Không bảo lãnh vay vốn cho EVN để đảm bảo nợ công an toàn
Ngành điện hoàn toàn có thể đi vay thương mại với lãi suất thị trường. Ảnh: Mạnh Khánh/TTXVN.
Theo đó, phía EVN cần nghiên cứu vay vốn theo phương thức tự vay, tự trả trên thị trường trong nước hoặc quốc tế mà không có bảo lãnh Chính phủ.
Theo cử tri tỉnh Hậu Giang, ngành Điện đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng, dự báo nhu cầu tăng điện khoảng 14 - 15%/năm trong giai đoạn 2016 - 2025. Nhằm bảo đảm cho sự phát triển lưới điện quốc gia trong thời gian tới, cử tri tỉnh này cho rằng, cần phải huy động nguồn vốn lớn để đầu tư.
Do đó, cử tri tỉnh Hậu Giang kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này được tiếp cận với thị trường vốn quốc tế, đặc biệt là vốn ODA, hỗ trợ cho vay đối với các dự án của ngành Điện.
Trước vấn đề này, phía Bộ Tài chính cho biết: Hiện nay, Việt Nam đã huy động được một lượng lớn nguồn lực vốn ODA, vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế và các đối tác phát triển song phương để đầu tư phát triển năng lượng.
Ngoài các khoản vay vốn nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh cho phát triển ngành Điện, chỉ tính riêng tổng dư nợ vay vốn ODA và vay ưu đãi cho ngành Điện đến nay là khoảng 7,99 tỷ USD, chiếm khoảng 44,37% trong tổng số dư nợ Chính phủ vay nước ngoài về cho vay lại.
Trong các năm gần đây, theo Bộ Tài chính, cùng với sự phát triển của nền kinh tế và mức độ tín nhiệm của Việt Nam được nâng cao, ngành Điện đã bắt đầu thực hiện một số khoản vay thương mại trong nước không có bảo lãnh Chính phủ. Điều này cho thấy, ngành Điện hoàn toàn có thể đi vay thương mại và chấp nhận được với lãi suất thị trường.