Hội nghị Trung ương 9 xem xét quy hoạch các chức danh lãnh đạo chủ chốt nhiệm kỳ 2021-2026
Sáng nay, 25-12, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (Hội nghị Trung ương 9) khai mạc tại Hà Nội. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì hội nghị.
Khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII - Ảnh: Nhật Bắc |
Hội nghị Trung ương 9 dự kiến làm việc tới 27-12.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nêu một số ý kiến có tính chất gợi mở, nêu vấn đề để Trung ương nghiên cứu, thảo luận, xem xét, quyết định đối với nội dung về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021-2026; việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng chí ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Nội dung và thời gian của hội nghị Trung ương lần này không nhiều, nhưng những vấn đề hội nghị bàn và quyết định là rất hệ trọng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các cán bộ tham dự hội nghị phát huy cao độ trí tuệ, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, tập trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để xem xét, quyết định việc ra nghị quyết vào cuối kỳ họp.
Xem thêm |
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 9 |
Tại hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII cho ý kiến về việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026; tiến hành lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư; cho ý kiến về báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018. Cũng tại hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ theo quy định của Đảng.
Không để "lọt" những người cơ hội chính trị, xu nịnh, chạy chức, chạy quyền
Về vấn đề quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cho biết vừa qua, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Kế hoạch số 11-KH/TW ngày 6-11-2018 về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026 (Kế hoạch 11).
Kế hoạch số 11 có một số nội dung đổi mới hết sức căn bản: Xây dựng quy hoạch cấp chiến lược của Trung ương Đảng phải gắn kết chặt chẽ với tình hình, yêu cầu nhiệm vụ chính trị và công tác nhân sự của mỗi nhiệm kỳ đại hội toàn quốc của Đảng. Trong đó, cần tập trung lãnh đạo xây dựng quy hoạch cấp chiến lược nhiệm kỳ 2021-2026 theo phương châm "làm từng bước, làm đến đâu chắc đến đó" với lộ trình như sau: Quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương trình Hội nghị Trung ương 9, sau đó tiến hành quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư theo kế hoạch.
Quy trình phát hiện, giới thiệu nhân sự quy hoạch ở địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện theo 4 bước; quy trình rà soát, thẩm tra, phê duyệt quy hoạch ở trung ương thực hiện theo 5 bước.
Đặc biệt là trong xem xét, lựa chọn, giới thiệu nhân sự quy hoạch phải coi trọng tiêu chuẩn về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, sự gương mẫu của bản thân và gia đình; năng lực công tác gắn với kết quả công tác, sản phẩm cụ thể ở lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách...
Có cơ chế kiểm tra, kiểm soát không để "lọt" những người có một trong các hạn chế, khuyết điểm sau vào quy hoạch cấp chiến lược như: suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa"; cơ hội chính trị, xu nịnh, chạy chức, chạy quyền; tham vọng cá nhân, không trong sáng; bản thân và gia đình không gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của nhà nước…