Hồi sinh dự án thép đắp chiếu?
Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên tiếp tục được ghi trong danh mục Dự thảo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 của Bộ Công Thương. Đáng nói ở chỗ dự án này lại là 1 trong 5 dự án thua lỗ của Bộ Công Thương đã phải đối mặt với hàng loạt ý kiến mổ xẻ quyết liệt của nhiều đại biểu Quốc hội tại kỳ họp vừa qua.
Có cơ hội để cứu dự án?
Dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên do Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) làm chủ đầu tư, gây chú ý với công luận khi đã “đắp chiếu” nhiều năm nay do các vướng mắc về tài chính. Theo tính toán, tổng mức đầu tư dự án sau khi điều chỉnh có thể lên tới 9.031 tỉ đồng, tăng khoảng 1.000 tỉ đồng so với ước liệu khoảng 8.000 tỉ đồng trước đó. Thậm chí, con số 8.000 tỉ đồng này cũng đã là kết quả của việc nhà thầu Trung Quốc từng đề nghị tăng vốn dự án hơn 2 lần so với ban đầu chỉ 3.843 tỉ đồng.
Đầu năm 2016, trong báo cáo trình Thủ tướng liên quan đến vấn đề tài chính của TISCO, Bộ Công Thương đã thừa nhận với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh lên tới 9.031 tỉ đồng thì cơ bản dự án không còn hiệu quả. Nếu như tính toán lại tổng mức đầu tư chỉ còn 7.871 tỉ đồng thì dự án có hiệu quả. Song, để bảo đảm tính hiệu quả của dự án thì Chính phủ phải chấp thuận một loạt kiến nghị ưu đãi của chủ đầu tư về miễn tiền trả lãi vay, ưu đãi thuế... Chính bởi những “ì xèo” đó mà dự án này đã rơi vào “danh sách đen” 5 dự án đầu tư không hiệu quả và được đưa ra chất vấn tại kỳ họp Quốc hội mới đây. Tuy vậy, Bộ Công Thương vẫn dự kiến đưa dự án “tai tiếng” này vào quy hoạch của mình.
Về những vướng mắc trong vấn đề tài chính của TISCO, đại diện doanh nghiệp này giải thích phần vốn bị đội lên hầu hết là do lãi vay ngân hàng trong suốt thời gian dự án bị ngừng trệ. Ngoài ra, phía Trung Quốc cũng yêu cầu Việt Nam bồi thường do chậm tiến độ, phải bỏ tiền mua và sửa chữa máy móc, thiết bị hư hỏng sau thời gian nằm chờ.
Tuy vậy, đại diện TISCO vẫn cho rằng trong số 5 dự án “đắp chiếu” của ngành Công Thương thì dự án mở rộng nhà máy gang thép Thái Nguyên lại có khả năng hồi sinh nhất. Bởi lẽ, nhìn vào sự đi lên của thị trường, có thể khẳng định sản phẩm của dự án có đầu ra. “Dự án của TISCO giai đoạn đầu đã làm thành công rồi mới mở rộng sản xuất giai đoạn 2 này. Trong khi năm nay, dự kiến TISCO lãi đến 200 tỉ đồng, chúng tôi tin tưởng rằng có thị trường” - đại diện TISCO giải thích.
Vị lãnh đạo doanh nghiệp thép này cũng chỉ ra rằng dự án mở rộng gang thép Thái Nguyên có chung mặt bằng, hạ tầng với nhà máy cũ - dự kiến làm ăn có lãi đến hàng trăm tỉ đồng trong năm nay - nên có những điều kiện thuận lợi nhất định để triển khai. “Nhà thầu Trung Quốc thật ra cũng quyết tâm làm dự án này. Giờ còn nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý, đến lợi ích giữa 2 bên. Họ đòi phạt thì đúng về lý là phải nộp cho họ. Nếu giải quyết được những vấn đề này thì dự án sẽ chạy được” - theo đại diện TISCO.
Cần cân đối trong xu thế hội nhập
Một điểm rất đáng lưu ý trong tư duy của các doanh nghiệp chạy đua theo ngành thép hiện nay là mối lo nước láng giềng Trung Quốc phá giá sản phẩm để chiếm lĩnh thị trường đã được hóa giải bằng chính sách áp thuế chống bán phá giá của nhà nước. Chính sách này đã có hiệu quả trong việc chế ngự thép nhập khẩu giá rẻ.
Thậm chí, bản thân Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tại nghị trường Quốc hội cũng đề cập việc ngành thép vẫn tiếp tục nhập khẩu hàng tỉ USD mỗi năm nên không có lý do gì để không tiếp tục phát triển các dự án thép.
Tuy nhiên, giới chuyên gia am tường thị trường lại phản đối tư duy này. Ở cấp vĩ mô, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng Việt Nam không nên tiếp tục đầu tư vào ngành thép. Theo ông, nhập khẩu sản phẩm thép nước ngoài để phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước với giá rẻ và chất lượng tốt hơn là có lợi về kinh tế cũng như môi trường. “Nền kinh tế của chúng ta có độ mở nhờ hiệu ứng từ các FTA nên việc nhập khẩu phôi thép tăng đột biến dựa trên tính toán lợi ích là hoàn toàn có thể chấp nhận được. Theo đó, không nên làm thép chỉ vì để hạn chế nhập khẩu hàng hóa, bảo hộ sản xuất trong nước bởi như vậy không có lợi có người tiêu dùng” - chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nêu quan điểm.
Mặt khác, sản xuất thép theo ông Bùi Trinh là không có hiệu quả lan tỏa về mặt kinh tế, không có giá trị nhiều trong định hướng phát triển công nghiệp của Việt Nam. Đầu tư vào những ngành Việt Nam có thế mạnh và ưu tiên nhập khẩu sản phẩm có giá thành và chất lượng cạnh tranh hơn từ nước ngoài mới là cách làm đúng đắn.
Nhiều chuyên gia cũng nhìn nhận, đầu tư thêm cho 1 dự án thép mà đầu ra sản phẩm không có gì đặc biệt hơn các dự án thép đã triển khai là điều cần cân nhắc. Nhìn chung, dự thảo được Bộ Công Thương đưa ra lần này cho thấy không có nhiều thay đổi so với bản quy hoạch trước đây. Tức là, vẫn hướng tới những sản phẩm trong nước đã dư thừa như gang, phôi thép và phải 15-20 năm nữa mới dùng hết công suất quy hoạch đã phê duyệt từ 3 năm trước