|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

Hòa Phát xuất xưởng trên 500.000 tấn HRC, giá bán đang tăng mạnh

18:52 | 16/12/2020
Chia sẻ
Trong 11 tháng đầu năm 2020, Hòa Phát đã xuất xưởng 515.000 tấn thép cuộn cán nóng (HRC). Giá HRC liên tục tăng cao gần đây đã gây khó khăn cho những doanh nghiệp nhập HRC làm nguyên liệu nhưng là cơ hội cho những công ty xuất bán.

Giá HRC chạm 700 USD/tấn

Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), trong 11 tháng đầu năm nay nước ta sản xuất 3,9 triệu tấn HRC và tiêu thụ gần 3,72 triệu tấn. Trong đó, Formosa Hà Tĩnh cho ra lò 3,38 triệu tấn và tiêu thụ 3,31 triệu tấn. Tập đoàn Hòa Phát (Mã: HPG) sản xuất 515.000 tấn và tiêu thụ 405.000 tấn

Thị trường lớn nhất của Formosa là miền Nam (1,85 triệu tấn), theo sau là miền Bắc (807.000 tấn) và xuất khẩu (654.000 tấn).

Về phía Hòa Phát, công ty tiêu thụ chủ yếu ở Miền Bắc (395.000 tấn) và một lượng nhỏ ở miền Nam (10.000 tấn). Các số liệu tiêu thụ kể trên bao gồm cả dùng nội bộ, không chỉ có bán cho khách hàng bên ngoài.

Hòa Phát mới bắt đầu sản xuất và tiêu thụ HRC trong năm nay khi các lò cao của Khu Liên hợp Gang thép Dung Quất (tỉnh Quảng Ngãi) đi vào hoạt động.

Dự kiến đầu năm 2021, lò cao số 4 – cũng là lò cao cuối cùng – tại Dung Quất sẽ được vận hành, sản lượng HRC sẽ tăng lên. Riêng trong tháng 11, Hòa Phát sản xuất khoảng 169.500 tấn HRC, bằng một nửa Formosa Hà Tĩnh.

Hòa Phát xuất xưởng trên 500.000 tấn HRC, giá bán đang tăng mạnh - Ảnh 1.

Tòa nhà Hòa Phát tại Hà Nội. (Ảnh: Song Ngọc).

VSA cho biết giá HRC ngày 2/12 ở mức 592 USD/tấn, bao gồm cước phí (CFR) tại cảng Đông Á, tăng khoảng 66 USD/tấn so với mức giá giao dịch đầu tháng 11. Đến ngày 8/12, giá chào HRC đã lên mức 700 USD/tấn.

Nhìn chung, thị trường HRC thế giới đang biến động mạnh, khiến các doanh nghiệp trong nước sử dụng HRC làm nguyên liệu sản xuất (thép cán lạnh CRC, tôn mạ, ống thép, ... ) gặp khó khăn. 

Tập đoàn Hòa Phát chỉ bán ra ngoài một lượng sản phẩm HRC hạn chế, phần còn lại phục vụ các nhà máy ống thép và tôn mạ của tập đoàn tại tỉnh Hưng Yên. 

Giá thép xây dựng cũng lên cao

Tháng 11/2020, Hòa Phát tiêu thụ 344.313 tấn thép xây dựng, tăng 14% so với tháng 11năm ngoái, tăng gần 38% so với tháng liền trước và chiếm thị phần 30,9% cả nước. Các doanh nghiệp đứng sau về thị phần là Vina Kyoei, Tisco, Thép Miền Nam, Pomina, Formosa Hà Tĩnh, Việt Đức, …

Lượng tồn kho thép xây dựng của Hòa Phát thời điểm cuối tháng 11 là hơn 71.000 tấn, giảm gần 64.000 tấn so với cuối tháng 10.

Tổng cộng 11 tháng đầu năm, Hòa Phát đã bán ra gần 3,1 triệu tấn thép xây dựng, tăng gần 24% so với cùng kì 2019 và chiếm 32,5% thị phần.

VSA cho biết, trong tháng 11/2020, giá các loại nguyên vật liệu sản xuất thép tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu cũng như Việt Nam.

Giá bán thép trong nước hiện bình quân trong khoảng 12.000 - 12.500 đồng/kg (tức 12 - 12,5 triệu đồng/tấn) tùy thuộc từng chủng loại sản phẩm và từng doanh nghiệp cụ thể. 

Trong tháng 11, Hòa Phát đã 4 lần nâng giá bán thép xây dựng với tổng mức tăng là 850 đồng/kg đối với thép cuộn và 750 đồng/kg đối với thép cây. Gần đây nhất vào ngày 15/12, tập đoàn tăng giá 500 đồng/kg đối với thép cây và 400 đồng/kg đối với thép cuộn (chưa bao gồm thuế VAT). 

Nói về nguyên nhân giá thép xây dựng lên cao, VSA cho biết trong tháng 11 giá phế nội địa tăng mạnh khoảng 700 - 900 đồng/kg, lên mức 7.600 - 7.800 đồng/kg; giá phế nhập khẩu cũng tăng 37 USD/tấn lên mức 350 USD/tấn cuối tháng 11/2020.

Giá phôi cũng tăng 44 USD/tấn lên khoảng 494 - 496 USD/tấn. Giá phôi nội địa tăng 1.000 - 1.200 VNĐ/kg lên mức 11.400  - 11.600 đồng/kg.

Hòa Phát nắm 34% thị phần ống thép

Tập đoàn của tỉ phú Trần Đình Long tiêu thụ kỉ lục 95.117 tấn ống thép trong tháng 11/2020, chiếm thị phần 34%. Trong tháng 10, thị phần ống thép của Hòa Phát là 30,4%.

Tốc độ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ của Hòa Phát so với tháng liền trước là 41%, cao hơn mức tăng chung 32% của toàn ngành. 

Đứng thứ hai trên thị trường ống thép là Tập đoàn Hoa Sen (Mã: HSG) với sản lượng tiêu thụ hơn 47.600 tấn trong tháng 11, tăng 48% so với tháng 10. 

Trong khi Hòa Phát tự sản xuất được nguyên liệu HRC để sản xuất ống thép thì các doanh nghiệp khác như Hoa Sen, Minh Ngọc, Nam Kim, ... đều phải mua HRC từ bên ngoài.

Tổng cộng các thành viên của VSA đã bán ra gần 279.000 tấn ống thép trong tháng vừa qua, tăng 32% so với tháng 10, và còn 68.200 tấn ống thép tồn kho.

Hòa Phát xuất xưởng trên 500.000 tấn HRC, giá bán đang tăng mạnh - Ảnh 2.

Tính chung cả 11 tháng, các doanh nghiệp đã xuất xưởng gần 2,33 triệu tấn ống thép, trong đó có 1,07 triệu tấn ống đen và 1,25 triệu tấn ống mạ. Thị trường lớn nhất là ở miền Bắc với khối lượng tiêu thụ 1,05 triệu tấn.

Tập đoàn Hòa Phát bán ra gần 731.600 tấn trong 11 tháng đầu năm, theo sau là Tập đoàn Hoa Sen với 388.000 tấn.

Đức Quyền