Hơn 95% sừng tê giác trôi nổi trên thị trường Việt Nam là hàng giả?
Sừng tê giác do lực lượng Hải quan phát hiện, bắt giữ ngày 12/10 tại sân bay Nội Bài. Ảnh: Ngọc Linh. |
TS. Đặng Tất Thế - Trưởng Phòng Hệ thống học phân tử và di truyền bảo tồn (Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) một nhà nghiên cứu có nhiều năm tìm hiểu về động, thực vật hoang dã nằm trong danh mục của Công ước CITES như ngà voi, sừng tê giác, vảy tê tê… cho rằng, trong quá trình nghiên cứu, ông được tiếp cận nhiều thông tin, hình ảnh và nhận thấy các sản phẩm được rao bán trôi nổi trên thị trường Việt Nam đa phần là hàng giả.
“Thời điểm giá cả đắt đỏ trước đây có không ít người liên hệ điện thoại với tôi đề nghị giám định dịch vụ. Tuy nhiên, chúng tôi làm việc trong cơ quan nhà nước không giám định với các sản phẩm bất hợp pháp. Nhưng qua những thông tin mô tả, hình ảnh được cung cấp, tôi tin có đến 95% đến 97% mẫu vật sừng tê giác bán trôi nổi ở Việt Nam là hàng giả. Hàng giả làm được làm thành từng miếng rất tinh vi”- TS.Thế nói.
Còn với tang vật trong các vụ việc do lực lượng Hải quan bắt giữ, TS. Thế cho biết, các mẫu vật được giám định phục vụ việc điều tra, xử lý của cơ quan chức năng cho thấy đây là sừng tê giác “xịn”. Nhưng nếu không bị bắt giữ số hàng “xịn” này cũng được trung chuyển tiếp sang quốc gia khác, rất hiếm có trường hợp được tiêu thụ ở thị trường Việt Nam.
Về câu chuyện giá cả, TS. Đặng Tất Thế cho hay, trước đây, thời kỳ đắt đỏ giá sừng tê giác trên thị trường bất hợp pháp có thể lên đến 1 tỷ đồng hoặc 1,2 tỷ đồng/kg, nhưng hiện nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh nên giá rơi xuống chỉ còn 400 triệu đồng đến 500 triệu đồng/kg.
Vì sao sừng tê giác có mức giá đắt đỏ như vậy? TS. Thế lý giải, chủ yếu do giới buôn lậu thêu dệt, truyền miệng những thông tin về công dụng của sừng tê giác như “chữa ung thư, tăng cường sinh lực…?” để thổi giá. Nhưng thực tế chưa có công trình khoa học nào chứng minh được các công dụng đó của sừng tê giác.
Liên quan đến nạn buôn lậu sừng tê giác, gần đây, lực lượng Hải quan liên tiếp phát hiện, bắt giữ các vụ việc với số lượng tang vật lớn.
Ngày 12/10, tại sân bay Nội Bài, Đội Kiểm soát hải quan phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan Hà Nội), Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực phía Bắc- Đội 1 (Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan) kiểm tra một kiện hàng 53kg vận chuyển từ Nam Phi về Việt Nam và phát hiện 34 kg sừng tê giác.
Trước đó, ngày 12/7, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, (Cục Hải quan TP.HCM) soi chiếu ngầm hành lý của chuyến bay EK392 từ Dubai về TP.HCM đã phát hiện 1 kiện hành lý ký gửi có dấu hiệu nghi vấn. Khám xét kiện hành lý, lực lượng Hải quan phát hiện 4 hộp sữa bằng thiếc tổng cộng chứa 12 mẫu vật là sừng của loài tê giác 2 sừng Châu Phi, tổng trọng lượng là 7,26 kg...
Xem thêm |