|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Hết nửa năm, tiến độ thực hiện kế hoạch của các doanh nghiệp BĐS niêm yết ra sao?

06:34 | 12/08/2019
Chia sẻ
So với kế hoạch lợi nhuận cả năm đã đề ra, trong số 67 doanh nghiệp bất động sản niêm yết có 1 doanh nghiệp vượt kế hoạch, 17 doanh nghiệp thực hiện được từ 50% kế hoạch trở lên và 42 doanh nghiệp thực hiện dưới 50% kế hoạch.

Theo thống kê của PV, tính đến hết ngày 7/8/2019, trong số 67 doanh nghiệp bất động sản (BĐS) niêm yết vẫn còn 1 doanh nghiệp chưa công bố kết quả kinh doanh quí II là CTCP Thương mại Hà Tây (Mã: HTT) và doanh nghiệp chưa đưa ra kế hoạch kinh doanh năm 2019, gồm: CTCP Thương mại Hà Tây (Mã: HTT),  CTCP Sông Đà 1.01 (Mã: SJC) và CTCP Thương mại Dịch vụ TNS Holdings (Mã: TN1).

Ngoài ra, CTCP Địa ốc First Real (Mã: FIR), CTCP Phát triển Hạ tầng Vĩnh Phúc (Mã: IDV) và CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Dịch vụ và Đầu tư Tân Bình (Mã: TIX) khác niên độ kế toán nên không đưa vào so sánh. 

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2019, 63 doanh nghiệp bất động sản niêm yết đã tạo ra hơn 135.837 tỉ đồng doanh thu thuần và 21.865 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Ngoài Petroland, CTCP Đầu tư Nhà Đất Việt (Mã: PVL) và CTCP Simco Sông Đà (Mã: SDA) báo lỗ, các đơn vị còn lại đều có lãi.

KH-BDS-6T-2019-5

PTL, SDA và PVL báo lỗ trong 6 tháng đầu năm (Đvt: Tỉ đồng). Nguồn: BCTC hợp nhất quí II/2019

So với kế hoạch lợi nhuận cả năm đã đề ra, có 1 doanh nghiệp vượt kế hoạch, 17 doanh nghiệp thực hiện được từ 50% kế hoạch trở lên và 42 doanh nghiệp thực hiện dưới 50% kế hoạch.

Năm Bảy Bảy về đích chỉ sau 6 tháng

Với kết quả hơn 232 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế trong 6 tháng đầu năm, CTCP Đầu tư Năm Bảy Bảy (Mã: NBB) dẫn đầu toàn ngành về tiến độ thực hiện kế hoạch khi vượt gần 52%. Bên cạnh nguồn thu từ dự án Đồi Thủy Sản, Năm Bảy Bảy còn ghi nhận 255 tỉ đồng lãi chuyển nhượng trong quí II. Tuy nhiên, Công ty không công bố chi tiết chuyển nhượng dự án nào.

hinh chay

Top 10 doanh nghiệp dẫn đầu tiến độ thực hiện kế hoạch lợi nhuận (Đvt:%). Nguồn: Tổng hợp từ Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2019 và BCTC quí II/2019

Lãnh đạo doanh nghiệp cho biết, dòng tiền của Năm Bảy Bảy trong năm 2019 sẽ đến từ dự án Quảng Ninh, Diamond, công nợ 2 dự án NBB 2 và NBB 4. Tổng giá trị nguồn thu ở các khoản này dự kiến 2.500 tỉ đồng.

Gần 30% doanh nghiệp qua được nửa chặng đường

Kết thúc 2 quí đầu năm, có 18 doanh nghiệp bất động sản niêm yết thực hiện được trên 50% kế hoạch lợi nhuận. Sau Năm Bảy Bảy, CTCP Bất động sản Du lịch Ninh Vân Bay (Mã: NVT) tiến sát vạch đích với kết quả thực hiện được gần 93% kế hoạch, tương ứng đạt 792 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế. Nhờ công ty thu hồi được 1,7 tỉ đồng tiền bồi thường bảo hiểm trong quí II, cộng với việc tiết giảm chi phí nên lợi nhuận cả trong quí và 6 tháng đều tăng trưởng so với cùng .

Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của CTCP Tập đoàn C.E.O (Mã: CEO) cao gấp 2 lần cùng , đạt hơn 381 tỉ đồng nhờ kinh doanh bất động sản tăng tưởng mạnh mẽ, giúp đơn vị này thực hiện được gần 86% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trong 2.523 tỉ đồng doanh thu thuần 6 tháng (gấp gần 2,5 lần cùng ), kinh doanh bất động sản chiếm 1.287 tỉ đồng.

