|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Không chỉ có SCIC, nhiều cổ đông của Muối Khánh Hòa từ bỏ 'quyền được nhận tiền'

08:33 | 30/09/2016
Chia sẻ
Câu hỏi đặt ra là làm sao có thể có chuyện người ta từ bỏ quyền “được nhận tiền” như vậy? Liệu có giao dịch ngầm nào đằng sau các giao dịch thỏa thuận với giá rẻ mạt này hay không?

Mới đây, ngày 27/9, Công ty CP Muối Khánh Hòa (UPCOM: KSC) đã thông qua Nghị quyết hội đồng quản trị về việc chi trả cổ tức đợt 3/2015 bằng tiền tỷ lệ 12% (01 cổ phiếu được nhận 1.200 đồng), nâng tổng cả 3 đợt trả cổ tức năm lên 25% cổ tức bằng tiền, tương ứng 2.500 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý, giá trị cổ phiếu KSC của công ty hiện tại chỉ 400 đồng/cổ phiếu, thì mức cổ tức cổ đông KSC sẽ được nhận gấp đến 3 lần thị giá.

Tuy nhiên, thông tin công bố mới đây của KSC lại cho thấy những điều bất thường. Đó là việc một số cổ đông, cũng là cán bộ công nhân viên của công ty này đồng loạt đăng ký bán ra cổ phiếu ngay trước khi được chia cổ tức.

Cụ thể, Ông Vũ Đình Đông - Người được ủy quyền công bố thông tin vừa bán 19.500 CP; Bà Nguyễn Thị Mỹ Huệ - Kế toán trưởng bán 17.000 cổ phiếu; Ông Lê Văn Tâm - Ủy viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc bán 44.677 CP; Ông Nguyễn Anh Tú - Trưởng Ban kiểm soát bán 31.300 CP. Cả 4 cá nhân đều đăng ký giao dịch cùng vào ngày 16/09/2016 - 27/09/2016, trước thời điểm công bố thông tin trả cổ tức.

Còn nhớ vào năm 2013, SCIC khi đó là cổ đông lớn nhất của KSC với tỷ lệ sở hữu trên 33% đã bất ngờ thoái vốn cho 70 nhà cá nhân ngay trước thời điểm chốt quyền nhận cổ tức bằng tiền 24%. KSC thời điểm đó cũng chỉ có giá dao động trong khoảng 4.500 đồng/cp.

Như vậy, có thể thấy rằng, không chỉ có SCIC mà rất nhiều cổ đông của KSC dường như là không cần tiền. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là làm sao có thể có chuyện người ta từ bỏ quyền “được nhận tiền” như vậy? Liệu có giao dịch ngầm nào đằng sau các giao dịch thỏa thuận với giá "rẻ mạt" này hay không?

Trong khi đó, báo cáo kết quả kinh doanh của KSC trong năm 2015 vẫn cho thấy doanh thu đạt 60 tỷ đồng và 11,7 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Mặc dù con số có giảm so với năm 2014 nhưng vẫn đạt hiệu quả khá cao với biên lợi nhuận ròng lên đến gần 20%. Tình hình nợ vay của KSC cũng không lớn hơn so với khoản tiền và tương đương tiền 6,8 tỷ đồng. Điều này cho thấy hoạt động tại KSC vẫn bình thường.

Ở chiều ngược lại, song song với việc bán ra của một số cổ đông nội bộ thì Ông Hồ Quang Toản, cổ đông lớn nhất tại KSC vừa mua thêm 288.628 cổ phiếu để nâng tỷ lệ sở hữu tại KSC lên 24,68%. Và mới đây, Ông Nguyễn Bá Hùng - Ủy viên HĐQT cũng vừa đăng ký mua thêm 308.000 cổ phiếu KSC, trước đó Ông Hùng đang sở hữu 40,057 cổ phiếu, tương đương 1,07% vốn điều lệ.

Rõ ràng, KSC không chỉ khiến cho người ta tò mò về tỷ lệ cổ tức cao, giá cổ phiếu thấp với mức P/E dưới 1 lần mà còn những câu chuyện khá lạ về một doanh nghiệp bán muối mà cổ đông "chạy trốn" quyền nhận cổ tức có giá trị gấp nhiều lần giá trị đang nắm giữ.

Theo Hoàng Trung

Người đồng hành