Khẩu vị vay tiền của Thế giới Di động
Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch MWG
Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2018 của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã: MWG) cho thấy việc hơn 5.700 tỉ đồng nợ ngắn hạn sắp đến hạn trả, đây gần như là toàn bộ số nợ vay ngắn hạn của công ty này tại thời điểm kết thúc năm 2018.
Thế giới Di động chỉ vay dài hạn 226 tỉ đồng, tuy nhiên 136 tỉ đồng đã đến hạn trả; vay trái phiếu 1.118 tỉ đồng chủ yếu từ các công ty bảo hiểm.
Theo quan sát, khẩu vị vay nợ của Thế giới Di động thường là các ngân hàng ngoại; tại thời điểm kết thúc năm 2018 công ty vay 994 tỉ đồng từ Mizuho Bank, 843 tỉ đồng từ Ngân hàng HSBC, 681 tỉ đồng từ Ngân hàng ANZ, 600 tỉ đồng từ Sumitomo Mitsui Banking, 459 tỉ đồng từ BNP Paribas…
Tại 31/12/2018, giá trị tiền mặt, tiền gửi ngắn hạn của Thế giới Di động đạt 3.800 tỉ đồng.
Các khoản vay ngắn hạn sắp đến hạn trả của MWG
Đặc thù hoạt động kinh doanh thương mại thiết bị di động, điện máy và đang mở rộng sang tiêu dùng nhanh khiến cho Thế giới Di ộng cần dòng tiền lưu chuyển lớn trong năm.
Năm 2018, công ty thu về tới 31.894 tỉ đồng tiền từ đi vay phục vụ hoạt động kinh doanh (tăng 8%); ở chiều ngược lại số tiền chi trả nợ gốc vay cũng lên tới 31.691 tỉ đồng (tăng 15,4%).
Chính việc vay, trả nợ liên tục khiến cho chi phí lãi vay mà MWG phải chịu trong năm tới 436 tỉ đồng, tăng hơn 86% so với năm 2017.
Việc mở rộng không ngừng đưa chuỗi của hàng trên toàn quốc đạt 405 Bách hóa Xanh, 750 Điện máy Xanh và 1.032 Thế giới Di động vào thời điểm kết thúc năm ngoái. Tuy nhiên công ty đứng trước nghĩa vụ trả tiền thuê mặt bằng hoạt động lên tới 10.477 tỉ đồng (tăng 36% so với năm 2017); trong đó số tiền phải trả trong một năm tới là 1.824 tỉ đồng.