Không hỗ trợ mặt bằng sản xuất cho DNNVV có vốn Nhà nước
Một hội thảo bàn về chiến lược cạnh tranh cho các DNNVV do Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức mới đây. Ảnh: kinhtedothi.vn |
Điều 11 của dự thảo luật này quy định: “căn cứ điều kiện quỹ đất thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp bố trí quỹ đất để hình thành, phát triển cụm công nghiệp; khu chế biến động vật, sản phẩm động vật, nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản cho DNNVV phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt”.
Đồng thời, “căn cứ điều kiện ngân sách, UBND cấp tỉnh trình HĐND cùng cấp quyết định hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho các DNNVV tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn. Thời gian hỗ trợ tối đa là năm năm kể từ ngày ký hợp đồng thuê mặt bằng”.
Cụ thể, việc hỗ trợ giá thuê mặt bằng cho DNNVV sẽ được thực hiện thông qua việc nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp giảm giá cho thuê mặt bằng đối với DNNVV và số tiền giảm giá được trừ vào số tiền thuê đất hoặc từ nguồn hỗ trợ của ngân sách địa phương.
Dự luật cũng quy định rõ: “Việc hỗ trợ mặt bằng sản xuất quy định tại Điều này không áp dụng đối với DNNVV có vốn đầu tư nước ngoài, DNNVV có vốn nhà nước” (Điều 11.4).
Giải thích về sự “phân biệt đối xử này”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo trước Quốc hội như sau: “Đối với hỗ trợ chung, tất cả các DNNVV được hỗ trợ khi đáp ứng các điều kiện, riêng với hỗ trợ mặt bằng sản xuất là hỗ trợ có sử dụng nguồn lực trực tiếp và phải dựa trên điều kiện cân đối ngân sách của từng địa phương, do đó cần quy định hạn chế đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ này”.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định như dự luật “vừa không vi phạm việc hạn chế quyền của tổ chức, cá nhân theo quy định của Hiến pháp, các quy định của các cam kết quốc tế về phân biệt đối xử, vừa thu hẹp đối tượng áp dụng nhằm tập trung nguồn lực cho DNNVV tư nhân trên địa bàn”.