|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Indonesia: Thời cơ cải cách kinh tế sau bầu cử

06:53 | 26/04/2019
Chia sẻ
Tổng thống Jokowi và các thành viên chính phủ của ông đã đạt được những kết quả rất quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống đường bộ, đường sắt và sân bay của Indonesia.
Indonesia: Thời cơ cải cách kinh tế sau bầu cử - Ảnh 1.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Ảnh: TTXVN

Báo Jakarta Post số ra mới đây đăng bài viết trong đó nhận định, với kết quả kiểm phiếu nhanh, Tổng thống đương nhiệm của Indonesia Joko Widodo có nhiều khả năng tái đắc cử nhiệm kỳ hai trong cuộc cuộc bầu cử Tổng thống năm 2019 tại nước này.

Kết quả trên được kỳ vọng sẽ mở ra cho đất nước Indonesia cơ hội lớn để thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng, đa dạng hóa nền kinh tế và chuẩn bị lực lượng lao động trẻ để cạnh tranh thành công trong một thế giới, nơi mà sự cạnh tranh đang ngày một gia tăng trước sự phát triển nhanh của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật.

Trong nhiệm kỳ vừa qua, ông Jokowi và nội các của mình đã đạt được những tiến bộ khả quan. Tỷ lệ nghèo đã giảm xuống dưới 10%. Lương khách du lịch quốc tế tới nước này tăng từ 9 triệu lượt năm 2014 lên 14 triệu lượt vào năm 2018. Nhờ chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế vẫn đạt trên mức 5%, cho dù kinh tế thế giới có nhiều biến động.

Tuy nhiên, Indonesia cần đạt được tốc độ tăng trưởng ít nhất 7% mỗi năm trong thập kỷ tới để nhanh chóng xóa đói giảm nghèo, tạo nhiều việc làm cho lực lượng lao động trẻ, gia tăng tầng lớp trung lưu và giảm bất bình đăng trong xã hội cũng như chênh lệch thu nhập giữa khu vực thành thị và vùng nông thôn.

Một cơ hội để giải quyết những thách thức là tăng gấp công xuất sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu như kế hoạch năm 2018 mà Tổng thống Jokowi và Bộ trưởng Công nghiệp Airlangga Hartarto đưa ra nhằm tận dụng công nghệ tiên tiến để thực hiện Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0) tại Indonesia.

Thời cơ đã đến với quốc gia Đông Nam Á này giữa lúc cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng như tiền lương nhân công và các chi phí khác gia tăng ở Trung Quốc đang khiến các công ty Mỹ và những doanh nghiệp khác tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở châu Á nhằm đa dạng hóa nguồn cung.

Hiện nay, phần lớn các công ty đang tập trung vào thị trường Việt Nam, coi đây là nguồn cung ứng sản xuất, hoặc Bangladesh, nơi có chi phí sản xuất thấp. Nhưng Indonesia đang có cơ hội để thu hút đầu từ vào một số lĩnh vực, đặc biệt là may mặc, nội thất và điện tử.

Trong thời gian qua, Tổng thống Jokowi và các thành viên chính phủ của ông đã đạt được những kết quả rất quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống đường bộ, đường sắt và sân bay của Indonesia, nhân tố  giúp giảm chi phí vận chuyển trong hoạt động giao thương.

Thị trường nội địa đang phát triển cũng sẽ là cơ hội để Indonesia phát triển trong nhiều năm tới. Nhưng nước này cần nỗ lực  hơn nữa để cạnh tranh với Việt Nam, Philippines và các nước khác. Indonesia đã giảm đáng kể các thủ tục kinh doanh theo quy định của Ngân hàng Thế giới, song nếu so với một số nước ASEAN thì kết quả này vẫn chưa đáng kể.

Indonesia cần phải cải cách hơn nữa, xem xét lại các thủ tục hành chính tại các địa phương, vai trò của doanh nghiệp nhà nước, sửa đổi luật lao động để hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư và giảm tiêu cực trong đăng ký đầu tư kinh doanh.

Đây là thời điểm chín muồi để Indonesia cải cách sâu rộng mọi lĩnh vực kinh tế. Chiến thắng được kỳ vọng của ông Jokowi trong cuộc bầu cử Tổng thống ngày 17/4 (kết quả chính thức dự kiến được công bố vào tháng 5/2019) đưa đến sự lạc quan để ông tiếp tục thực hiện các kế hoạch và chương trình lớn của đất nước Indonesia. Thành công trong việc hoàn thành hệ thống tàu điện ngầm tại thủ đô Jakarta, hệ thống cảng biển, sân bay sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước này trong thời gian tới.

Trước mắt, Tổng thống Jokowi cần tạo đột phá trong giáo dục đại học để chuẩn bị một lực lượng lao động trong thời đại Cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy cải cách hệ thống tư pháp để thu hút các nhà đâu tư nước ngoài cũng như bảo vệ các doanh nghiệp trong tranh chấp thương mại.

Đình Ánh