|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hưng Yên phát triển tổng thể kinh tế vùng bãi sông Hồng, sông Luộc

22:21 | 21/08/2023
Chia sẻ
Ngày 21/8, UBND tỉnh Hưng Yên tổ chức phiên họp để xem xét, đánh giá tình hình thực hiện Đề án "Phát triển tổng thể kinh tế vùng bãi sông Hồng, sông Luộc tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030".

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho biết, Đề án "Phát triển tổng thể kinh tế vùng bãi sông Hồng, sông Luộc, tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030" được triển khai từ tháng 3/2022. Với những giải pháp mang tính chiến lược, Đề án nhằm đưa ra những định hướng để phát triển tổng thể kinh tế của vùng bãi sông Hồng, sông Luộc, tạo chuyển biến mới cho vùng kinh tế có nhiều tiềm năng này; trong đó, trọng tâm là hình thành các điểm cung ứng hàng hóa thiết yếu, xây dựng các bến trung chuyển hàng hóa thủy nội địa, thu hút đầu tư, khai thác phát triển thương mại, du lịch cộng đồng với du lịch sinh thái gắn với các lễ hội tâm linh; xây dựng các vùng chuyên canh hoa cây cảnh, cây dược liệu, cây ăn quả, sản xuất rau sạch công nghệ cao, phát triển chăn nuôi.

Theo ông Trần Quốc Văn, vùng bãi tỉnh Hưng Yên gồm 44 xã thuộc các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và thành phố Hưng Yên. Những năm qua, kinh tế - xã hội vùng bãi sông Hồng, sông Luộc từng bước phát triển; kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới giúp nâng cao chất lượng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh, đồng thời, nâng cao năng lực phòng tránh thiên tai do ngập lụt, sạt lở, mưa, lũ. Kinh tế nông nghiệp phát triển đã hình thành nên các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn như vùng sản xuất hoa, cây cảnh; vùng sản xuất cây có múi, vùng nhãn, vùng chuối; vùng chăn nuôi, thủy sản. Hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp tại các xã vùng bãi được đổi mới, phát triển đã hình thành nên nhiều hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến việc phát triển kinh tế vùng bãi, chưa khai thác triệt để các tiềm năng, lợi thế sẵn có, còn một số tồn tại hạn chế như lao động phần lớn chưa qua đào tạo; sản xuất nông nghiệp còn manh mún, các hình thức tổ chức sản xuất còn chậm đổi mới; liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ngành hàng chưa chặt chẽ; sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và tiêu thụ còn yếu; chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong vùng. Bên cạnh đó, sản phẩm du lịch, dịch vụ còn nghèo nàn, chưa có sản phẩm du lịch đặc trưng; hạ tầng giao thông nông thôn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển sản xuất, đời sống dân sinh và yêu cầu phòng chống thiên tai ứng phó biến đổi khí hậu… Do vậy, việc phát triển tổng thể kinh tế vùng bãi sông Hồng, sông Luộc là hết sức cần thiết.

Theo Đề án, đến năm 2025 tỉnh Hưng Yên phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế vùng bãi bình quân 5 năm đạt 7 - 8%; giá trị thu được từ một ha đất canh tác đạt trên 250 triệu đồng; tỷ lệ lao động qua đào tạo vùng bãi đạt 71%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1% vào cuối năm 2025; tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đạt 100%.

Cùng với đó, tỉnh Hưng Yên sẽ phát triển một số khu đô thị mới, đô thị sinh thái, nhà ở cao cấp, trung tâm thương mại, dịch vụ, nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, thể thao cao cấp gắn với phát triển dịch vụ, du lịch, vui chơi... Đồng thời, phát triển ba tuyến du lịch như: quần thể di tích Phố Hiến ở thành phố Hưng Yên; đền Đa Hòa, xã Bình Minh - đền Hóa, xã Dạ Trạch, lễ hội Chử Đồng Tử - Tiên Dung tại huyện Khoái Châu; địa điểm cây đa và đền La Tiến, đền Tống Trân - Cúc Hoa tại huyện Phù Cừ.

Tỉnh mở rộng phát triển du lịch văn hóa, lịch sử gắn với du lịch tham quan, trải nghiệm, sinh thái, trang trại, nông nghiệp nông thôn, vui chơi giải trí, đa dạng hóa sản phẩm du lịch, góp phần thu hút khách du lịch trong và ngoài nước...

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên Trịnh Văn Diễn, đến tháng 6/2023, đề án đã có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu: Tốc độ tăng trưởng bình quân vùng bãi đạt 7% (đạt 100% mục tiêu đề án); duy trì số xã đạt chuẩn quốc gia về y tế đạt 100%, 100% số trạm y tế xã đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được ít nhất 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã (đạt 100% mục tiêu của đề án).

Tại các xã vùng bãi trên địa bàn tỉnh, có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (đạt 100,5% mục tiêu đề án), 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (đạt 100% mục tiêu đề án); có 46 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP (đạt 150% mục tiêu đề án)...

Kết luận phiên họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Quốc Văn đề nghị các địa phương nằm trong vùng dự án tiếp tục triển khai kế hoạch thực hiện đề án cho vùng bãi của địa phương theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên phát triển các nhóm ngành hàng chủ lực, có lợi thế của địa phương; thúc đẩy phát triển sản xuất, du lịch, dịch vụ ở nông thôn.

Cùng với, bố trí nguồn lực, sử dụng lồng ghép các nguồn vốn địa phương, vốn tín dụng và các nguồn vốn hợp pháp khác để tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của đề án; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá, kết quả triển khai đề án trên địa bàn; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo định kỳ, đột xuất tình hình thực hiện theo quy định.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng định hướng một số nội dung trong việc thực hiện các giải pháp thực hiện đề án; trong đó, điều chỉnh mục tiêu phát triển Đề án giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 có tầm nhìn đến 2050 với một số mục tiêu cụ thể như: phát triển nông nghiệp công nghệ cao; một phần diện tích điều chỉnh thêm đất ở đô thị; phấn đấu Hưng Yên trở thành điểm đến phát triển du lịch; trở thành thủ phủ sân golf của Trung tâm Đồng bằng Bắc Bộ.

 

Quang Nhiều