm đáp ứng các yêu cầu: Tạo ra một động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc Trung Bộ; giải quyết nhu cầu thiếu đất để bố trí các loại hình công nghiệp phụ trợ, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ ICT, công nghiệp nhẹ, chế biến nông lâm thủy sản...

Bên cạnh đó, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch trong phạm vi khu kinh tế; đồng thời giải quyết nhu cầu phát triển đô thị, đáp ứng nhu cầu nơi ở, việc làm, đi lại cho người lao động và các thiết chế văn hóa cho người dân đô thị; điều chỉnh bổ sung một số khu chức năng và giải quyết các vấn đề bất cập trong xây dựng hạ tầng khu kinh tế trong quá trình triển khai thực hiện vừa qua.

Xem thêm

K.Hà