Liên quan đến hoạt động bất động sản đầu tư, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của C.E.O giảm hơn 34% so với thời điểm đầu năm, lùi về 766 tỉ đồng do công ty không còn ghi nhận chi phí của dự án Sonaseas Condotel & Villas tại Phú Quốc (đầu năm ghi nhận 839 tỉ đồng).

Cuối kì kế toán quí II, dự án khu tổ hợp nghỉ dưỡng Sonasea Vân Đồn Habor City (hơn 358 ha) chiếm tỉ trọng lớn nhất trong chi phí xây dựng cơ bản dở dang với giá trị trên 639 tỉ đồng. Đây cũng là dự án trọng điểm của C.E.O trong năm nay và những năm tiếp theo.

Trong quí II/2019, CTCP Vinhomes (Mã: VHM) đã bàn giao và ghi nhận doanh thu chuyển nhượng tại 4 dự án: Vinhomes Ocean Park, Vinhomes Greenbay, Vinhomes Central Park và Vinhomes Golden River.

Theo đó, lợi nhuận trong quí II của Vinhomes gấp 2 lần cùng kì khi đạt 8.456 tỉ đồng và lợi nhuận 6 tháng tăng 37% với số tiền thu về 11.143 tỉ đồng. Với kết quả này, Vinhomes đã thực hiện được gần 67% kế hoạch đề ra.

Một ông lớn khác là Novaland cũng vừa kết thúc báo cáo tài chính bán niên 2019 với doanh thu thuần bán hàng đạt gần 8.045 tỉ đồng, tăng 88%. Đây là kết quả của việc lượng sản phẩm bàn giao tăng mạnh 185% so với cùng kì (2.936 sản phẩm). Trong khi đó lợi nhuận gộp đạt 2.163 tỉ đồng, tăng 53% so với cùng năm 2018. Lợi nhuận sau thuế của Novaland đạt 792 tỉ đồng qua đó hoàn thành 50% so với kế hoạch năm 2019.

Becamex Becamex IJC dẫn đầu tiến độ ở loại hình BĐS khu công nghiệp

Xét ở loại hình bất động sản khu công nghiệp, CTCP Phát triển Hạ tầng Kỹ thuật (Mã: IJC) tạm dẫn trước khi đã thực hiện được gần 74% kế hoạch lợi nhuận năm, mang về 186 tỉ đồng trong 6 tháng.

Trong cơ cấu doanh thu của Becamex IJC, mảng kinh doanh bất động sản có sự giảm sụt. Ngược lại, kinh doanh xây dựng tăng trưởng mạnh mẽ. Ngoài ra, Công ty còn có thêm 9 tỉ đồng doanh thu từ hợp tác kinh doanh trong quí II mà cùng không có.

Mặc dù so với kế hoạch, kết quả kinh doanh như trên của Becamex IJC có thể xem vượt ngoài mong đợi của các cổ đông doanh nghiệp này. Song, khi nhìn về các chỉ tiêu hàng tồn kho hay nợ phải trả thì những con số này hiện đang ở mức khá cao.

Tính đến ngày 30/6/2019, hàng tồn kho của Becamex IJC ghi nhận hơn 5.131 tỉ đồng, chủ yếu là chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của các công trình xây dựng. Riêng dự án Khu đô thị Đông Đô Đại Phố có số dư hơn 2.333 tỉ đồng từ chi phí chuyển quyền sử dụng đất.

Bên cạnh đó, nợ phải trả của đơn vị này gần 6.532 tỉ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm chỉ hơn 1.747 tỉ đồng. Dư nợ vay của Công ty phần lớn là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn với số tiền trên 1.507 tỉ đồng. Trong đó, trái phiếu thường dài hạn đến hạn trả chiếm 1.000 tỉ đồng. Đây là số vốn Becamex IJC huy động để triển khai 2 dự án Sunflowervà Prince Tower mở rộng. Ngoài ra, Becamex IJC còn "kẹt" hơn 610 tỉ đồng nợ xấu.

hinh chay 2

Các doanh nghiệp thực hiện được từ 50% kế hoạch lợi nhuận trở lên trong 6 tháng đầu năm 2019 tiếp theo (Đvt:%). Nguồn: Tổng hợp từ Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2019 và BCTC quí II/2019

FLC chỉ đạt 4% so với kế hoạch "khủng"

Bên cạnh top các doanh nghiệp có khởi đầu suôn sẻ trong 2 quí đầu năm, vẫn có khá nhiều doanh nghiệp chỉ nhích nhẹ so với vạch xuất phát, đơn cử như trường hợp CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC), CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (Mã: VPI) hay CTCP Đầu tư Thương mại Bất động sản An Dương Thảo Điền (Mã: HAR),…

So với kế hoạch lợi nhuận khủng 570 tỉ đồng thì sau 2 quí đầu năm, CTCP Tập đoàn FLC (Mã: FLC) chưa thực hiện được 4% khi chỉ đạt 21 tỉ đồng. Giá vốn kinh doanh trong 6 tháng đầu năm của FLC đã "nuốt chửng" 99% doanh thu có được. Đồng thời, việc hụt đi phần lợi nhuận ở các công ty liên doanh, liên kết cũng góp phần gia tăng gánh nặng tài chính cho FLC.

