Huy động nghìn tỷ rồi gửi tiết kiệm, HHS lặp lại con đường của KLS hay JVC?
Hoàn tất đợt phát hành từ tháng 10/2015, lẽ ra HHS phải khẩn trương đem tiền huy động vào hoạt động sản xuất.
Mục đích sử dụng vốn trong Bản cáo bạch 8/2015. |
Tuy nhiên sau 3 kỳ công bố BCTC, công ty này vẫn găm giữ một lượng tiền mặt lớn cùng với các khoản gửi tiết kiệm.
Theo BCTC hợp nhất soát xét 6 tháng, HHS cùng các công ty con giữ 258 tỷ tiền mặt, 601 tỷ khoản tương đương tiền và 829 tỷ đầu tư tài chính ngắn hạn.
Đáng chú ý, giá trị của tiền và khoản tiết kiệm chiếm tới 52% tổng tài sản của HHS liên tục tăng trong 4 quý gần đây và đang ở mức cao nhất từ quý IV/2014.
Trong khi đó, Bộ Tài chính đang muốn thắt chặt lại sử dụng vốn sau phát hành do ảnh hưởng từ vụ việc của JVC.
Trong chưa đầy 1 tháng trở lại đây, liên tiếp 3 doanh nghiệp là CTCP Khoáng sản luyện kim màu (mã KSK), CTCP Khoáng sản Hòa Bình (mã KHB), CTCP Khoáng sản và Vật liệu xây dựng Hưng Long (mã KHL) đều chịu mức phạt 100 triệu đồng cho hành vi sử dụng vốn sai mục đích.
Với kế hoạch sử dụng vốn khá chung chung như ở trên, có lẽ vẫn còn quá sớm để đưa ra quyết định HHS đã sử dụng vốn sai mục đích. Tuy nhiên, trường hợp HHS vẫn rất đáng quan tâm bởi việc huy động để gửi tiết kiệm là một điều khó có nhà đầu tư nào có thể chấp nhận được.
Thực tế, lợi nhuận hoạt động gần đây của HHS cũng không làm nhà đầu hài lòng khi lợi nhuận suy giảm mạnh trong các quý gần đây. Trong khi đó HHS chỉ lý giải do tình hình chung của ngành ô tô.
Lãi gửi tiết kiệm đóng góp khoảng 30% lợi nhuận của HHS. |
Lặp lại KLS hay JVC?
Một số nhà đầu tư thậm chí đã quá lo lắng khi cho rằng việc HHS trữ nhiều tiền và gửi tiết kiệm sẽ tái hiện lại hình ảnh của JVC.
Bởi đã có lúc JVC có lượng tiền mặt lên tới 403 tỷ đồng (BCTC quý I/2015) nhưng rồi với những rắc rối pháp lý của cựu chủ tịch Lê Văn Hướng, tiền mặt của công ty đã bị cơ quan thu giữ tạm thời để phục vụ mục đích điều tra.
Tuy nhiên, trường hợp HHS chưa đến mức trầm trọng như vậy và có lẽ gần giống với CTCPChứng khoán Kim Long (KLS) trước đây bởi KLS đã từng gửi hơn 1.000 tỷ đồng tại ngân hàng trong nhiều năm liền sau khi hoàn tất đợt huy động vào năm 2010.
Vì vậy, tại mỗi kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên, rất nhiều cổ đông KLS đã thể hiện sự bất bình với HĐQT của công ty khi bị trôn vốn và chứng kiến khoản đầu tư chỉ sinh lời bằng lãi gửi tiết kiệm.
Nhà đầu tư của HHS sẽ ít nhiều chột dạ khi nhớ đến bài học của KLS dù đợt tăng vốn mới diễn ra cách đây 10 tháng. Trước mắt, vẫn cần theo dõi hoạt động tài chính của HHS để có thể kết luận trường hợp KLS sẽ tái diễn nhưng giữa KLS và HHS cũng có liên quan khi chính công ty chứng khoán này là tổ chức tư vấn phát hành.
Theo Mai Hương
Bizlive