Hết tiền trả lương, công ty vận hành tuyến Metro số 1 kiến nghị khẩn
Theo báo Tiền phong, đơn vị vận hành tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) - Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 (HURC1) vừa có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ để trình bày những khó khăn vướng mắc về vấn đề tài chính.
Theo văn bản trên, vận hành tuyến metro số 1 cần khoảng 700 người nhưng đến nay HURC1 chỉ có 15 nhân sự chính thức và đang thiếu tiền để duy trì hoạt động.
Theo HURC1, hiện nay toàn bộ người lao động của công ty chưa được chi trả lương từ tháng 2/2022 đến nay và kể từ tháng 7/2021 chưa được đóng các khoản bảo hiểm xã hội. Công ty hiện hết sức khó khăn, có nguy cơ phải gián đoạn hoạt động do không có bất kỳ nguồn kinh phí nào kể từ tháng 8/2021.
Việc vướng mắc kinh phí hoạt động của HURC1 làm ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị vận hành tuyến metro 1. Cụ thể, công ty không đảm bảo đủ nhân sự để tiếp nhận đào tạo, chuyển giao công nghệ theo tiến độ của dự án xây dựng. Công ty cũng không đủ kinh phí để duy trì hoạt động ổn định đến giai đoạn vận hành, khai thác dự án.
Theo HURC1, giải pháp duy nhất là tạm ứng sử dụng vốn điều lệ ban đầu được cấp là 14 tỷ đồng để hoạt động. Đến tháng 8/2021 Công ty không còn bất cứ nguồn kinh phí nào để hoạt động, lương và khoản bảo hiểm cho người lao động liên tục trong nhiều tháng không được chi trả.
Theo báo Pháp luật TP HCM, UBND TP HCM đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chấp thuận cho TP HCM được sử dụng ngân sách TP để bố trí kinh phí đảm bảo điều kiện thực hiện nhiệm vụ của công ty trong giai đoạn chuẩn bị vận hành khai thác thương mại tuyến metro số 1.
Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề nghị UBND TP HCM báo cáo Chính phủ cho phép bổ sung vốn điều lệ với điều kiện thực tế để đảm bảo nguồn lực cho công ty hoạt động.
Phía Bộ Tài chính đề nghị TP rà soát cơ sở pháp lý, khả năng cân đối ngân sách TP hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác để bố trí đủ nguồn lực cho công ty trong giai đoạn chuẩn bị vận hành khai thác theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trường hợp vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Do Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn khác nhau nên đến nay TPHCM vẫn chưa thể giải quyết kinh phí cho công ty.
Trước thực trạng trên, TP kiến nghị dù phương án theo hướng dẫn của các Bộ Tài chính hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều cần được Chính phủ chấp thuận chủ trương.
Do đó, yêu cầu một số bước thực hiện từ cấp TP đến cấp Bộ ngành, Chính phủ nên sẽ cần nhiều thời gian thực hiện. Trong khi tình trạng và nhu cầu kinh phí cho công ty đáp ứng yêu cầu công tác hiện đang rất cấp thiết.
TP nêu rõ tuyến metro số 1 đã hoàn thành được 91% tổng khối lượng. Một số gói thầu như CP1b đã hoàn thành hơn 99.5% và có nhu cầu được bàn giao sớm nên công tác đào tạo, chuyển giao công nghệ từ dự án cần được quan tâm, ưu tiên hàng đầu để có thể tiếp nhận, vận hành khai thác tuyến.
Do đó, UBND TP HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương cho TP trước mắt được hỗ trợ tạm ứng kinh phí hoạt động cho công ty trong khi nghiên cứu tổ chức thực hiện hướng dẫn của các bộ hoặc trong cả giai đoạn chuẩn bị.
Công ty có nghĩa vụ hoàn ứng dần tạm ứng khi tuyến số 1 hoàn thành, đi vào khai khai thác thương mại.