Trả lời thắc mắc của cổ đông tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 diễn ra vào ngày 20/4, ban lãnh đạo CTCP Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân (Mã: HQC) cho biết kế hoạch 2019 trong tầm tay. Sở dĩ có thể khẳng định như vậy do Công ty có những khoản thu chắc chắn đạt được từ các dự án mà hiện tại chưa đủ điều kiện ghi nhận.

Thế nhưng sau 6 tháng đầu năm, Hoàng Quân chỉ mới thực hiện được hơn 14% kế hoạch lợi nhuận, số tiền thu về chưa đến 21 tỉ đồng. Vấn đề trọng yếu của Hoàng Quân hiện nay vẫn là nợ thuế và thặng dư vốn âm. Song song đó, giá cổ phiếu của Hoàng Quân vẫn cứ "rơi" không ngừng. 

Chủ tịch Trương Anh Tuấn cũng đã nói tại ĐHĐCĐ thường niên 2019 rằng, các dự án chậm tiến độ, thặng dư vốn cổ phần âm hơn 500 tỉ đồng, hàng tồn kho lớn, việc bán hàng bị ảnh hưởng và giá cổ phiếu xuống "đáy của đáy",… là những vấn đề nội tại Hoàng Quân đang đối mặt.

BDS-3

Top 15 doanh nghiệp "ì ạch" tiến độ kế hoạch trong 6 tháng đầu năm (Đvt:%). Nguồn: Tổng hợp từ Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2019 và BCTC quí II/2019

KAC "đội sổ" và bị gọi tên lần 2 mới công bố kết quả kinh doanh

Đối với CTCP Đầu tư Địa ốc Khang An (Mã: KAC), Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) phải có văn bản nhắc nhở lần 2 vào ngày 2/8 về việc chậm nộp BCTC quí II/2019.

Cũng do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt mà cổ phiếu của Địa ốc An Khang đã bị đưa vào diện tạm ngừng giao dịch từ ngày 19/4/2019.

Sau nửa đầu năm 2019, Địa ốc An Khang là đơn vị có bước đi chậm nhất toàn ngành khi chỉ đạt hơn 1 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế, tương ứng với 1% kế hoạch năm.

Kết quả kinh doanh của Địa ốc An Khang tăng trưởng đột biến từ năm 2015 với con số lãi 19 tỉ đồng, những năm trước đó chỉ lãi vài tỉ đồng. Thế nhưng kể từ năm 2016, lợi nhuận thu về mỗi năm của Địa ốc An Khang lại vơi dần đi. Trước tình hình này, Địa ốc An Khang lại gây bất ngờ khi đưa ra mục tiêu 120 tỉ lợi nhuận trong năm nay, gấp 15 lần kết quả đạt được ở năm 2018.

Nằm trong số những doanh nghiệp theo đuổi chiến lược "đánh bắt xa bờ", CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) đã đi được 1/3 chặng đường sau nửa đầu năm với kết quả hơn 241 tỉ đồng lợi nhuận sau thuế.

Từ đầu năm đến nay, Phát Đạt đã có 6 đợt phát hành trái phiếu nhằm mục đích huy động vốn thực hiện các dự án ở khu vực miền Trung. Lần gần đây nhất, công ty phát hành 225 tỉ đồng trái phiếu vào ngày 1/8. Trái phiếu có kì hạn 1 năm và lãi suất 9,5% mỗi năm. Trái chủ cho đợt phát hành này là Ngân hàng TMCP Phương Đông - chi nhánh Bến Thành.

cẩm

Tiến độ thực hiện kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp BĐS niêm yết còn lại (Đvt: Tỉ đồng). Nguồn: Tổng hợp từ Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2019 và BCTC quí II/2019

Kết quả trên chỉ phản ánh phần nào những bước đi đầu của các doanh nghiệp bất động sản niêm yết, bởi lẽ do đặc thù của ngành mà các doanh thu thường thu lãi lớn vào những quí cuối năm. Trật tự xếp hạng của các doanh nghiệp sẽ còn biến đổi nhiều ở chặng đua cuối.

Nguyên Ngọc