KBSV: NIM của TPBank sẽ gặp áp lực giảm trong nửa đầu năm và dần hồi phục vào nửa sau năm 2023
Báo cáo phân tích mới đây của Chứng khoán KB (KBSV) cho rằng biên lãi thuần (NIM) Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – Mã: TPB) sẽ gặp áp lực giảm trong nửa đầu năm 2023 do phản ánh phần lãi huy động cao trong nửa cuối năm 2022 và sẽ duy trì và dần hồi phục vào nửa sau của năm 2023.
Cụ thể, KBSV dự báo NIM của ngân hàng năm 2023 giảm 0,04 điểm % đạt 3,94% tuy nhiên sẽ hồi phục vào nửa cuối năm khi các ngân hàng tăng lãi suất đầu ra để bù đắp lại các rủi ro có thể đến từ chất lượng tài sản giảm sút.
Năm 2022, NIM của ngân hàng đạt 3,98%, giảm 0,33 điểm % so với năm trước. Trong đó lãi suất bình quân đầu ra tăng 0,07 điểm % so với năm trước do dần phản ảnh lãi suất cho vay tăng trong nửa cuối năm trong khi chi phí đầu vào bình quân tăng 0,44 điểm %.
Nguyên nhân là do lãi suất thị trường 2 và thị trường 1 tăng, tỷ lệ CASA đạt 18%, giảm 5,24 điểm % so với năm trước do khối doanh nghiệp chuyển từ gửi tiền không kì hạn sang có kì hạn khi mặt bằng lãi suất huy động tăng trong quý III/2022 và các doanh nghiệp rút tiền phục vụ mua lại trái phiếu hoặc hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh đang gặp khó khăn.
Về tín dụng, các chuyên gia dự báo tăng trưởng tín dụng của TPBank đạt 14,2% trong năm 2023, tương đương với mức tăng trưởng trong năm 2022 với giả định thị trường bất động sản và trái phiếu tiếp tục trầm lắng.
KBSV cũng cho rằng khả năng thanh khoản tốt giúp ngân hàng chủ động hơn trong việc kiểm soát chi phí vốn (COF) và đủ điều kiện để hướng tới mức tăng trưởng tín dụng cao trong năm 2023.
Theo đó, TPBank có lợi thế hơn so với nhóm các ngân hàng khác dựa trên các yếu tố có dư địa để tăng trưởng tín dụng, không bị chặn bởi các chỉ tiêu về thanh khoản và áp lực tăng lãi suất huy động thấp.
Lãi suất huy động tháng 12/2022 với kì hạn 12 tháng trả lãi cuối kì của TPBank tăng 1,1% so với tháng 9/2022, là mức tăng thấp thứ hai trong nhóm ngân hàng quan sát và tại thời điểm hiện tại đã giảm 0,1% trong tháng 2/2023. Ngoài ra, chuyên gia cũng kì vọng CASA hồi phục nhờ tệp khách hàng tăng trưởng tốt trong thời gian vừa qua và mặt bằng lãi suất đầu vào ổn định trở lại.
Giai đoạn 2021 – 2022, mặc dù tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức cao trên 20%, tuy nhiên tỷ trọng đóng góp cho vay khách hàng giảm về mức 52-54% do TPBank đẩy mạnh các hoạt động giao dịch trên thị trường liên ngân hàng.
Đối với nợ xấu, chuyên gia dự báo tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng ở mức 1,5% năm 2023, tăng 0,66 điểm % so với năm trước sau khi TPBank ghi nhận đúng nhóm nợ đối với nợ tái cơ cấu theo thông tư 14 và chất lượng tài sản bị ảnh hưởng do các diễn biến vĩ mô không thuận lợi. Do đó dự báo chi phí trích lập dự phòng dự kiến đạt 2.597 tỷ đồng, tăng 40,9% so với năm trước.
Ngoài ra, KBSV cũng cho rằng TPBank sẽ phải chịu những rủi ro liên quan đến chính sách, Cụ thể, với tỷ trọng huy động liên ngân hàng chiếm 31,1% trên tổng huy động, các thay đổi về mặt chính sách liên quan đến các tỷ lệ thanh khoản như tỷ lệ dư nợ cho vay trên vốn huy động (LDR), tỷ lệ đảm bảo thanh khoản (LCR) có thể khiến hoạt động huy động hỗ trợ thanh khoản gặp ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Ngoài ra, mặc dù đã có những động thái kiểm soát chất lượng tài sản tốt và giảm dư nợ trái phiếu nhưng với thực trạng mảng bất động sản chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ và là ngân hàng có tỷ trọng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất, hoạt động kinh doanh của TPBank sẽ chịu tác động mạnh mẽ trong trường hợp thị trường bất động sản và trái phiếu xấu hơn dự kiến.