HDBank 'để dành' 10% room ngoại cho NĐT chiến lược, giá phát hành dự kiến cao hơn thị giá
"Để dành" 10% room ngoại
Tại Hội nghị nhà đầu tư cập nhật kết quả kinh doanh năm 2023, nhà đầu tư đã đặt câu hỏi cho HDBank về kế hoạch mở văn phòng đại diện tại Hàn Quốc có phải nhằm mục đích chuẩn bị cho cổ đông chiến lược ở Hàn Quốc hay không. Đồng thời, nhà đầu tư cũng lo ngại rằng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sắp có hiệu lực có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư ngoại.
Trả lời câu hỏi này, ông Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Ban Quan hệ Nhà đầu tư HDBank, cho biết việc mở văn phòng đại diện tại Hàn Quốc là một phần trong chiến lược của ngân hàng nhằm mở rộng quan hệ quốc tế đối với các định chế tài chính, tập đoàn và doanh nghiệp nước ngoài.
Ông Tùng khẳng định Hàn Quốc là một thị trường quan trọng với Việt Nam cả về đầu tư lẫn thương mại. Cụ thể, năm 2023, Hàn Quốc năm trong top 3 các quốc gia có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện cao nhát tại Việt Nam. Còn về quan hệ thương mại song phương, Hàn Quốc là một đối tác quan trọng.
Xét riêng HDBank, ông Tùng cho biết trong năm qua, ngân hàng đã ghi nhận số lượng doanh nghiệp FDI Hàn Quốc tăng lên rõ rệt. Ngoài ra, sau chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc, sự quan tâm của các nhà đầu tư nước này với thị trường Việt Nam ngày càng mạnh mẽ.
"Đó là những yếu tố khiến HDBank mở văn phòng đại diện tại Hàn Quốc nhằm đáp ứng nhu cầu của cả doanh nghiệp Việt Nam lẫn Hàn Quốc", ông nói.
Giám đốc Ban Quan hệ Nhà đầu tư của HDBank cũng chia sẻ thêm rằng trong thời gian vừa qua, ngân hàng đã nhận được sự quan tâm từ một số đối tác, không chỉ ở Hàn Quốc mà còn một số thị trường khác như châu Âu, Mỹ ...
"Việc lựa chọn đối tác để phát hành tăng vốn, thu hút cổ đông chiến lược nằm trong định hướng của Hội đồng Quản trị (HĐQT) HDBank", ông nói.
"Việc phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam. Luật mới không hạn chế nhà đầu tư nước ngoài tham gia góp vốn vào ngân hàng tại Việt Nam mà chỉ giới hạn đối với tổ chức trong nước", ông nói thêm.
Theo quy định tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP ngày 03/01/2014 của Chính phủ, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.
Tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa (room ngoại) tại HDBank là 20% theo quy định tại Điều lệ và công văn số 303/UBCK-PTTT ngày 18/01/2023 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Khoản 7 trong Điều 63 Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) sắp có hiệu lực quy định Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam. Chính phủ sẽ quy định tổng mức sở hữu cổ phần tối đa của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, ông Tùng cũng cho biết HDBank đã có sự chuẩn bị cần thiết để đón đối tác chiến lược này. Ngân hàng đã "để dành 10% room ngoại" cho nhà đầu tư nước ngoài và kế hoạch phát hành có thể triển khai khi điều kiện thuận lợi.
Vị lãnh đạo này cho biết hiện vẫn còn quá sớm để nói về quy mô hay giá phát hành. Tuy nhiên với năng lực của HDBank, ông tự tin rằng giá phát hành sẽ ở mức rất tốt và cao hơn (premium) so với thị giá.
Chốt phiên ngày 1/2, cổ phiếu HDB được giao dịch ở mức 21.800 đồng/cp, không đổi so với phiên hôm trước. Kể từ đầu năm 2023, cổ phiếu này đã tăng giá 51,9%.
Đặt mục tiêu lãi trên 20.000 tỷ đồng vào năm 2025
Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế của HDBank trong quý IV/2023 đạt 4.385 tỷ đồng tăng 94,7% so với cùng kỳ và cả năm 2023 đạt 13.017 tỷ đồng - mức cao nhất từ trước đến nay. Các chỉ tiêu sinh lời ROA đạt 2,0%, ROE đạt 24,2%, đều cao hơn cùng kỳ năm trước và trong nhóm dẫn đầu toàn ngành.
Tại thời điểm ngày 31/12/2023, tổng tài sản HDBank đạt trên 602 nghìn tỷ đồng, tăng 44,7% so với năm 2022. Huy động vốn đạt 537 nghìn tỷ đồng, tăng 46,5%. Dư nợ tín dụng hợp nhất đạt 353 nghìn tỷ đồng, tăng 31,8%.
Về mục tiêu năm 2023, HDBank dự kiến sẽ tăng trưởng lợi nhuận trước thuế ít nhất là 20% so với 2023 và đến 2025 sẽ gia nhập "câu lạc bộ" các nhà băng có lãi hơn 20.000 tỷ đồng. Tín dụng năm nay được kỳ vọng sẽ tăng khoảng 20%, phù hợp với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng do Ngân hàng Nhà nước giao.
Trong khi đó, NIM được dự báo sẽ ổn định trong khoảng từ 5 đến 5,2% nhờ lãi suất cho vay giảm mạnh trong khi tăng trưởng tín dụng được duy trì tốt. Trong giai đoạn 2021 - 2025, NIM được kỳ vọng sẽ duy trì ổn định trong khoảng trên 4,5%.