Hội nghị AMM 29 thông qua sáng kiến về kết nối doanh nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nêu 3 vấn đề cấp bách với cộng đồng DN APEC |
Sau khi kết thúc Hội nghị liên Bộ trưởng Ngoại giao-Kinh tế APEC lần thứ 29 (AMM 29), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đồng chủ trì buổi họp báo tại Trung tâm Báo chí Quốc tế APEC (IMC), Đà Nẵng.
Họp báo công bố kết quả Hội nghị AMM 29 |
Về các nội dung liên quan đến tăng cường liên kết kinh tế khu vực, Hội nghị AMM đã thông qua những sáng kiến sau:
Thứ nhất, sáng kiến của Việt Nam về “Khuôn khổ APEC về tạo Thuận lợi cho Thương mại điện tử Xuyên biên giới” nhằm tạo môi trường thuận lợi và bình đẳng cho các giao dịch thương mại điện tử; tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) vào hệ thống giao dịch thương mại điện tử khu vực và toàn cầu, cũng như góp phần tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong khu vực, hướng tới việc hoàn thành mục tiêu Bô-go vào năm 2020.
Thứ hai, khuôn khổ giám sát việc thực hiện Kế hoạch Hành động kết nối Chuỗi cung ứng giai đoạn 2 (SCFAP 2) từ 2017- 2020, nhằm xác định và giải quyết các rào cản chính đối với chuỗi cung ứng, tạo thuận lợi cho sự lưu thông của hàng hóa và dịch vụ trong toàn khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Thứ ba, các Bộ trưởng cũng nhất trí ủng hộ việc thông qua “Chiến lược APEC về các Doanh nghiệp Nhỏ, Vừa và siêu nhỏ, xanh, bền vững và sáng tạo”, nhằm hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ.
Ngoài ra, các Bộ trưởng hoan nghênh sáng kiến về “Bộ thông lệ tốt của APEC về Thúc đẩy Công nghiệp hỗ trợ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương” của Việt Nam và Nhật Bản và “Sáng kiến về Thúc đẩy các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo” do Việt Nam chủ trì.
Phó Thủ tướng thông báo Hội nghị đã đạt được một số kết quả.
Thứ nhất, trong bối cảnh tình hình thế giới còn nhiều bất định và khó khăn như hiện nay, các bộ trưởng thảo luận biện pháp thúc đẩy thương mại tự do và thuận lợi hóa đầu tư khu vực, hoàn tất thực hiện các mục tiêu Bogor; tăng cường kết nối đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng; cải cách cơ cấu; giảm thiểu rủi ro thiên tai và tăng cường tính tự cường của các cộng đồng; chú trọng nâng cao năng lực liên kết kinh tế quốc tế.
Thứ hai, các bộ trưởng nhất trí APEC cần tạo những động lực mới để tiếp tục đóng góp vào việc duy trì châu Á-Thái Bình Dương là động lực của tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.
Trong đó, các bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của cải cách cơ cấu để nâng cao năng suất, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm; thúc đẩy sáng tạo, đổi mới, tinh thần kinh doanh và khởi nghiệp; trang bị các kỹ năng mới cho người lao động để thích ứng với việc làm trong kỷ nguyên số; ứng dụng KHCN để bảo đảm an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp và nông thôn, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thứ ba, các bộ trưởng đã thông qua sáng kiến Khuôn khổ thuận lợi hóa thương mại điện tử xuyên biên giới; Chiến lược APEC về các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, xanh bền vững và sáng tạo; kế hoạch hành động về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu giai đoạn 2018-2020; chương trình hành động về phát triển nông thôn-đô thị.
Ngoài ra, các bộ trưởng đã thống nhất các văn kiện mang tính định hướng chiến lược cho hợp tác APEC để trình lên các nhà lãnh đạo kinh tế trong những ngày tới.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho hay, Hội nghị đã thông qua 4 văn kiện là: Khuôn khổ thuận lợi hoá thương mại điện tử xuyên biên giới, Chiến lược APEC về các DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa bền vững và sáng tạo, Kế hoạch hành động nhiều năm về lương thực, biến đổi khí hậu giai đoạn 2018-2020 và Chương trình hành động về phát triển nông thôn đô thị.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, Hội nghị AMM chưa thông qua kế hoạch hành động Hội nghị Cấp cao ở Lima (Peru) về FTAAP. Để xây dựng chương trình hành động cụ thể thực thi Tuyên bố Lima, cần có sự thống nhất thông qua của 21 thành viên, không thể thực hiện một cách đơn giản. Do đó, AMM đã quyết định sẽ cần thêm thời gian thảo luận, làm rõ và đạt sự đồng thuận của các bên.